Sau khi một số trường công lập thực hiện thí điểm tự chủ đại học trong giai đoạn 2014 – 2017, đến cuối năm 2018, nội dung tự chủ đại học đã chính thức được đưa vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành từ giữa năm 2019.

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST
PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những cơ sở đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ - trả lời phỏng vấn báo Khoa học và Phát triển về kinh nghiệm cũng như những điều kiện cần để thực hiện tự chủ một cách thật sự.

Được biết, năm 2011, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ từ một phần đến toàn phần như hiện nay. Ông có thể nói về những khó khăn lớn nhất khi một trường đại học chuyển sang tự chủ?

Khó khăn đầu tiên là tài chính vì Nhà nước không cấp chi thường xuyên và chi đầu tư nữa. Khó khăn thứ hai là mặc dù Nghị quyết 77 [ngày 24-10-2014 của Chính phủ về thí điểm tự chủ đại học] phân nhiều quyền cho các trường, song thực tế các trường chưa thực hiện được hết do vướng các văn bản pháp luật khác. Thí dụ, trên nguyên tắc, chúng tôi được tự quyết định các khoản đầu tư, mức học phí, nguồn thu… nhưng chúng tôi đồng thời chịu sự ràng buộc của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Trường cũng được quyền tự chủ trong công tác nhân sự, nhưng nói vậy thôi, Luật Viên chức quy định rất chặt chẽ công tác tuyển dụng và đánh giá cán bộ, Trường không dễ gì sắp xếp cán bộ tối ưu như mong muốn. Ngoài ra, Nhà nước xác định thay vì cấp chi thường xuyên và chi đầu tư, sẽ đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các trường, nhưng đến nay cơ chế này chưa được hiện thực hóa.

Trường đã làm gì để giải quyết những khó khăn đó, thưa ông?

Trường phải tự bảo đảm nguồn thu, đồng nghĩa với việc phải tăng học phí, không có cách nào khác. Muốn vậy, phải để người học cũng như gia đình và xã hội cảm nhận được việc tăng học phí đi kèm với tăng chất lượng. Trong vài năm đầu tiên, Trường đã dùng vốn liếng dự trữ được đầu tư cho cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm chất lượng. Đó là những năm thắt lưng buộc bụng, chi ra nhiều mà chưa thể tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên ngay được. Bối cảnh này cũng dẫn đến chúng tôi phải thay đổi cơ chế quản lý sao cho thực sự hiệu quả và thay đổi quan niệm, nhận thức của cán bộ, giảng viên. Trước đây, cán bộ quản lý các đơn vị chỉ thực hiện theo chỉ đạo từ trên xuống, theo nhiệm vụ được giao nhưng bây giờ họ phải rất chủ động trong việc thực hiện các mục tiêu mà Trường đề ra trong chiến lược.

Các cán bộ, giảng viên phản ứng ra sao trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”?

Tôi chỉ có thể nói hầu hết cán bộ, giảng viên của Bách khoa đều là những người vô cùng tâm huyết và gắn bó với Trường. Trong 2 năm, cán bộ của chúng tôi không được tăng thu nhập trong khi môi trường bên ngoài - doanh nghiệp, công nghiệp, và các trường tư khác - cạnh tranh rất ghê. Nhưng tất cả đều hiểu rằng tự chủ sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, và vì thế ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình tự chủ, chấp nhận khó khăn trước mắt.

Nếu không có tự chủ, chúng ta có thể đánh mất những cơ hội phát triển nào?

Tự chủ là thuộc tính cơ bản của đại học. Không có tự chủ thì các trường đại học của chúng ta sẽ giống như các doanh nghiệp nhà nước trước đây, hoạt động trì trệ và kém hiệu quả, khó có thể sáng tạo, phát huy nội lực, và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để nâng cao chất lượng.


