Nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí ở Việt Nam nói riêng nằm ở mô hình tăng trưởng của đất nước, với 3 đặc điểm: nền kinh tế thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, phụ thuộc vào FDI và ở vị trí thấp trong chuỗi phân công lao động quốc tế.

Air pollution

Đó là nhận định được đưa ra tại tọa đàm đối thoại chính sách “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm” diễn ra ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội sáng 14/1 với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - môi trường cùng đại diện các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ.

Thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế

Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT - ô nhiễm không khí hiện nay “đã không còn là câu hỏi có ô nhiễm hay không như vài năm trước, mà trở thành một vấn đề ai cũng có thể cảm nhận”, trong đó bụi mịn PM2.5 và khí ozone là hai tác nhân gây lo ngại nhất đối với toàn thế giới.

Tại Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị khác, nồng độ PM2.5 trong không khí xung quanh nằm ở mức vượt giới hạn cho phép trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Các nguồn gây ô nhiễm chính có thể chỉ ra, nhưng chưa đủ dữ liệu để ước lượng mức độ đóng góp cụ thể, bao gồm: nguồn thải di động từ giao thông, nguồn thải điểm từ các nhà máy công nghiệp và khai khoáng, hoạt động xây dựng, đốt, các làng nghề và xuyên quốc gia.

Ngoài những tác động nguy hiểm đến sức khỏe con người đã được bàn luận trong thời gian gần đây, ô nhiễm không khí còn gây nên những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Theo lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi (đo mức chi trả của xã hội để giảm rủi ro tử vong gây ra do ô nhiễm không khí) của PGS.TS Đinh Đức Trường - Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân - thiệt hại kinh tế của ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên tới 10,82 tỷ USD - 13,63 tỷ USD, tương đương với 4,45% - 5,64% GDP năm 2018.

Chỉ số Năng lực quản lý Môi trường (EPI) của Việt Nam năm 2018 và tương quan với một số quốc giaBáo cáo Chỉ số Năng lực quản lý Môi trường (EPI) 2018 xếp Việt Nam ở mức 46.96/100 điểm, xếp thứ 132/180 nước được đánh giá, thuộc nhóm những nước có chất lượng môi trường thấp trên thế giới, trong đó chất lượng không khí xếp thứ 159.

Theo PGS.TS Đinh Đức Trường, từ góc nhìn kinh tế, nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí ở Việt Nam nói riêng nằm ở mô hình tăng trưởng của đất nước, với 3 đặc điểm: nền kinh tế thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, phụ thuộc vào FDI và ở vị trí thấp trong chuỗi phân công lao động quốc tế.

Chính vì nền sản xuất công nghiệp ở nước ta vẫn ở trình độ giản đơn, phụ thuộc vào nước ngoài đã khiến Việt Nam rơi vào “thiên đường ô nhiễm” từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với tiêu chuẩn và chi phí môi trường thấp hơn các nước đã phát triển, các ngành có thể thu hút FDI ở Việt Nam lại là những ngành có khả năng gây ô nhiễm nhất như thép, xi măng, khai khoáng, dệt may, hóa chất,...

Để giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, các chuyên gia cho rằng về dài hạn cần điều chỉnh các chính sách kinh tế, tài chính bởi căn nguyên của vấn đề ô nhiễm là từ mô hình tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất tiêu dùng của con người. Một trong những khuyến nghị được PGS.TS Đinh Đức Trường và PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đưa ra tại Hội thảo là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó xác định lại các nhân tố tăng trưởng, tái cấu trúc ngành và định hướng thu hút FDI.

Giải quyết bằng công cụ kinh tế

Bên cạnh đó, một số chuyên gia và đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, vấn đề ô nhiễm không khí vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Dù đã có một số văn bản quy định, quy chuẩn về môi trường được ban hành, tuy nhiên hiện vẫn còn thiếu các văn bản đặc thù cho không khí và các công cụ kinh tế khác như phí khí thải.

PGS.TS Đinh Đức Trường
PGS.TS Đinh Đức Trường | Nguồn: NEU

Đồng thời, tính hiệu của các chính sách vẫn chưa cao; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu và phụ thuộc vào nhà nước; hệ thống thông tin công bố các chỉ số về không khí còn ít và không đồng bộ; có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ quản lý, ít sự tham gia của cộng đồng v.v...

Từ những thực trạng này, TS Hoàng Dương Tùng nhận xét rằng các bên "nên làm tốt những gì đã đề ra mà chưa thực hiện được" trước khi quá chú tâm dồn hết kì vọng vào việc sửa đổi luật mới trên giấy tờ.

Các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh việc phải rà soát, xem xét lại các chính sách về môi trường, sử dụng công cụ hành chính và công cụ thông tin, những thế hệ luật và chương trình quản lý tiếp theo cần phải thay đổi tư duy để mở rộng tiếp cận theo quan điểm kinh tế - thị trường. Các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc các giải pháp tài chính cho ô nhiễm không khí như sử dụng phí ô nhiễm không khí, thuế carbon, trái phiếu môi trường, hợp tác công tư để đầu tư cơ sở hạ tầng tạo lợi ích kép,…

Các biện pháp này giải quyết được bài toán “nguồn thu” từ ô nhiễm môi trường, vấn đề song song là cần cải thiện, tạo ra các cơ chế thông thoáng hơn để có “cách chi” trở lại cho việc quản lý và cải thiện môi trường, chẳng hạn chi cho giám sát và hệ thống xử phạt vi phạm, đầu tư cho năng lượng sạch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng hay tái cấu trúc mô hình kinh tế.

Ô nhiễm không khí về bản chất là một loại thất bại của thị trường. Không khí có nhiều thuộc tính của hàng hóa công cộng và khó có thể loại trừ ai ra khỏi việc tiêu dùng và thải khí ra môi trường”, PGS.TS Đinh Đức Trường nói. “Chúng tôi quan điểm rằng những gì có nguồn gốc kinh tế thì có thể giải quyết bằng các công cụ kinh tế”