Các hạt siêu mịn với kích thước nano được tạo ra từ các loại xe lưu thông trên đường có thể chứa chất gây ung thư và xâm nhập vào trong não.

Kết quả này mới được các nhà khoa học ở Đại học McGill, Canada công bố trên tạp chí Epidemiology. Đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện rằng việc phơi nhiễm ở mức độ cao với các hạt siêu mịn (Ultrafine particles - UFP) được tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu, đặc biệt là trong các động cơ diesel, sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các hạt này có thể xâm nhập vào não và mang theo các chất gây ung thư.

Phát thải từ động cơ các loại xe lưu thông trên đường phố Surrey ở Canada. Nguồn: The Guardian

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng trọng bởi vì người dân có thể bị phơi nhiễm, Scott Weichenthal ở Đại học McGill, Canada, người đứng đầu nghiên cứu, nói.

Nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế và sự phơi nhiễm ô nhiễm không khí của 1,9 triệu người Canada trưởng thành từ năm 1991 đến 2016. Weichenthal cho biết mối liên hệ giữa ung thư não với các hạt nano "khăng khít một cách bất ngờ" – một bằng chứng ý nghĩa để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sau này.

Mức độ ô nhiễm tại các thành phố được nghiên cứu – Toronto và Montreal – dao động từ 6.000 hạt UFP/cm3 đến 97.000 hạt UFP/cm3. Weichenthal cho biết người dân sống trong không khí ô nhiễm ở mức 50.000 hạt UFP /cm3 có nguy cơ mắc ung thư não cao hơn 50% so với những người sống ở không khí có mật độ 15.000 hạt UFP /cm3.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng mức phát thải ô nhiễm mỗi năm tăng 10.000 hạt nano/cm3 (có sự khác biệt giữa những đường phố vắng vẻ và đông đúc) sẽ tăng nguy cơ ung thư não hơn 10%.

"Tôi nghĩ [Toronto và Montreal] là điển hình cho những thành phố lớn", ông nói. "Tôi không thể nghĩ rằng các hạt UFP ở bất cứ nơi nào khác có thể gây hại hơn ở đây".

Kết quả phân tích của các nhà nghiên cứu đã tính đến các yếu tố bao gồm thu nhập, hút thuốc lá, béo phì và trường hợp chuyển chỗ ở.

"Chúng tôi không biết nhiều về các nguyên nhân gây ra các khối u não, vì vậy bất cứ yếu tố môi trường nào chúng tôi có thể xác định đều hữu ích trong việc tăng cường hiểu biết", Weichenthal cho biết. Nhóm nghiên cứu chỉ có dữ liệu ô nhiễm không khí trong giai đoạn gần đây và giả định rằng sự khác biệt giữa các đường phố và những con đường nhỏ vắng vẻ trong quá khứ cũng giống như hiện tại. "Chúng tôi nghĩ rằng điều này hợp lý bởi vì những con đường cao tốc lớn không thể thay đổi vị trí được", ông nói.

Giáo sư Jordi Sunyer ở Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona, Tây Ban Nha, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét: "Đây là một phát hiện quan trọng, cho thấy các hạt UFP được phát thải trực tiếp từ động cơ ô tô và một số nghiên cứu trên động vật cho thấy các hạt UFP có thể độc hại hơn so với các hạt lớn".

Giáo sư Barbara Maher ở Đại học Lancaster, Anh, cho biết các hạt nano giàu sắt bắt nguồn từ ô nhiễm giao thông có khả năng gây ung thư, bởi vậy hoàn toàn có lý do chính đáng khi cho rằng hạt UFP là nguyên nhân gây ung thư não. Bà cho biết các hạt này không được kiểm soát và hiếm khi được đo.

Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu đo lường các hạt UFP trong vòng 3 năm, nhưng Maher cho rằng việc hiểu được tác động của việc phơi nhiễm không khí ô nhiễm lặp đi lặp lại đối với sức khỏe rất quan trọng. "Chúng tôi đã đo không gian bên ngoài các trường tiểu học ở Anh và thấy rằng trong sân trường, số lượng các hạt UFP thường xuyên vượt quá 150.000/cm3".

Không khí độc hại còn gây ra những tác động khác lên não bộ, bao gồm suy giảm trí tuệ, mất trí nhớ và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở cả người lớn và trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá ô nhiễm không khí là "trường hợp khẩn cấp nhưng thầm lặng về sức khỏe cộng đồng".

Weichenthal cho biết khi đi bộ và đạp xe, ông tránh các đường phố bị ô nhiễm nặng. "Ở cấp độ cá nhân, việc giảm phơi nhiễm với các chất ô nhiễm luôn là điều nên làm. Nhưng quan trọng hơn là những hành động của chính quyền, làm sao để giảm phơi nhiễm cho tất cả mọi người – mới mang lại lợi ích thực sự".

Nguồn: