Phần lớn các doanh nghiệp trong nước không nhận được bất kỳ sự chuyển giao công nghệ nào từ việc tương tác với các doanh nghiệp nước ngoài kể từ nhà cung cấp, khách hàng hoặc đối thủ cạnh tranh.


Kết quả điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam từ năm 2010-2014” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa thực hiện đã nêu thực tế này và đây cũng không phải là vấn đề mới.

Không dễ để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Ảnh: BN
Không dễ để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Ảnh: BN

Không dễ để chuyển giao

Từ câu chuyện mà ông Shim Won Hwan - Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam - từng chia sẻ khi trả lời câu hỏi: “Khoảng bao lâu nữa Samsung sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho phía Việt Nam?” cũng phần nào thấy được không dễ gì DN Việt Nam có cơ hội tiếp nhận công nghệ của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo ông Shim Won Han, việc chuyển giao công nghệ rất khó xác định mốc thời gian cụ thể, nhưng từ khi đầu tư vào Việt Nam, Samsung đã và đang từng bước chuyển giao công nghệ.

Đó chỉ là câu chuyện để nói, bởi trên thực tế nhìn từ tỉnh Bắc Ninh - địa phương thu hút nhiều DN FDI với hàng loạt tên tuổi lớn như Canon, Samsung, Microsoft, Pepsico… càng thấy rõ hơn biểu hiện này. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2014 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 139 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên theo tính toán, đến nay chỉ có khoảng 22 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện bởi 15 DN FDI trên địa bàn tỉnh. Trong số các hợp đồng này đều được thực hiện dưới dạng chuyển giao từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, chưa có hợp đồng nào chuyển giao từ DN FDI sang các DN trong nước.

Từ kết quả trên cho thấy, dường như việc chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI với DN Việt Nam đã vấp phải không ít rào cản, khiến cho việc chuyển giao công nghệ đã không diễn ra hoặc diễn ra với tỉ lệ khá khiêm tốn.

Dù đây chưa phải là bức tranh toàn cảnh, song nói như PGS-TS Trần Văn Hải - Chủ nhiệm khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - thì số hợp đồng chuyển giao công nghệ hiện còn ít.

Từng lý giải về điều này, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: “Theo thống kê, trong hơn 18.000 DN FDI thì có 82% là 100% vốn nước ngoài nên khó có thể chuyển giao công nghệ, hoặc nếu có liên doanh thì DN Việt Nam sẽ dần được chuyển giao nhưng nhiều khi chuyển giao xong thì công nghệ cũng lỗi thời, vì không phải DN nào cũng có công nghệ hiện đại khi đầu tư vào Việt Nam”.

Kết quả điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam từ năm 2010-2014” cũng nêu rõ, ngoài các DN có vốn hoàn toàn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và các DN xuất khẩu, phần lớn các DN trong nước không nhận được chuyển giao công nghệ nào từ việc tương tác với các DN nước ngoài kể từ nhà cung cấp, khách hàng hoặc đối thủ cạnh tranh.

Thay vào đó, công nghệ có xu hướng được chuyển giao từ các DN trong nước. Cụ thể trong 5 năm qua, nếu xem xét cả DN trong cùng ngành và khác ngành có khoảng 80% việc chuyển giao công nghệ đã diễn ra giữa các DN trong nước, các công ty nước ngoài cùng và khác lĩnh vực chỉ chiếm dưới 20% chuyển giao công nghệ cho các DN trong nước.

Thiếu cam kết chặt

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, các DN FDI cũng như các DN nội chưa thấy được lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ. Nguyên nhân gốc rễ là do chính sách và môi trường thu hút FDI của Việt Nam không được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta được thiết kế theo kiểu đại trà, có gì dùng đó. Trong quá trình quản lý, cấp phép đầu tư, chúng ta đặt ra một số điều kiện và tiêu chuẩn nhưng thực ra là đánh đồng nó với quy trình và thủ tục. Bên cạnh đó, do chính sách không có những ràng buộc phù hợp nên nhiều DN FDI đến Việt Nam chỉ để tận dụng các biệt đãi mà hầu như không phải thực hiện cam kết khác.

Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đa số DN FDI đầu tư vào Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ, có đến 70% số DN FDI dưới 300 lao động, sản phẩm nhập khẩu đến gần 60%, chỉ 20% sử dụng nguyên liệu, sản phẩm trong nước. Một yếu tố khác là công nghệ mà FDI đưa vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là gia công, chế tạo vì tận dụng nguồn năng lượng rẻ hơn các nước trong khu vực do điện, than, khí… được Nhà nước trợ giá. Chính điều này tạo liên kết rất lỏng lẻo giữa DN FDI và DN trong nước.

Từ thực tế này, trong nghiên cứu của mình, ông Đào Minh Quân - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - cho rằng, trong hoạt động chuyển giao công nghệ, việc có được nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành, học hỏi, cải tiến và làm chủ các công nghệ hiện đại, tiên tiến là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển của bất kỳ DN nào.

Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, nguồn nhân lực này vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Điều này không chỉ hạn chế DN FDI đầu tư vào Việt Nam, mà còn tạo ra rào cản lớn đối với chính các DN Việt Nam khi liên doanh, liên kết với các DN FDI.

Theo đó ông Quân đề xuất, với các chính sách thu hút FDI - ngoài những ưu đãi - cần có những ràng buộc.

Đồng thời, phải nâng cao năng lực DN trong nước để liên kết, đặc biệt phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới, đáp ứng được công việc thực tiễn.