Không đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội phát triển giáo dục đại học giống như nông nghiệp nước ta 30 năm trước nếu không thực hiện cơ chế khoán theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn


Nói đến chất lượng phải nói đến đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất (phòng học, phòng thí nghiệm, giáo trình, tài liệu…) – tất cả đều đòi hỏi đầu tư phù hợp. Trước khi thực hiện tự chủ, các trường được cấp kinh phí nhưng khoản này ít, trong khi mức thu học phí thì thấp và bị quy định mức trần, nên suất chi cho sinh viên thấp, dẫn đến chất lượng không thể đi lên. Một phần của cơ chế tự chủ hiện nay là thực hiện trách nhiệm chia sẻ kinh phí giữa Nhà nước với người học và xã hội để hướng tới tăng chất lượng đào tạo. So sánh tỉ lệ tương đối với mức thu nhập trung bình của người dân thì nhìn chung mức học phí đại học ở Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực.

Nói ngắn gọn, không đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội phát triển giáo dục đại học giống như nông nghiệp nước ta 30 năm trước nếu không thực hiện cơ chế khoán theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

Một vấn đề phát sinh khi cơ chế tự chủ được thực hiện nội bộ trong Trường, đó là nó làm tăng chênh lệch về nguồn thu giữa các khoa/viện: các khoa/viện đào tạo các ngành hot, tuyển sinh thuận lợi sẽ có nguồn thu cao hơn, và cán bộ, giảng viên các đơn vị đó sẽ có đời sống tốt hơn. Đại học Bách khoa Hà Nội giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trường phân cấp và phân quyền tự chủ cho các đơn vị rất mạnh, trong đó có cả phân cấp tài chính, nhưng đồng thời có chính sách điều tiết hợp lý. Tự chủ không có nghĩa là tự trị đối với từng đơn vị. Các đơn vị được phân quyền lớn hơn nhưng không có nghĩa mỗi đơn vị là một ốc đảo. Nếu nhìn đóng góp của các đơn vị như một quá trình, tùy từng giai đoạn mà đóng góp đó là đào tạo hay nghiên cứu, thì sẽ thấy việc điều tiết là để bảo đảm sự công bằng và sự phát triển bền vững.

Trường xây dựng quy chế tài chính rất khoa học nhằm tạo động lực cho các khoa/viện tăng nguồn thu từ các chương trình đào tạo chất lượng cao, từ hoạt động KH&CN, hoạt động dịch vụ và tài trợ. Bên cạnh đó, Trường lại có những quy định chặt chẽ để bảo đảm các nguồn thu được sử dụng hiệu quả nhất với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo kèm theo nâng cao đời sống của cán bộ, giảng viên. Tất nhiên, chênh lệch trong thu nhập là không tránh khỏi và thậm chí là cần thiết, đặc biệt khi giảng viên các ngành “hot” có rất nhiều cơ hội ra ngoài và Trường phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp để giữ chân. Điều đáng mừng là tất cả các khoa/viện của Trường đều đã tăng được đáng kể thu nhập cho giảng viên, đạt mức cao trong các trường đại học công lập.

Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn và Hiệu trưởng Pradeep Khosla trong lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với Đại học California, San Diego, 22/8/2019. Ảnh: HUST
Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn và Hiệu trưởng Pradeep Khosla trong lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với Đại học California, San Diego, 22/8/2019. Ảnh: HUST

Một số đại học dân lập, với nguồn lực tài chính dồi dào và cơ chế trả lương cao gấp 4-5 lần so với trường công lập, đang ngày càng thu hút nhân tài từ trường công. Có người gọi đó là hiện tượng chảy máu chất xám ở trường công, lại có người cho rằng nguồn lực quốc gia không mất đi đâu, thị trường sẽ phân bổ theo hướng tối ưu. Theo ông, đây có phải là một cuộc cạnh tranh sòng phẳng đối với các trường công, nhất là trong bối cảnh phải tự chủ và bị cắt khoản chi thường xuyên?

