Đây là kỹ thuật mà các bác sỹ Khoa niệu A, Bệnh viện Bình Dân TPHCM đã nghiên cứu, áp dụng để thuật phẫu cho các bệnh nhân bị bướu thận, nhằm bảo tồn nhu mô thận, hạn chế việc phải cắt bỏ thận.

Đây cũng là công trình nghiên cứu khoa học “Phẫu thuật nội soi cắt một phần thận trong điều trị bướu thận nhỏ” vừa đoạt giải Nhất hạng mục Kiến tạo của Giải thưởng KOVA lần thứ 17 năm 2019.

TS.BS Phạm Phú Phát, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, từ trước đến nay, người ta thường nghĩ ung thư ở bộ phận nào là phải cắt bỏ bộ phận đó trong cơ thể. Tuy nhiên, những năm gần đây, kỹ thuật y tế hiện đại có thể tạo ra các phương pháp chỉ cắt bỏ những mô ác và giữ những mô lành. Phẫu thuật nội soi cắt một phần thận cũng ngày càng được áp dụng, đặc biệt đối với bướu thận nhỏ, có kích thước dưới 4cm, giúp bệnh nhân chỉ 2 – 3 ngày sau có thể đi lại được.

Các bác sỹ Bệnh viên Bình Dân mổ nội soi chữa bệnh
Các bác sỹ Bệnh viên Bình Dân mổ nội soi thị phạm tại Ấn Độ. Ảnh: Internet

Đối với phẫu trị bướu thận, việc bảo tồn tối đa phần mô thận còn lại luôn được đặt lên hàng đầu nhằm duy trì các chức năng của thận như lọc máu, sản xuất nội tiết tố trong cơ thể,... Nhóm tác giả đã nghiên cứu thực hiện kỹ thuật này hơn 10 năm nay và cho thấy hiệu quả, an toàn và mang lại lợi ích cho người bệnh, nhất là các bướu thận nhỏ. Ngoài ra, việc sử dụng chất chỉ thị ICG-Fluorescence trong quá trình phẫu thuật cũng giúp các bác sĩ xác định mạch máu nuôi bướu, các hạch di căn, từ đó tăng khả năng phẫu thuật triệt để lấy trọn khối bướu và nạo hạch, đồng thời bảo tồn tối đa phần mô thận lành. Nhờ đó, tiên lượng sống còn của người bệnh được cải thiện và tỷ lệ tái phát được giảm thiểu đáng kể.

BS Phạm Phú Phát
BS Phạm Phú Phát chia sẻ về công trình nghiên cứu đoạt Giải thưởng KOVA 2019 Ảnh: KA

Theo BS Phát, đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi chuyên môn cao và chịu áp lực nhiều hơn trước áp lực thiếu máu nóng của thận trong quá trình phẩu thuật. "Thận là một tạng chứa máu giống như gan, tính từ lúc cắt ra đến khi khâu lại cầm máu không quá 30 phút, áp lực phải làm nhanh gọn, không được kéo dài thời gian, để lâu quá sẽ chết thận" - BS Phát nói và cho biết, kỹ thuật này đã được chuyển giao đào tạo cho nhiều kíp phẫu thuật trong và ngoài nước. Vừa qua, Bệnh viện Bình Dân được mời đến Ấn Độ mổ thị phạm điều trị các bệnh lý tiết niệu với 4 trường hợp kỹ thuật mới và khó, trong đó có kỹ thuật cắt bướu bảo tồn thận.

“Chúng tôi muốn chuyển giao kỹ thuật này đến các cơ sở y tế ở vùng sâu vùng xa để nhiều bệnh nhân có thể điều trị hơn. Các bạn trẻ mới ra trường nên thực hiện theo hướng nghiên cứu này để phát triển các kỹ thuật cao, theo kịp với kỹ thuật y khoa của thế giới”- BS Phát chia sẻ.