Tại hội thảo “Phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân” trong hai ngày 10-11/11 tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Phi Long - Phó Giám đốc KH&CN tỉnh Ninh Thuận tập trung vào “hai khó khăn lớn nhất” đối với công tác tuyên truyền trong bối cảnh của một tỉnh nghèo...


Chi ít cho sự đồng thuận

Qua hơn 2 năm thực hiện đề án 370, ông Nguyễn Phi Long - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Ninh Thuận - nói rằng đã nâng cao một bước nhận thức của người dân về vai trò của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ông Long cho rằng hiện có “hai khó khăn lớn nhất” đối với công tác tuyên truyền trong bối cảnh của một tỉnh nghèo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân
Các đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân

Kinh phí trung ương từ năm 2013 đến nay đối với công tác thông tin, tuyên truyền dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo đề án 370 vẫn chưa được phân bổ về địa phương. Bên cạnh đó, việc thay đổi tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công xây dựng đã tác động không nhỏ đến tâm lý người dân vùng dự án.

Sự đồng thuận của nhân dân chính là một trong những vấn đề quan trọng trong triển khai hiệu quả dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta. Bà Tiina Tigerstedt - chuyên gia IAEA - cho biết, thông tin và tuyên truyền là 1/19 vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân nên phải làm thường xuyên, liên tục trong thời gian trước khi xây dựng, khi nhà máy đang hoạt động và cả khi nhà máy dừng hoạt động.

Trở lại vấn đề hiệu quả sau 2 năm thực hiện đề án 370, Giáo sư Hà Mạnh Thư - Giám đốc Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử - nhận định, nếu thực hiện nghiêm chỉnh, hiệu quả về tuyên truyền sẽ rất tốt vì trong đề án đã xác định rõ ràng vai trò của Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin - Truyền thông và EVN. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Tài chính rất quan trọng với việc cung cấp kinh phí theo đề án 370 mà Thủ tướng đã ký. Tuy nhiên, lượng kinh phí cho năm 2014 là quá nhỏ (chỉ khoảng 6 tỷ đồng, thay vì kỳ vọng 50 tỷ đồng chi cho tuyên truyền) và quá muộn, nên phải chuyển sang năm 2015.

TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - trình bày tại hội thảo.Ảnh: Hải Vân
TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - trình bày tại hội thảo.Ảnh: Hải Vân

Bài học từ “người dân không hiểu”

Đất nước đang khó khăn, Nhà nước đang phải lo trả nợ, lo giảm nghèo… nhưng nếu ai đó cho rằng tuyên truyền về điện hạt nhân là “không cấp bách” thì đã đánh giá không đúng vấn đề. Nước ta hướng đến mục tiêu đảm bảo nhà máy điện hạt nhân được xây dựng và vận hành tốt. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến xây dựng nhà máy tốt mà chưa chú ý đến việc tạo sự đồng thuận trong dân chúng, thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.

Bài học của Rosatom (Nga) xây dựng Nhà máy điện hạt nhân KudanKulam tại Ấn Độ còn nguyên giá trị. Nhà máy xây xong, chất đầy nguyên liệu, chuẩn bị vận hành thì buộc phải dừng lại. Ngư dân trên địa bàn biểu tình với lý do xây nhà máy điện hạt nhân ảnh hưởng đến môi trường biển. Rosatom đã đưa đại diện cộng đồng dân cư sở tại sang Đài Loan - nơi có nhà máy điện hạt nhân có công nghệ tương tự đang hoạt động có vị trí gần biển - để họ trực tiếp trao đổi với ngư dân Đài Loan về những tác động đến môi trường biển. Không nói rõ số tiền, nhưng chắc chắn Rosatom đã mất một khoản không nhỏ cho vấn đề “người dân không hiểu”.

Nhiều người vẫn nói về sự kiện bom nguyên tử ở Hiroshima, Nagasaki năm 1945, Nhà máy điện hạt nhân Chernobyn ở Nga hay Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) năm 2011. Tuy nhiên, trên thực tế, không ai lường trước được tác động của động đất, sóng thần ở Fukusima, ngay cả khi các hệ thống an toàn của nhà máy đã chạy nhưng mất nguồn điện bên ngoài. GS Thư cho đó là những bài học để các nhà phát triển năng lượng hạt nhân hiệu chỉnh lại các vấn đề kỹ thuật. Sau sự cố của Fukushima Daiichi, bây giờ, tất cả những nhà máy điện hạt nhân đều lắp thêm hệ thống điện ba pha độc lập để bảo đảm làm mát.

Khi những con số cảnh báo nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt xuất hiện ngày càng nhiều trong các báo cáo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta mới vỡ lẽ về nguyên nhân sâu xa của việc ký Hiệp định liên chính phủ về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Không còn cách nào khác, điện hạt nhân là vị cứu tinh duy nhất giúp Việt Nam ra khỏi tình trạng thiếu năng lượng.

Triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, nước ta được sự hỗ trợ rất tích cực của các chuyên gia IAEA và các đối tác cung cấp thiết bị Nhật Bản và Nga. GS Hà Mạnh Thư cho biết, trong quá trình chuẩn bị, chúng ta học được rất nhiều điều và nhận ra rằng, cần học nhiều hơn và chuẩn bị kỹ hơn. Đấy là lý do cơ bản khiến chúng ta lùi thời gian khởi công, để đủ người làm, để làm đúng theo quy trình kỹ thuật đề ra cho điện nguyên tử. Trong trường hợp này, ý nghĩa chính trị thể hiện ở chỗ phải làm tốt.

Một điểm được nữa trong bối cảnh Intenet phổ biến, điểm được trong đề án 370 là đưa ra được chủ trương đúng đắn về tuyên truyền, còn việc thực hiện liên quan đến UBND tỉnh Ninh Thuận, ban quản lý dự án, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật như Viện An toàn hạt nhân hay Cục Năng lượng nguyên tử - cơ quan phụ trách về truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề một lần nữa phải kiểm đếm rõ ràng không chỉ tại hội thảo này mà cả các hội thảo trước đây liên quan đến điện hạt nhân cũng vậy, tất cả đều quan tâm đến “tiền”.

Nhiều trường hợp người ta nói tránh, nói nhẹ đi vai trò của tài chính để tạo cảm giác mọi việc vẫn chạy, nhưng bây giờ phải thay đổi. Mặt khác, điện hạt nhân là lĩnh vực kinh tế kỹ thuật rất khó, song điều đáng ngạc nhiên là ở hội thảo này, những người có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến điện hạt nhân lại không có mặt. Phát triển năng lượng hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên là việc thật, phải làm thật, cho nên phải nhìn thẳng vào vấn đề: Lý do nào khiến tuyên truyền kém hiệu quả; chỉ như vậy mới chỉ ra trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân đối với vấn đề quốc gia.