Tôi nhìn vấn đề không hẳn thế này hay thế kia. Những trường mới thành lập, đặc biệt những trường được các tập đoàn doanh nghiệp đầu tư lớn, dùng chính sách để thu hút người là điều tất yếu. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, họ làm đúng quy định pháp luật; bản thân những cán bộ, giảng viên dịch chuyển ra làm ngoài cũng không vi phạm gì cả. Về tổng thể, nếu một nhà khoa học đến nơi họ phát huy tốt hơn năng lực của mình, tạo ra năng suất, chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đóng góp được cho xã hội thì đó là điều tốt cho đất nước.

Nhưng mặt khác, cũng có thể nói sự cạnh tranh này không công bằng cho trường công ở chỗ, các cán bộ đó được đào tạo, bồi dưỡng năng lực bằng kinh phí của trường hoặc bằng ngân sách đầu tư của Nhà nước. Doanh nghiệp không phải chi đầu tư, không phải đóng thuế cho Nhà nước, mà được sử dụng ngay người tài, tức chỉ tốn phí vận hành. Ta nói, các câu lạc bộ bóng đá muốn chiêu mộ các cầu thủ giỏi còn phải mất phí chuyển nhượng như sự bù đắp khoản đầu tư bồi dưỡng tài năng cho câu lạc bộ cũ. Tất nhiên những người ra đi đã có đóng góp trong thời gian họ ở trường nhưng những đầu tư dành cho họ là để mong chờ sự gắn bó lâu dài chứ không phải chỉ một giai đoạn. Nhưng cũng có khi một người không còn thấy điều kiện, cơ hội để phát huy tài năng của mình ở nơi hiện tại thì sự thay đổi lại là tốt nhất cho cả hai bên.

Đại học Bách khoa Hà Nội có bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách thu hút người tài của khối tư nhân không, thưa ông?

Tất nhiên có bị ảnh hưởng chứ, người tài đi mang theo trí tuệ và cả những mối quan hệ quan trọng. Nhưng nếu nói bị ảnh hưởng nhiều thì không. Trong chiến lược của mình, Trường đã lường trước không chỉ sự cạnh tranh trong nước mà cả ở khu vực và thế giới nữa. Thực tế, số người ra đi còn thấp hơn nhiều so với số người học tiến sĩ ở nước ngoài rồi không trở về. Nhưng chúng tôi coi đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, dù không hoàn toàn bình đẳng. Chúng tôi chấp nhận cơ chế thị trường và tôn trọng quy luật vận động của cuộc sống, tôn trọng quyết định của những người ra đi hay những người không quay về. Cuộc sống là thế, Trường vẫn phải phát triển và đang phát triển rất tốt, có sức hút với người tài. Tỉ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, có chức danh GS, PGS của Trường tiếp tục tăng; và nếu các thầy cô đó ở lại (hoặc trở về), tôi tin tình hình còn tốt hơn nữa.

Ông có thể tiết lộ con số người bỏ Đại học Bách khoa Hà Nội ra ngoài hoặc không trở về sau khi du học?

Trong vòng 5 năm trở lại đây, con số chuyển ra ngoài doanh nghiệp hoặc chuyển sang trường/viện khác - nếu chỉ tính những người có trình độ tiến sĩ hoặc ở vị trí quản lý và không tính những người chuyển đi vì không đáp ứng yêu cầu công việc hoặc vì lý do gia đình - là dưới 20 người; trong khi số người ở lại nước ngoài, tức là đến hạn chưa về hoặc có thể không về, không dưới 50.

Theo ông, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt đến mức độ tự chủ như mong muốn chưa?

Cũng còn nhiều vướng mắc để chúng tôi đạt tới tự chủ thật sự, và những vướng mắc này chủ yếu xuất phát từ phía quản lý nhà nước.

Như tôi đã nói ở trên, những ràng buộc, nút thắt trong Luật Ngân sách nhà nước, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công… phải được cởi bỏ. Thứ hai, chính sách tài chính và cơ chế phân bổ kinh phí của Nhà nước đối với các trường đại học công lập cần phải thay đổi. Ở bất cứ quốc gia nào, các trường đại học đều đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, chắc chắn phải được nhà nước đầu tư. Nhà nước đầu tư cho những trường có năng lực mạnh thì hiệu quả càng cao.

