Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn và thách thức lớn nhất là không đủ giáo sư, nhà khoa học có khả năng dạy đủ các phân ngành trong lĩnh vực bán dẫn.

d
GS. Teck-Seng Low - Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ông được xem là người đóng vai trò quyết định, thúc đẩy, quản lý và điều phối các nỗ lực trong việc vạch ra lộ trình nghiên cứu phát triển công nghiệp bán dẫn của Singapore. Ảnh: VinFuture

Việt Nam hiện vẫn còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn. Các trường đại học cần tham gia đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên có thể vừa học, vừa thực hành tại doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của GS. Nguyễn Thục Quyên khi thảo luận về việc Việt Nam nên làm gì để tham gia vào cuộc đua bán dẫn, tại toạ đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại" nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2023. Bà là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ.

Đồng tình với ý kiến này, GS Vivian Yam (Đại học Hồng Kông) cho rằng vốn con người đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Chính phủ có thể đầu tư vào các trường đại học, và bắt đầu từ quy mô nhỏ.

“Con người bao giờ cũng là một yếu tố rất quan trọng và đào tạo con người là một trong những vấn đề quan trọng nhất”, GS. Teck-Seng Low - Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói. Là người đóng vai trò quyết định, thúc đẩy, quản lý và điều phối các nỗ lực trong việc vạch ra lộ trình nghiên cứu phát triển công nghiệp bán dẫn của Singapore, ông cho rằng cần phải thu hút sự tham gia của các viện nghiên cứu, các trường đại học để đào tạo cho sinh viên trong lĩnh vực bán dẫn.

Là một trong những nước đang dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn, Singapore có thể là một trường hợp tiêu biểu để Việt Nam học hỏi trên lộ trình phát triển sắp tới. “Chúng tôi đã quyết định để Singapore xây dựng một ngành công nghiệp vi điện tử bán dẫn. Đây là lĩnh vực có tầm quan trọng đối với các ngành công nghiệp khác, và tầm quan trọng sẽ ngày một tăng”, GS Teck-Seng Low nhấn mạnh. Theo ông, đối với các nước có quỹ đất nhỏ như Singapore, phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng gần như là bắt buộc. Bán dẫn là một trong những ngành có giá trị gia tăng và nền tảng kiến thức rất cao. Khi đầu tư đúng cách, “chúng tôi không chỉ thu hút các công ty, phát triển nhân tài mà còn phát triển được trên quy mô lớn để có được vị thế trên toàn cầu, từ đó hợp tác với các quốc gia khác để triển khai các dự án.”

Nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore bắt đầu với chi phí nhỏ bằng các mô hình khởi nghiệp. Sau đó Singapore bắt đầu thu hút đầu tư của nước ngoài. Thời gian đầu nỗ lực của Singapore không thành công, nhưng dần dần họ bắt đầu cân bằng được giữa việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài với việc phát triển công ty bán dẫn trong nước.

Sau đó, Singapore đầu tư thêm phòng lab trong các viện, trường để nghiên cứu và đăng ký các bằng sáng chế mới. Nỗ lực này đòi hỏi chính phủ phải hỗ trợ tài chính rất nhiều, thúc đẩy hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Cambridge, Viện Công nghệ Massachusetts. "Chúng tôi đầu tư nghiêm túc vào hoạt động R&D. Từ năm 1991 tới nay, Singapore bắt đầu ổn định trong nghiên cứu đầu tư phát triển vật liệu bán dẫn", Giáo sư cho hay. Từ chỗ chỉ gia công cho nhà đầu tư nước ngoài, giờ đây các công ty Singapore đã có thể phát triển nội lực của mình và trở thành đối tác cung cấp sản phẩm cho các nhà đầu tư.

Kết quả là Singapore hiện tại có số lượng nhà máy lớn thứ hai sau Đài Loan, với toàn bộ chuỗi giá trị thuộc sở hữu của nước này, từ nhà sản xuất thiết bị đến cung cấp hệ thống vật liệu. Ngành công nghiệp vi điện tử và bán dẫn hiện đóng góp 9% GDP của Singapore và 42% tổng sản lượng sản xuất. Các trường đại học và viện nghiên cứu ở Singapore đã xây dựng kiến trúc chuyên sâu trong các công nghệ bán dẫn, bao gồm bao tín hiệu tương tự, tín hiệu kết hợp, RF, bán dẫn hợp chất III-V, đóng gói tiên tiến, thiết kế IC, mmW, cảm biến & bộ kích thước MEMS, bán dẫn có bức xạ băng rộng, và thiết kế IC tiết kiệm năng lượng.

“Chúng tôi còn nắm giữ hầu hết những trung tâm thiết kế vi mạch lớn như Qualcomm, Broadcom, Marvell, Media Tech… Nhìn vào nền kinh tế Singapore, trong danh sách những người giàu nhất cũng có không ít người thuộc lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn”, ông chia sẻ.

Theo GS Teck-Seng Low, Việt Nam có thể xem các chiến lược về tài chính, nguồn lực, con người trên của Singapore như lời gợi ý để bắt đầu lộ trình của mình. Trong đó, nguồn lực con người chính là chìa khoá liên kết. Ngay cả trong hiện tại, “tương lai của ngành công nghiệp vi điện tử và bán dẫn tại Singapore phụ thuộc vào việc phát triển một hệ sinh thái nghiên cứu cạnh tranh toàn cầu giữa các tổ chức công và tư, thu hút, phát triển và giữ chân các đội ngũ nhân sự chất lượng cao, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu công tư.”

Chia sẻ bên lề toạ đàm, TS. Sadasivan (Sadas) Shankar (Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford) cho rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn này; ngay cả những nước phát triển như Mỹ và Anh cũng đang cần nguồn nhân lực. "Tuy nhiên, thách thức hiện tại là Việt Nam không đủ giáo sư, nhà khoa học có khả năng dạy đầy đủ các phân ngành trong lĩnh vực bán dẫn", ông nhấn mạnh. Việt Nam cần thành lập được một mô hình đào tạo hay là chương trình giảng dạy ban đầu, đó là bước đầu tiên nhằm hướng đến đào tạo con người, xây dựng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, TS Shankar nhận định Việt Nam nên có thêm các chính sách về thuế, các chính sách khích lệ việc đầu tư và phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể thu hút các công ty đến để sản xuất các linh kiện, phụ kiện, các thiết bị của ngành bán dẫn.


"Công nghệ bán dẫn - Nền tảng của thế giới hiện đại" mở đầu chuỗi tọa đàm "Khoa học và Cuộc sống" trong Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2023.

Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2023 bắt đầu từ ngày 18 đến 21/12, với nhiều hoạt động khoa học khác nhau. Trong đó, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ VinFuture là hoạt động trung tâm của Quỹ VinFuture, một tổ chức phi lợi nhuận được đồng sáng lập vào ngày 20/12/2020 – ngày Quốc tế đoàn kết nhân loại – bởi vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Giải thưởng đặt ra sứ mệnh tôn vinh sức mạnh của khoa học và công nghệ trong việc tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên trái đất, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Có bốn hạng mục trao giải gồm: Giải thưởng Chính, Giải dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, Giải dành cho Nhà khoa học nữ, và Giải dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Đây là một trong những giải thưởng khoa học và công nghệ có giá trị phần thưởng cao nhất thế giới, với Giải thưởng Chính lên đến 3 triệu USD.

Giải thưởng đã được trao hai lần vào ngày 20/1/2022 20/12/2022.