Nếu nhìn qua bức tranh khởi nghiệp trong những năm vừa qua, sẽ thấy những dấu hiệu rất lạc quan. Năm vừa qua, theo thống kê của tổ chức hỗ trợ và đào tạo khởi nghiệp Topica Founder Institute, Việt Nam thu hút 900 triệu USD tiền đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng gấp 3 lần so với thống kê năm 2017 (291 triệu USD).

Hơn nữa, so với trước đây, khi nhắc đến đầu tư mạo hiểm, người ta chỉ nhớ đến các quỹ ngoại thì giờ đây đã có những quỹ nội, thể hiện sự tham gia của các doanh nghiệp lớn vào hệ sinh thái, chẳng hạn như Công ty Cổ phần chứng khoán BIDV, Vingroup với quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và khoa học công nghệ trị giá 300 triệu USD, Quỹ Sáng tạo CMC, Viettel Venture,…Ngoài ra, nhiều cộng đồng, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần cũng ra đời, nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cả rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm như VIC Impact, Angel4us, Hatch!Angel Network…

Không chỉ hoạt động đầu tư, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng diễn ra sôi nổi. Riêng các vườn ươm và các khóa tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) trong năm 2018 đã tăng 50% so với 2017, được hỗ trợ bởi cả khối tư nhân, trường đại học và các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, những điều đó có đồng nghĩa với chất lượng startup ngày càng tăng? Ngày 9/5 vừa qua đã diễn ra Cuộc họp của Ban điều hành Đề án 844 “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…và các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên….Cuộc họp này cũng có sự tham gia của một số quỹ đầu tư như IDG Venture và CyberAgent cùng một số đại diện tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Những chia sẻ của các thành viên cuộc họp này giúp ta nhìn kĩ hơn bức tranh đó.

Dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP2) cũng nỗ lực liên kết các thành phần của hệ sinh thái và nâng cao năng lực các dịch vụ hỗ trợ startup. Tuy nhiên, dự án này đã kết thúc vào đầu năm nay. Nguồn ảnh: IPP2
Dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP2) cũng nỗ lực liên kết các thành phần của hệ sinh thái và nâng cao năng lực các dịch vụ hỗ trợ startup. Tuy nhiên, dự án này đã kết thúc vào đầu năm nay. Nguồn ảnh: IPP2

Nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST phân tán

Trên thực tế, những con số về mặt tài chính hay số lượng tổ chức hỗ trợ tổ chức hỗ trợ dù tăng so với trước đây, lại phản ánh đầy đủ được chất lượng tổng quan của các startup – thành tố quan trọng bậc nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đúng là các thương vụ gọi vốn năm 2018 để lại những con số ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp nhận đầu tư là những gương mặt đã cũ, đã từng gọi vốn thành công nhiều lần như Topica, Sendo, Yeah1. Vậy còn các startup ở giai đoạn khởi đầu thì sao?

Topica là một trong số những doanh nghiệp nhận vốn đầu tư lớn nhất năm 2018. Nguồn: khoinghiep.org.vn
Topica là một trong số những doanh nghiệp nhận vốn đầu tư lớn nhất năm 2018. Nguồn: khoinghiep.org.vn

Mặc dù không có những số liệu chính thức, nhưng cảm quan của những nhà hoạch định chính sách và các quỹ đầu tư cho thấy startup chất lượng đang có dấu hiệu giảm đi, ngày càng hiếm các startup có khả năng nhận đầu tư. Ông Nguyễn Hiếu Linh, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Cyber Agent tại Việt Nam cũng đưa ra nhận xét: “đúng là mấy năm nay chất lượng các khoản đầu tư mà bên tôi tìm kiếm đã không tốt như mấy năm trước nữa rồi, và hầu như những công ty tốt nhất thì họ đã có trụ sở đăng ký kinh doanh bên Singapore và nhận nguồn vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư trong khu vực”.

Bà Thạch Lê Anh, CEO của tổ chức tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley (VSV) thì cho rằng các startup ở điểm xuất phát tốt, thậm chí năm sau tốt hơn năm trước nhưng trong quá trình phát triển, chất lượng lại giảm dần do “các trung tâm ươm tạo nhận startup vào và không giúp họ định hình được một mô hình kinh doanh có khả năng nhân rộng”.

Tại sao hỗ trợ ngày càng nhiều mà startup Việt Nam lại chưa đi lên? Không những thế, lại còn đi ra nước ngoài? Số lượng các tổ chức tuy đông nhưng đa phần kinh nghiệm vẫn còn non trẻ, lại phân tán và thiếu liên kết với nhau. Vì vậy mà các startup có tiềm năng nhưng ở những nơi ít có điều kiện về kinh tế, cơ sở vật chất sẽ không được phát hiện và được đào tạo, đầu tư đủ tốt để có thể phát triển. Báo cáo của Văn phòng Đề án 844 về Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cho rằng, tại đa số các vườn ươm hoặc trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đa phần chỉ là các doanh nghiệp siêu nhỏ đưa ra sản phẩm/dịch vụ trên nền tảng số chứ chưa phải là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa. Trong khi đó, sự hỗ trợ đối với những nhà khoa học trẻ đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo kĩ thuật, các dự án, doanh nghiệp đoạt giải nhất trong các cuộc thi về khởi nghiệp tại địa phương thì lại chưa sát sao. Và nguyên nhân chính được đưa ra là “do chưa thực sự tạo được mối liên kết các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và các vùng lân cận”