Giai đoạn đầu, Nhà nước nên học các doanh nghiệp tư nhân, chọn các trường có năng lực để đầu tư theo gói hỗ trợ thu hút người tài ở nước ngoài về làm việc, đồng thời đầu tư cho các chương trình, dự án nghiên cứu gắn kết với đào tạo sau đại học. Trung Quốc đã từng làm như vậy. Sau 5-10 năm, khi đã có nhiều người tài rồi, Nhà nước chỉ cần tập trung đầu tư sâu cho nghiên cứu mũi nhọn.

TS Nguyễn Duy Cường, người đang nghiên cứu về pin năng lượng mặt trời, làm việc trên thiết bị phún xạ ở Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ - AIST, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST
TS Nguyễn Duy Cường, người đang nghiên cứu về pin năng lượng mặt trời, làm việc trên thiết bị phún xạ ở Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ - AIST, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Có cơ chế nào để Trường nêu các đề xuất của mình đến các nhà hoạch định chính sách không?

Chúng tôi đã nói nhiều ở các diễn đàn, trong các báo cáo qua nhiều kênh, nhưng từ lắng nghe đến hình thành chính sách là cả một câu chuyện. Có những vướng mắc chúng ta đều biết cả nhưng chừng nào thay đổi thì không có câu trả lời chắc chắn. Chẳng hạn, ai cũng biết đầu tư cho KH&CN ở nước ta không hề ít nhưng phần đầu tư cho nghiên cứu rất nhỏ, trong đó đầu tư cho nghiên cứu ở các trường đại học công lập lại càng nhỏ và dàn trải. Nếu vẫn nguồn lực ấy, thay vì đầu tư nuôi bộ máy hoặc cho các nhiệm vụ không liên quan đến nghiên cứu, chúng ta đầu tư tập trung hơn cho nghiên cứu, trong đó đầu tư phù hợp cho các cơ sở trọng điểm, gắn kết được nghiên cứu với đào tạo thì hiệu quả sẽ khác. Hiện Bách khoa Hà Nội đang đứng thứ 4 Đông Nam Á trong bảng xếp hạng của Times Higher Education ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, chỉ sau 2 trường của Singapore và 1 trường của Malaysia. Bản thân chúng tôi cũng khá bất ngờ về thứ hạng đó, dù có quá trình phấn đấu dài. Nhưng nếu không được Nhà nước tăng cường đầu tư thì việc giữ được thứ hạng đó cũng khó, chứ đừng nói đến tăng, bởi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều đang có chiến lược đầu tư quyết liệt cho các trường đại học tiềm năng của mình.

Cơ chế tốt nhất để Nhà nước đầu tư hiệu quả là xây dựng một quỹ tài trợ nghiên cứu và thu hút nhân tài, dành riêng cho các trường đại học và độc lập với tất cả cơ quan quản lý nhà nước. Tương tự quỹ NAFOSTED, quỹ này tài trợ dựa trên cạnh tranh năng lực; nhưng khác là tài trợ cho trường đại học và theo chương trình, thay vì tài trợ cho cá nhân và theo từng đề tài.

Trân trọng cảm ơn ông.

Năm 2019, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một trong ba trường đại học Việt Nam lần đầu vào bảng xếp hạng thế giới của Times Higher Education và đứng ở vị trí từ khoảng 801 – 1.000 trong tổng số hơn 1.800 trường được xếp hạng. Trong bảng xếp hạng của Times Higher Education theo lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đứng trong khoảng từ 301 – 400 của thế giới, và đứng thứ 4 Đông Nam Á, sau 2 trường của Singapore và 1 trường của Malaysia.

Từ nhiều năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có mặt trong bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds (QS), đứng ở vị trí 261-270 trong bảng xếp hạng QS châu Á năm 2019/2020. Cũng trong năm 2019, các nhóm ngành Điện-Điện tử, Cơ khí và Hàng không, Khoa học máy tính của Trường được xếp hạng trong bảng QS thế giới theo lĩnh vực, lần lượt ở các vị trí 401-450, 451-500 và 501-550.