Cuối tuần qua, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc lần đầu tiên thành điểm đến cho cái bắt tay giữa hai khối doanh nghiệp về du lịch và công nghệ hướng tới du lịch thông minh (DLTM) thông qua cuộc hội thảo quy mô lớn.

Sự kiện này sẽ được tiếp nối bằng các hoạt động đã được lên kế hoạch nhằm kết nối hai bên, thúc đẩy DLTM ở Việt Nam để thích ứng với cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Hội thảo mang tên “DLTM - cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam” do Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Khu CNC Hòa Lạc tổ chức, thu hút hơn 200 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và công nghệ.

Điểm đến tương lai cho du lịch công nghệ cao

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương cho rằng sự phát triển của công nghệ đang không chỉ tạo thuận tiện mà còn thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng của con người. Mọi người giờ đây có thể tự đặt xe, đặt vé máy bay hay đặt phòng khách sạn chỉ với vài thao tác đơn giản qua chiếc điện thoại thông minh của mình.

“Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 cũng xác định du lịch là một ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng thành công cơ hội này, ngành du lịch - cụ thể là các doanh nghiệp du lịch - cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số mạnh mẽ” - Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Loan Lê
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: Loan Lê

Ông cho biết thêm, Khu CNC Hòa Lạc không chỉ là nơi thu hút đầu tư để phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia mà còn trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách thành công, đồng thời kết nối các doanh nghiệp công nghệ với doanh nghiệp trong các ngành nghề, bao gồm du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sự phối hợp và chủ trì tổ chức hội thảo của Khu CNC Hòa Lạc, coi sự kiện này là “hành động kịp thời trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, qua đó hỗ trợ ngành du lịch thích ứng với cuộc CMCN 4.0”.

Trong bối cảnh Đảng và Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu thách thức cho ngành du lịch, ông nhấn mạnh việc tận dụng công nghệ mới để phát triển có tầm quan trọng đặc biệt. “Ngành du lịch lấy công nghệ thông tin làm giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam, qua đó đạt các mục tiêu tăng trưởng được giao”.

Bày tỏ sự ấn tượng với thay đổi từng ngày của Khu CNC Hòa Lạc hiện nay, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đề xuất biến nơi này thành “một điểm đến về du lịch công nghệ như nhiều nước trong khu vực”.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho rằng ý tưởng này hoàn toàn có thể thực hiện được sau khi cơ sở hạ tầng của Khu CNC được cơ bản hoàn thiện vào năm 2019, với việc ra mắt các công trình đáng chú ý như đài quan sát thiên văn học quy mô lớn và một khu vui chơi CNC đang được xây dựng theo quy hoạch.

Biến dữ liệu thành giá trị gia tăng cho du lịch

Ngoài việc tạo tiền đề cho cái bắt tay giữa hai khối doanh nghiệp du lịch và công nghệ để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, cuộc hội thảo tại Hòa Lạc lần này còn là diễn đàn để những người tham dự có cái nhìn cụ thể về DLTM, qua đó nhận thức rõ những cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp và ngành du lịch.

Trong đó, các dữ kiện được đưa ra đều cho thấy sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi thị trường du lịch trên thế giới và Việt Nam với sự vươn lên của hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến.

Toàn cảnh hội thảo về du lịch thông minh tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Loan Lê
Toàn cảnh hội thảo về du lịch thông minh tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Loan Lê

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, đơn vị đang sở hữu nhiều sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ thông tin thành công - cho rằng có ba thứ đang tác động đến ngành du lịch và cũng là những thành phần chính của DLTM: Sự lớn mạnh của các công ty phân phối du lịch trực tuyến (OTA), xu hướng tự động hóa trong sản phẩm dịch vụ và xu hướng phát triển của hoạt động kinh tế chia sẻ như chia sẻ phương tiện đi lại hay phòng ở.

Theo ông, ngành du lịch Việt Nam muốn “thông minh” hơn thì bắt buộc phải thay đổi và đi theo những xu hướng đang diễn ra trên toàn thế giới này, qua đó biến dữ liệu khổng lồ thu thập được qua quá trình kinh doanh thành giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ.

“Công ty chúng tôi đang áp dụng các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... vào việc phân tích thói quen của khách hàng, từ đó nắm được các thông tin để cá thể hóa dịch vụ dành cho du khách”.

Trang kinh doanh du lịch trực tuyến Ivivu.com của công ty đang có khoảng 1 triệu khách hàng thường xuyên và họ luôn nhận được các thông tin tư vấn phù hợp với nhu cầu dựa trên các dữ kiện mà họ để lại khi đặt hàng qua trang. Thiên Minh cũng sẽ cho ra mắt một ứng dụng có sử dụng trí tuệ nhân tạo để tư vấn dịch vụ theo đúng nhu cầu cá nhân du khách.

Ông Kiên cho rằng việc thị trường du lịch đang thay đổi cũng khiến cách thức tiếp thị của doanh nghiệp phải thay đổi theo. “Nếu có một đồng cho hoạt động quảng bá thì theo tôi phải dành 60% cho quảng bá trực tuyến, thay vì dùng cho các cách thức tiếp thị truyền thống khác như tham dự hội chợ, tổ chức roadshow” - ông nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty công nghệ DTT - phân tích: “CMCN 4.0 làm gia tăng số người tiêu dùng thông minh, dẫn tới nhu cầu cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ nên chúng phải được thiết kế một cách tối ưu. Trong bối cảnh đó, với các yếu tố chính đang tạo ra sự thay đổi hiện nay là trí tuệ nhân tạo, Big Data, IoT, robot... cùng các nhân tố như kỹ nghệ thông minh trong dữ liệu, các nhà hoạch định chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm tới thị trường toàn cầu”.

Cuộc CMCN 4.0 cũng kéo theo thực tế là giá trị con người đóng góp bằng sức lao động đang tụt dốc và vai trò chi phối của nguồn lực lao động sẽ suy giảm nhanh chóng. Với những thay đổi này - theo ông Trung, để phát triển DLTM thì “dịch vụ du lịch cần được cá nhân hóa và song hành trên môi trường số lẫn môi trường thực”.

Đặc biệt, các doanh nghiệp muốn thực hiện DLTM cần phải “số hóa được quy trình kinh doanh để sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh bị loại khỏi cuộc chơi trong cuộc CMCN 4.0, đồng thời đưa ra được dịch vụ nhanh hơn theo đúng yêu cầu của khách hàng với giá cạnh tranh” - theo ông Trung.

Công ty DTT trong dịp này cũng lần đầu giới thiệu bộ công cụ đánh giá độ sẵn sàng của doanh nghiệp đối với DLTM trên trang web http:// danhgia.chuyendoiso.com. Kết quả khảo sát ban đầu tại một số doanh nghiệp cho thấy, năng lực sẵn sàng về DLTM hiện nay ở Việt Nam dao động từ mức 2 đến mức 3 (mức 3 được coi là sẵn sàng).

Theo ông Trung, các doanh nghiệp du lịch đạt mức cao trong thang kết quả thường có hiệu quả kinh doanh tốt hơn và một số doanh nghiệp khởi nghiệp du lịch có chỉ số vượt trội dù tầm vóc nhỏ.