Đây là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khi nghi ngờ tính trung thực của một loại thực phẩm nào đó. Tuy nhiên, phương pháp này còn tương đối mới ở Việt Nam.

Tại hội thảo “Giải pháp vân tay đồng vị xác thực nguồn gốc thực phẩm” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức mới đây, ông Henry Bùi, Giám đốc Công ty TNHH MTV KHCN Hoàn Vũ, cho biết, mỗi loại thực phẩm được xác định qua một dấu hiệu hóa học đặc trưng như là một dấu vân tay. Công ty Hoàn Vũ sử dụng phương pháp tỷ lệ đồng vị khối phổ EA-IRMS để xác định đồng vị dấu vân tay của từng loại sản phẩm.

“Đây là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khi nghi ngờ tính trung thực của một loại thực phẩm nào đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây là một phương pháp còn tương đối mới, ít được sử dụng, mà chủ yếu xác định nguồn gốc, thành phần thực phẩm qua nhãn mác, tem xuất xứ gắn trên sản phẩm” – ông Vũ nói và cho biết, phương pháp EA-IRMS giúp phát hiện rau quả dùng phân bón hữu cơ hay dùng thêm phân vô cơ trong quá trình canh tác; nhận dạng tôm sú nuôi hay tôm sú đánh bắt thiên nhiên; truy tìm nguồn gốc địa lý cà phê bằng phương pháp tỷ lệ đồng vị; gạo hữu cơ và nguồn gốc địa lý; phát hiện mật ong pha trộn đường; rượu pha loãng,…

V
Kiểm tra tính xác thực của thực phẩm tại Công ty Hoàn Mỹ. Ảnh: HM

Phương pháp EA-IRMS cho thấy các đồng vị bền quan trọng nhất là Hydrogen (H), Oxygen (O) để phát hiện nguồn gốc và thực phẩm có bị pha loãng (như cà phê, rượu, đường, thịt,..); Carbon (C) dùng phát hiện thực phẩm (mật ong, rượu, dầu olive; bơ) có bị pha trộn đường, chất làm tăng độ ngọt,…; Sulfur (S) xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (rau, quả, thịt,…); Nitrogen (N) giúp xác định nguồn gốc hữu cơ và vô cơ. Các đồng vị mà thực phẩm đã hấp thụ từ môi trường sẽ phản ánh nơi chúng phát triển.

b
Bằng vân tay đồng vị có thể xác định nguồn gốc xuất xứ của từng loại thực phẩm. Ảnh: HM

“Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến thực phẩm, đảm bảo quy định của các nước khi xuất khẩu hàng hóa, tránh gian lận trong thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp có thể can thiệp kịp thời các tình huống xấu xảy ra, góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào và gia tăng chất lượng thực phẩm, đảm bảo cho chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Vũ chia sẻ.