Nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, thủ tục liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được rốt ráo thực hiện. Hiện cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo đã rất sẵn sàng để đồng hành với doanh nghiệp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Chu Ngọc Anh đã khẳng định điều này trong phần phát biểu, giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, được tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.

Hành lang pháp lý cơ bản được hoàn thiện

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng trong việc rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động. Về chức năng quản lý, Bộ KH&CN có 3 mặt trận song hành với doanh nghiệp gồm: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (liên quan đến toàn bộ chất lượng sản phẩm hàng hóa để cạnh tranh); sở hữu trí tuệ và công nghệ.

Bộ trưởng khẳng định, với tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo - có nghĩa nhà nước, chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học tập trung kết nối tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, ngành KH&CN đã chuyển động theo hướng quản lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, về thể chế, hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cơ bản đã đáp ứng được thông lệ quốc tế. Riêng Luật Chuyển giao công nghệ đang được Bộ KH&CN hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba tới.

“Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, hiệp hội có thể tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu công nghệ trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Như vậy, các luật cơ bản đã được hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tập trung xây dựng các nghị định và thông tư để cụ thể hóa luật, hướng dẫn thực hiện để luật đi vào cuộc sống, tháo gỡ những điểm còn vướng mắc.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại hội nghị sáng 17/5
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại hội nghị sáng 17/5.

80% số hàng hóa sẽ được thông quan trong 1 ngày

Báo cáo Thủ tướng và hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, từ đầu mối Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và qua tiếp nhận trực tiếp, Bộ KH&CN đã nhận được 123 kiến nghị của doanh nghiệp. Bộ đã xử lý và trả lời 118 kiến nghị, ghi nhận 5 kiến nghị để tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan.

Tại hội nghị, trong phần các doanh nghiệp nêu ý kiến, một số doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần tạo môi trường để tận dụng làn sóng doanh nghiệp có vốn đầu tưnước ngoài. Các vấn đề liên kết của doanh nghiệp Việt, đầu tư công nghệ để có thể phát triển, cạnh tranh bền vững; xem xét tăng ngưỡng giá trị tối thiểu và không áp dụng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có giá trị nhập khẩu thấp thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh… cũng được đề cập.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, những kiến nghị này nằm trong nhóm vấn đề đã được Bộ KH&CN giải quyết.

Liên quan đến lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ KH&CN đã sửa đổi Thông tư 28/2012/TT-BKHCN về “công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”. Hiện quy định này đã được sửa đổi tại Thông tư 02/TT-BKHCN đã có hiệu lực từ ngày 15/5/2017.

“Tinh thần chung thông tư này đã căn bản giải quyết những bất cập của Thông tư 28, tức là toàn bộ quy định công bố hợp chuẩn hợp quy chủ yếu chuyển qua hậu kiểm. Như vậy, sắp tới khi triển khai trong thực tế, đảm bảo 80% sản phẩm hàng hóa nhóm II sẽ được thông quan trong vòng 1 ngày” - Bộ trưởng cho biết.

Quy định về việc dán nhãn hàng hóa cũng đã giải quyết căn bản các khúc mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều nhóm hàng, Bộ KH&CN cũng sẽ sửa đổi và sớm ban hành thông tư quy định chuyển sang cơ chế hậu kiểm.

Cho rằng vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều tín hiệu vui, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao và hoan nghênh nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu – Phú Yên, Điện Biên, Thừa Thiên – Huế, Cần Thơ, Sóc Trăng… đã đi cùng hướng dẫn của Chính phủ, chủ động lập kế hoạch triển khai. Một số tập đoàn lớn đã dẫn dắt và hình thành các quỹ đầu tư cho startup như Viettel, FPT, CMC...

Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần sự dẫn dắt tạo hệ sinh thái ban đầu. “Sắp tới chúng ta muốn cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị thì phải có những tập đoàn, doanh nghiệp dẫn dắt, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân” – Bộ trưởng khẳng định và cho biết Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những điểm còn vướng.