Cuộc thi sẽ diễn ra trong ba ngày tại tỉnh Bắc Giang. Những dự án tốt nhất của Cuộc thi sẽ được tuyển chọn tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế ISEF tại Mỹ.

Lê Khánh Linh (11 Văn) và Lê Phạm Hải Nam (12 Lý), Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái, trong buổi thuyết trình dự án “Thiết bị hỗ trợ vận động và phục hồi chức năng cho người bị liệt chân” tại Cuộc thi KH&KT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học 2021-2022. Ảnh: NVCC
Lê Khánh Linh (11 Văn) và Lê Phạm Hải Nam (12 Lý), Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái, trong buổi thuyết trình dự án “Thiết bị hỗ trợ vận động và phục hồi chức năng cho người bị liệt chân” tại Cuộc thi KH&KT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học 2021-2022. Ảnh: NVCC/KHPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi từ ngày 20 - 22/3.

Đây là năm thứ 12 Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Năm nay, cuộc thi có sự tham gia của 74 đơn vị dự thi, trong đó có 62/63 Sở GD-ĐT và 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Các đơn vị đã gửi đến 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Y sinh và khoa học sức khỏe, Kỹ thuật Y sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng hóa học, Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học thực vật, Rô bốt và máy tính, phần mềm hệ thống, Y học dịch chuyển.

Theo thông tin từ Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ GD-ĐT), Ban Tổ chức đã lựa chọn các thành viên Ban Giám khảo đảm bảo các yêu cầu: Không tham gia hướng dẫn, tư vấn khoa học các dự án tại Cuộc thi; không tham gia đánh giá dự án dự thi cuộc thi ở cấp địa phương; và không tham gia Ban Giám khảo trong hai năm gần đây.

Tổng số giải của Cuộc thi không vượt quá 50% số lượng dự án tham gia dự thi. Điểm của các dự án dự thi là căn cứ xếp giải Nhất, Nhì, Ba, Tư.

Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD-ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, Cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Từ năm 2013 đến năm 2019, Cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi.

Từ năm 2020, Cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự (2 dự án/đơn vị dự thi; riêng đối với Hà Nội, TPHCM và đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được tham dự 4 dự án) và được tổ chức tại một địa phương trên cả nước.

Các dự án tham dự Cuộc thi được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường (đối với các trường trung học trực thuộc đại học, trường đại học). Theo báo cáo của các đơn vị tham gia, hằng năm có từ 200-300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để vàovòng chung kết cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia.

Cũng hằng năm, từ kết quả Cuộc thi, Bộ GD-ĐT lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện để tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế ISEF tại Mỹ.

Năm 2012, Việt Nam chính thức đăng ký là thành viên của Hội thi ISEF và bắt đầu tham gia Hội thi ISEF từ năm 2013. Tại Hội thi năm 2023, Việt Nam có 7 dự án và nằm trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đạt giải (1 giải Ba và 1 giải đặc biệt của nhà tài trợ). Dự án đoạt giải Ba là dự án “Tác dụng dược lý trên thần kinh trung ương của tinh dầu quả và lá màng tang dựa trên mạng dược lý” thuộc lĩnh vực Sinh học Điện toán và Tin sinh học (CBIO) của 2 em Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Bình Giang, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Dự án nhận giải đặc biệt do tổ chức US Agency for International Development (USAID) trao tặng là dự án “Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở” của em Lê Minh Đức và em Lê Nguyễn Trung Kiên, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM.