Muốn phát triển dược liệu, vẫn phải nhắc lại một công thức không mới nhưng không dễ thực hiện, đó là kiên kết chặt chẽ 4 nhà - nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông.


Việc Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam tại Lào Cai mới đây cho thấy sự đánh giá cao của Chính phủ đối với tiềm năng của ngành. Thực tế, nguồn dược liệu của Việt Nam rất phong phú nhưng sản phẩm hàng hóa từ nó chưa nhiều. Số kết quả nghiên cứu khoa học để biến dược liệu thành thuốc, thực phẩm chức năng... còn hạn chế.

Muốn phát triển dược liệu, vẫn phải nhắc lại một công thức không mới nhưng không dễ thực hiện, đó là kiên kết chặt chẽ 4 nhà - nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Thực tế, rất nhiều đề tài khoa học về dược liệu mới dừng ở khâu nghiên cứu. Một khi kết quả đề tài không được doanh nghiệp tiếp nhận, nông dân cũng không có cơ hội tham gia.

Trong tình hình hiện nay, không thể chỉ sử dụng cây thuốc, bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Để khai thác hiệu quả và bền vững lợi ích từ chúng, cần có nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

Nhà khoa học phải biết thị trường cần gì để có thể đưa kết quả nghiên cứu vào phục vụ cộng đồng thông qua kết nối với doanh nghiệp và nông dân. Nông dân cần được cả nhà khoa học và doanh nghiệp tư vấn về kỹ thuật, cần được hỗ trợ kinh phí, giống. Doanh nghiệp ngoài việc đầu tư còn phải theo dõi sát quá trình trồng, chăm sóc, thu hái để đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt trồng và thu hái dược liệu - GACP/WHO và mua sản phẩm của nông dân.

Phát triển giống là một vấn đề then chốt trong phát triển dược liệu. Ở đây có vai trò quan trọng của nhà khoa học để giữ giống và tạo ra giống chất lượng tốt, năng suất cao. Các cây dược liệu bản địa đã có cần được tập hợp, lưu giữ nguồn gene và tạo ra giống tốt để trồng quy mô lớn.

Ở giai đoạn sau, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Nếu không có doanh nghiệp, dược liệu khó phát triển thành thuốc. Doanh nghiệp phải góp phần đầu tư cho nghiên cứu, tiếp nhận kết quả nghiên cứu, đầu tư để hỗ trợ nông dân trồng, khai thác dược liệu. Khi phát triển dược liệu thành hàng hóa, vấn đề quan trọng là nguyên liệu phải sẵn có và bền vững.

Do đó, người làm khoa học phải nghiên cứu cả về nguồn nguyên liệu, hướng dẫn người dân thu hái đúng tiêu chuẩn để duy trì sự bền vững của nguồn nguyên liệu đó. Tôi tin rằng mô hình kết hợp 4 nhà nếu được thực hiện tốt thì dược liệu của Việt Nam sẽ phát triển thành công.