Trong năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thí điểm học bạ số các khối lớp 1, 2, 3, 4.

f
Phạm vi thí điểm học bạ số là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu liên quan. Ảnh: Thanh Hùng/Vietnamnet

Ngày 15/3, tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết trước yêu cầu của Đề án chuyển đổi số quốc gia, của Bộ GD-ĐT và xuất phát từ đòi hỏi trong công tác quản lý của ngành, các chuyên gia đã từng bước triển khai xây dựng thí điểm học bạ số.

“Qua nghiên cứu, khảo sát Bộ GD-ĐT bước đầu thực hiện thí điểm ở bậc tiểu học”, Thứ trưởng giải thích rằng trước mắt, Bộ chưa thể triển khai rộng rãi lập tức bởi học bạ số là một bước chuyển mới, có thể tác động đến số lượng lớn học sinh. Bộ sẽ thận trọng từng bước triển khai trên từng các cấp học, các vùng miền trên cả nước với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau.

Giải thích về khái niệm học bạ số, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết “Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.” Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp Tiểu học. Đồng thời, học bạ số cũng đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin).

Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD-ĐT, để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

j
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: MOET

Theo thông tin từ Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ GD-ĐT), Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số. Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số, bảo đảm 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm. Việc thí điểm thực hiện đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023-2024.

Trước đó, Lạng Sơn đã thử nghiệm triển khai học bạ điện tử. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên chia sẻ rằng sau một thời gian triển khai, ngành giáo dục tỉnh nhận thấy học bạ điện tử có nhiều lợi thế, ưu điểm như giúp cải cách, giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, tiết kiệm nhiều thời gian cho giáo viên, đổi mới công tác quản lý cho nhà trường và phụ huynh cũng thuận tiện trong việc tra cứu kết quả học tập của con em mình, phối hợp nhắc nhở học sinh học tập, đồng hành cùng nhà trường.

“Mặc dù có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai học bạ số song việc chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung thống nhất cho các nhà trường tại Lạng Sơn dẫn tới việc học bạ điện tử chỉ có thể sử dụng, lưu hành, quản lý nội bộ, chưa thể kết nối với những trường đã triển khai. Do đó, việc thống nhất liên thông dữ liệu của địa phương với cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT, đặc biệt để thực hiện tốt quản lý hồ sơ, học bạ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô giáo thực hiện chuyển đổi số là cần thiết”, ông giải thích.

Để việc triển khai học bạ số được thuận lợi trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh các Sở GD-ĐT cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học bởi sự cấp thiết cần triển khai. “Thí điểm triển khai học bạ điện tử ở bậc tiểu học cần thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng cần khẩn trương áp dụng đại trà.” Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục. Trong đó, các bên sẽ tập trung triển khai tập huấn cho đội ngũ thực hiện và cố gắng hạn chế tối đa phát sinh đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giáo viên, phụ huynh, nhà trường.