Nhật Bản và châu Âu đang lên kế hoạch mở rộng hơn nữa quy mô hợp tác nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và những chương trình mang tính “moonshot” – những siêu dự án nghiên cứu với lượng kinh phí đầu tư lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học và quy mô tác động ở tầm thế giới.

Viện RIKEN là một trong những nơi nghiên cứu có nhiều đột phá của thế giới về tế bào gốc “vạn năng cảm ứng” (Induced Pluripotent Stem Cells- iPSC). Nguồn: RIKEN
Viện RIKEN là một trong những nơi nghiên cứu có nhiều đột phá của thế giới về tế bào gốc “vạn năng cảm ứng” (Induced Pluripotent Stem Cells- iPSC). Nguồn: RIKEN

Cùng giải quyết những thách thức toàn cầu

Vào đầu tháng 5 tại Brussels, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nhật Bản Takuya Hirai đã trình bày với cố vấn Bộ phận Nghiên cứu của châu Âu Carlos Moedas về các mục tiêu nghiên cứu đầy tham vọng của Nhật Bản, đồng thời xem xét khả năng tham gia vào chương trình R&D Horizon Europe tới của châu Âu có tổng số kinh phí đầu tư 94,1 tỷ euro.

Về phần mình, châu Âu cũng đang lập kế hoạch để đưa những đề xuất mới và ở mức cao hơn đối với chương trình Horizon Europe nhằm cho phép các nhà nghiên cứu thuộc các quốc gia thứ ba như Nhật Bản có thể tham gia chương trình với tư cách thành viên liên kết, đóng góp kinh phí đối ứng và được hưởng các quyền lợi như các đồng nghiệp thuộc khối Liên minh châu Âu.

Ông Fumikazu Sato, một trong những người phụ trách KHCN và đổi mới sáng tạo của Chính phủ Nhật Bản nói với Science Business, là Nhật Bản có thể cùng với EU thực hiện các dự án “moonshot” mà Nhật Bản đang xây dựng với khoản đầu tư dự kiến 807 triệu euro, cũng được thiết kế tương tự các “mission (nhiệm vụ) trong khuôn khổ Horizon Europe, sẽ diễn ra ít nhất 5 năm và có khả năng mở rộng thời gian đến 10 năm.

Những vấn đề mà các dự án “moonshot” của Nhật Bản muốn giải quyết có nhiều điểm trùng hợp với các nhiệm vụ của Horizon Europe, ví dụ biến đổi khí hậu, môi trường đại dương, vùng ven biển và chất lượng nước đất liền, thành phố thông minh – có khả năng chống biến đổi khí hậu… “kết hợp với các nhiệm vụ nghiên cứu về chính sách nhằm đảm bảo sức ảnh hưởng của đầu tư cho khoa học và đổi mới sáng tạo trong giải quyết những thách thức toàn cầu” như thông báo của Liên minh châu Âu.

Việc đặt ra sự hợp tác sẽ có lợi cho cả hai bên. Hiện nay, dù có duy trì một mối hợp tác với châu Âu, nhưng Nhật Bản vẫn chưa thu được lợi ích đáng kể. Bộ KH&CN Nhật Bản đang chi trả kinh phí để các nhà khoa học của minh tham gia vào những dự án nhỏ, được xây dựng theo mục tiêu của châu Âu, do đó hạn chế vai trò của các nhà khoa học nước này trong giải quyết các vấn đề ngoài Nhật Bản. Mặt khác, các dự án lớn của Nhật Bản vẫn chưa thu hút được nhiều nhà nghiên cứu quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích mở rộng thêm nhiều hợp tác quốc tế trong khoa học.

Thay đổi quan điểm về hợp tác và thương mại hóa sản phẩm

Trong quá khứ, ít khi nào Nhật Bản nghĩ đến việc thiết lập cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài nhưng hiện tại, quan điểm đó đã thay đổi. Để tìm kiếm đối tác mới, RIKEN - viện nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản với khoảng 3.000 nhà khoa học, ngân sách đầu tư 95 tỷ yên (tương đương 736 triệu euro) và là một tổ chức nghiên cứu có tính mở nhất quốc gia này, đã bắt đầu thành lập một cơ sở tại Brussels, Bỉ vào cuối năm 2018 nhằm giữ cho viện khả năng cạnh tranh trong nghiên cứu và mở rộng mối hợp tác cùng các nhà khoa học châu Âu. “Các nhà khoa học của chúng tôi vốn có phần hướng nội và ích kỷ. Nhưng xu hướng này đã thay đổi”, ông Hiroshi Matsumoto, viện trưởng RIKEN và là một chuyên gia về từ trường và vật lý plasma, cho biết.

Theo tính toán của Nhật Bản, việc đặt văn phòng tại Brussels và bổ nhiệm ông Toshiyasu Ichioka – một chuyên gia giàu kinh nghiệm về chính sách khoa học, làm trưởng đại diện sẽ tạo cơ hội cho RIKEN cũng như các nhà khoa học Nhật Bản cơ hội tham gia vào chương trình Horizon 2020, tìm kiếm các đối tác mới là các trường đại học lớn ở châu Âu, và quan trọng không kém là hình thành mối liên minh với các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt về khoa học y sinh.

Một trong những mục tiêu quan trọng của RIKEN là học hỏi các đồng nghiệp châu Âu để tìm ra chính sách hỗ trợ các công ty spinoff ở Nhật Bản. “Chúng tôi đã thiết lập được các công ty dạng này nhưng về tổng thể, các nỗ lực của chúng tôi vẫn chưa gặt hái được nhiều kết quả”, ông Matsumoto cho biết. Ông muốn thiết lập một công ty mới để các quản lý tài sản trí tuệ, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của RIKEN, dự kiến vào năm tới.

Mặt khác, ông Matsumoto muốn có nhiều cơ hội hỗ trợ các công ty mới của Nhật Bản, “hơn 90% doanh nghiệp ở Nhật Bản là nhỏ và vừa, có rất ít cơ hội kết nối và hợp tác với những công ty giàu truyền thống của châu Âu. Qua đây, họ có thể sử dụng nền tảng hợp tác ở RIKEN để thiết lập những điều đó với các đối tác nước ngoài. Tôi nghĩ điều đó rất tốt cho các doanh nghiệp và chính xã hội của chúng tôi”.

Trước mắt, RIKEN sẽ dùng cơ sở ở Brussels để trao đổi và tìm cơ hội cho các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản thực tập, nghiên cứu tại châu Âu, vốn “không chịu làm việc ở nước ngoài như họ đã từng làm nhiều năm trước, có lẽ họ lo ngại không tìm được vị trí khi trở về”, ông Hiroshi Matsumoto nêu lý do.

Nhật Bản đang thúc đẩy một đề cương thành lập một hệ thống quốc tế nghiên cứu về AI, một lĩnh vực công nghệ đang do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt. Do đó, một trong những vấn đề trọng tâm mà Nhật Bản mong muốn hợp tác với châu Âu là lĩnh vực AI với công việc nền tảng là phát triển các quy tắc nghiêm ngặt về dữ liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu; tiếp đến có thể là công nghệ sinh học và các kỹ thuật di truyền.

Trước khi đến đặt vấn đề với Liên minh châu Âu, họ đã thiết lập kế hoạch với Đức, một quốc gia đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào AI. Kết quả là vào tháng trước, lãnh đạo các viện nghiên cứu lớn của Đức như Quỹ Nghiên cứu Đức, Hội Fraunhofer-Gesellschaft, Hội Leibniz và Helmholtz đã cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức Anja Karliczek đã tới Tokyo để tiến tới các thỏa thuận nghiên cứu về công nghệ xe tự lái, AI và IoT, đồng thời bàn thảo về sự tham gia của Đức vào các dự án moonshot.