Cần nhạc trưởng điều phối

Một trong những giải pháp để liên kết nguồn lực trên được Thủ tướng “hé lộ” trong Techfest vừa qua, đó là phát triển trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất và xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Nội dung cơ bản của hai chương trình này, do Bộ KH&CN chủ trì là: Thứ nhất, hình thành một cơ quan đầu mối để điều phối nguồn lực, tổng hợp thông tin, đánh giá tình hình hệ sinh thái khởi nghiệm ĐMST của Việt Nam và Thứ hai, hình thành các one-stop shop, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia nhằm cung cấp dịch vụ toàn diện hỗ trợ thị trường, thông tin cho cộng đồng khởi nghiệp và đặc biệt là cung cấp các ưu đãi về tài chính đặc thù cho startup. Mỗi trung tâm này giống như một hệ sinh thái thu nhỏ, trong đó có doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, tổ chức kết nối nguồn lực trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để làm được điều đó trong tương lai, trước hết cần phải thay đổi cách thức phối hợp giữa các bộ ngành trên cả nước. Bản thân các chính sách và cách thức hỗ trợ của các cơ quan ở Việt Nam về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chưa thống nhất. Đề án 844 do Bộ KH&CN chủ trì và có nhiều bộ ngành tham gia nhưng Bộ KH&CN chỉ có thể “phối hợp” chứ không có trách nhiệm “điều phối”. Đề án 844 này ra đời còn khởi xướng cho các chương trình khởi nghiệp quy mô cấp tỉnh ở hàng chục địa phương và một loạt bộ, ngành khác cũng ban hành các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp riêng mình, chẳng hạn như: đề án 1665 (“Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”) do Bộ GD&ĐT chủ trì, đề án 939 (“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”) do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì. Làm thế nào để các hoạt động này được triển khai một cách suôn sẻ, bổ trợ cho nhau, phối hợp với nhau là một câu hỏi khó trả lời đặt ra tại buổi họp.

Khó trả lời, vì từ trước đến nay, đại diện các bộ ít khi ngồi lại cùng nhau thường xuyên để trao đổi về nội dung hỗ trợ khởi nghiệp của mình, và để nắm và hỗ trợ triển khai đề án 844 ở các địa phương thì càng khó khăn hơn nữa. Trong buổi họp ban điều hành, phần lớn các thành viên không nắm được kinh phí mà đề án 844 được cấp và tình hình tài trợ của đề án. Chẳng hạn, Bộ Giáo Dục và Đào tạo hiện “có định hướng chỉ đạo các trường tiếp tục hình thành các trung tâm ươm tạo” nhưng không biết các trường đại học nào đang nhận hỗ trợ từ 844 và cơ chế hỗ trợ thế nào.

Vấn đề điều phối, liên kết giữa các bộ ngày càng quan trọng khi hiện nay một loạt các chính sách đang chờ dự thảo nhằm giải quyết những khúc mắc về vốn, đầu tư và thử nghiệm công nghệ mới – vốn đang gây “sốt” trong cộng đồng khởi nghiệp. Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về việc thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước (công văn 1128, 31/8/2018). Theo công văn, Bộ Tài chính sẽ chủ trì nghiên cứu và đề xuất chính sách dành cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp, nền tảng gọi vốn cộng đồng và thí điểm nền tảng thoái vốn, v.v...; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên đã hơn nửa năm vẫn chưa có đề xuất nào được đưa ra. Bà Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng khởi nghiệp sáng tạo, Bộ KH&CN cho biết việc thực hiện công văn 1128 đang “rất chậm”, cũng như chưa có sự phối hợp thực sự với Bộ KH&CN trong việc xây dựng chính sách. “Các bộ ngành đã có kế hoạch riêng để triển khai công văn 1128 và giao về cho đơn vị thực hiện, [...] nên từng đơn vị này đều có ban soạn thảo riêng và các đơn vị hãy cho chúng tôi tham gia vào ban soạn thảo đó, được họp và được thông tin một cách nhanh chóng. Vì hiện tại việc đề xuất những chính sách này đang rất chậm.”

Trong phiên họp của ban điều hành 844, rất nhiều ý kiến cho rằng hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam cần một người nhạc trưởng để điều phối các bộ, ngành có những chính sách kịp thời, đồng loạt hỗ trợ các startup, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Một số thành viên cho rằng, người nhạc trưởng này có thể là thành viên chính phủ, thậm chí thủ tướng thì mới có đủ khả năng kêu gọi các nguồn lực từ phía Nhà nước và tư nhân, giống như một số trường hợp của các quốc gia như Ấn Độ, Singapore… Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng tình với việc hỗ trợ khởi nghiệp cần có một “nhạc trưởng”, cho rằng “Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án, Hội Phụ nữ có đề án và Đoàn Thanh niên cũng có đề án. Tất nhiên là cũng chưa có gì dẫm chân lên nhau, nhưng làm thế nào để chúng ta cùng đi hiệu quả nhất… và người dẫn dắt thì nếu Thủ tướng Chính phủ đứng ra thì câu chuyện sẽ khác.”