Những cố gắng ngăn chặn việc chấp thuận gạo vàng, loại gạo được làm giàu vitamin A, dù nó được phát triển từ cách đây hai thập kỷ, đã khiến nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển mất đi thị lực.

Những quy định quốc tế ngặt nghèo đã khiến việc phê duyệt một loại thực phẩm có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng trong thế kỷ này bị trì hoãn - một nhóm các nhà khoa học quốc tế kết luận sau một cuộc điều tra gần đây về những tranh cãi xung quanh việc phát triển gạo vàng.

Gạo vàng là một dạng gạo trắng thông thường đã được biến đổi gene để cung cấp vitamin A, chống lại bệnh mù lòa và một số căn bệnh khác cho trẻ em ở những quốc gia đang phát triển. Phần lớn các quốc gia vẫn chưa phê duyệt gạo vàng dù nó được phát triển từ hai thập kỷ trước.

Gạo vàng được biến đổi gene có thể bổ sung vitamin A cho người dân ở những quốc gia đang phát triển. Nguồn: TheGuardian

"Gạo vàng đã không đến được với những đối tượng theo đúng mục tiêu đặt ra từ 20 năm trước", nhà báo khoa học Ed Regis nhận xét. "Nếu gạo vàng được phát triển ở những quốc gia này, hàng triệu người đã không bị tử vong do thiếu dinh dưỡng, và hàng triệu trẻ em sẽ không bị mù lòa".

Vấn đề thiếu vitamin A hiếm khi xảy ra ở các quốc gia phương tây – nơi vitamin A có trong hầu hết các loại thực phẩm. Tuy nhiên, vitamin A lại là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển. Thiếu vitamin A được cho là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em nhiều hơn cả HIV, bệnh lao hoặc sốt rét – khoảng 2.000 ca tử vong mỗi ngày. Khoảng 1/3 số trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu đang chịu ảnh hưởng từ việc thiếu vitamin A – có thể dẫn tới mù lòa.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, Peter Beyer, giáo sư về sinh học tế bào ở Đại học Freiburg, Đức và Ingo Potrykus ở Viện Khoa học thực vật ở Thụy Sĩ, đã thực hiện một kỹ thuật mới về chỉnh sửa gene vào cuối thế kỷ 20. Họ chèn những gene của beta-carotene vào DNA của cây lúa thông thường. Bằng cách này, họ đã chỉnh sửa gene cây lúa khiến chúng có khả năng sản sinh ra beta-carotene – một sắc tố màu da cam và một tiền chất cần thiết cho cơ thể để tổng hợp vitamin A.

"Ở Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia khác ở châu Á, nhiều trẻ em sống qua ngày nhờ vài bát cơm và gần như chẳng có gì thêm. Với họ, nguồn gạo vàng hàng ngày có thể mang đến món quà sinh mạng và đôi mắt sáng", Regis tuyên bố trong cuốn sách của mình, Golden Rice, đã được xuất bản vào tháng 10/2019.

Thật không may, nguồn thực phẩm hàng ngày đó đã không trở thành hiện thực – và Regis biết rõ nguyên nhân. Đầu tiên, nhiều nhóm hành động sinh thái, đặc biệt là Greenpeace – một tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực môi trường có trụ sở ở 39 quốc gia, đã cố gắng ngăn chặn việc chấp thuận gạo vàng do phản đối tất cả cây trồng biến đổi gene nói chung. "Greenpeace phản đối gạo vàng rất quyết liệt, có lẽ vì gạo vàng là cây trồng biến đổi gene có quá nhiều tiềm năng", ông nói.

Về phần mình, nhiều năm qua Greenpeace đã khẳng định rằng gạo vàng là một trò lừa bịp và sự phát triển của nó đang gây lãng phí các nguồn lực, thay vì đối phó với tình trạng nghèo đói chung trên toàn cầu – nguyên nhân thực sự gây ra tai họa về sức khỏe trên hành tinh.

Tuy nhiên, phe phản đối không có quyền ngăn chặn sự phát triển của gạo vàng, Regis nói. Vấn đề thực sự bắt nguồn từ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học – một hiệp ước nhằm bảo đảm an toàn trong xử lý, vận chuyển và sử dụng các sinh vật sống được biến đổi gene, có hiệu lực vào năm 2003.

Gây nhiều tranh cãi trong Nghị định thư Cartagen là Nguyên tắc 15, thường được biết đến là nguyên tắc phòng ngừa, đề cập rằng cần có biện pháp ngăn chặn hoặc hạn chế nếu một sản phẩm công nghệ sinh học hiện đại có nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe con người hoặc môi trường. Chẳng hạn với trường hợp của gạo vàng, về lý thuyết, sẽ được coi là "có hại cho đến khi chứng minh được là vô hại", Regis nhận xét, một thái độ hoàn toàn không phù hợp với loại cây trồng tiềm năng có thể cứu sống hàng triệu người và ngăn chặn nguy cơ mù lòa.

Kết quả là, mọi công đoạn phát triển gạo vàng, từ phòng thí nghiệm cho tới thử nghiệm thực địa để đánh giá, đã vướng phải "mạng lưới các quy tắc, hướng dẫn, yêu cầu, hạn chế và cấm đoán", và các bước phê duyệt mới chỉ được thực hiện trong vài năm gần đây – tuy nhiên mới chỉ có ở Mỹ, Canada và Australia. Gạo vàng vẫn đang chờ đợi để được chấp thuận – kỳ vọng vào cuối năm nay - ở những quốc gia như Philippines và Bangladesh, nơi nó cần thiết hơn rất nhiều.

"Sự hạn chế và trì hoãn phát triển gạo vàng thông qua các quy định quá khắt khe đã khiến nhiều người mất đi thị lực và tử vong trong suốt nhiều năm qua", Regis kết luận.