Vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư và nhà khoa học, hướng đến thương mại hóa các nghiên cứu khoa học.

PGS-TS Nguyễn Thị Hòe
PGS-TS Nguyễn Thị Hòe.

Theo tôi, để “đánh thức” được lợi ích của những mối liên kết này, để các nghiên cứu khoa học gia tăng giá trị, các nhà khoa học tiếp cận được nguồn vốn, phát triển sản phẩm thì yếu tố tiên quyết vẫn là chất lượng của sản phẩm khoa học.

Trước hết, người làm khoa học phải biết nhận định đề tài nào quan trọng, đề tài nào có thể xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội thì mới nghiên cứu chứ không nghiên cứu lan man. Có nhiều nhà khoa học hơi vội vàng, mới xong phần R&D (nghiên cứu và phát triển), tưởng mình thành công rồi nên công bố ở rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi ra sản phẩm để kiểm nghiệm thì không thể ứng dụng được, đề tài coi như bỏ.

Riêng tôi, để thực hiện việc nghiên cứu, tôi tự bỏ tiền túi ra làm, không có tiền thì tôi đi vay. Làm bằng tiền của mình thì tôi phải nghiên cứu nghiêm túc, nghiên cứu có tính thực tế cao.


Về việc chất lượng quyết định thành công của sản phẩm khoa học, tôi lấy dẫn chứng từ sản phẩm sơn chống thấm Kova. Hiện sơn của chúng tôi được sử dụng ở nhiều nơi, nhiều khu vực; mỗi nơi có một đặc thù nhưng đều đòi hỏi sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao và chất lượng tốt.

Ví dụ, với một thị trường khó tính như Singapore, nếu không đáp ứng yêu cầu chất lượng, sản phẩm của tôi chẳng những làm hỏng kế hoạch của họ mà còn không thể trụ được trên thị trường. Ngay từ đầu tôi đã nghĩ phải đảm bảo chất lượng thì mới yên tâm quảng bá. Kết quả thực tế là có những công trình bên Singapore đã xây dựng 12 năm nhưng nay trông vẫn như mới.

Tôi vốn là người không biết gì về kinh doanh, không biết nói khéo, thậm chí một thùng sơn bao nhiêu tiền cũng không biết. Điều quan trọng là dùng thực tế chứng minh. Là nhà khoa học, mình phải có trình độ, lý thuyết để chứng minh sản phẩm này tốt. Khi đó, thị trường dù khó tính đến mấy cũng sẵn sàng đón nhận.

Lời khuyên của tôi dành cho các đồng nghiệp làm nghiên cứu là quyết không bỏ dở việc theo đuổi đam mê. Đã say mê thì khó đến mấy cũng phải làm. Phải có "chất liều" trong khoa học. Các nhà khoa học cũng đừng chờ kinh phí của Nhà nước mà kinh phí phải do mình tự tạo ra.