Hôm nay (5/11) - sự kiện “Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015” chính thức khai mạc tại Bà Rịa - Vũng Tàu.


Tại sự kiện này, bên cạnh hàng loạt hoạt động giới thiệu công nghệ mới, các chuyên gia sẽ trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu đổi mới hoặc cải tiến, nâng cấp công nghệ của họ.

TS Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nói với Khoa học và Phát triển như vậy khi nói về những điểm nhấn của sự kiện “Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015”.

Công nghệ được lựa chọn tư vấn trực tiếp

Thưa ông, sự kiện “Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015” đang được giới khoa học và DN rất mong đợi bởi tại đây, DN sẽ được “gỡ rối” những nút thắt về công nghệ, còn nhà khoa học cũng có cơ duyên tìm kiếm được khách hàng để thúc đẩy nghiên cứu của mình. Xin ông chia sẻ thêm về sự kiện này?

TS Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ
TS Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ

Sự kiện kết nối cung – cầu này là hoạt động thường niên được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thực hiện dựa trên kết quả điều tra, khảo sát và tìm kiếm cả năm qua để có được danh sách các DN có nhu cầu đổi mới, cải tiến công nghệ. Trên cơ sở điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu thực của DN, chúng tôi tìm những công nghệ phù hợp, đưa chuyên gia xuống xác định và đưa ra con số cụ thể về kỹ thuật và tài chính để DN cân nhắc.

Trong lần này, các DN có nhu cầu tư vấn cũng rất lớn nhưng chúng tôi đã chọn ra 30 công nghệ; sau đó tìm các chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài để tư vấn trực tiếp cho 30 công nghệ này trải đều trong suốt 2 ngày diễn ra sự kiện.

Mỗi công nghệ thời lượng tư vấn khoảng 1 tiếng đồng hồ. Tại đây, DN sẽ trình bày nhu cầu, mong muốn hiện tại của họ và chuyên gia sẽ góp ý trên nền công nghệ sẵn có, từ đó DN có thể tự đưa ra quyết định đổi mới hoặc nâng cấp một phần công nghệ giúp khai thác hiệu quả hơn hoặc thay đổi quy trình công nghệ, quy trình quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng.
Ví dụ, công nghệ của Nhà máy đường Trà Vinh công suất cũ 3.000 tấn, người ta muốn thay đổi công nghệ một phần, nâng công suất lên 5.000 tấn từ chính công nghệ cũ thì chuyên gia sẽ tư vấn cho họ thay đổi khâu nào cho phù hợp.

Vậy có đặt tiêu chí đối với các chuyên gia được mời đến không, thưa ông?

Chắc chắn rồi. Chúng tôi sẽ phải có những tiêu chí cụ thể đối với cả chuyên gia nước ngoài và trong nước. Ví dụ, về lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí, ở Việt Nam có thế mạnh thì có thể tìm chuyên gia trong nước. Đa số các chuyên gia này có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với DN. Còn về chuyên môn, cũng có thể mời thêm cả chuyên gia nước ngoài.

Qua điều tra, khảo sát, cục đã phân loại những DN có nhu cầu đổi mới công nghệ sẽ được bóc tách riêng ra, tìm những nhà cung cấp công nghệ và để hai bên ngồi lại với nhau đàm phán chuyển giao công nghệ. Những DN chỉ có nhu cầu tư vấn, cải thiện kỹ thuật sẽ được tách ra và tìm những chuyên gia tư vấn cho họ. Đây là hoạt động rất mới trong năm nay.

Một điểm mới nữa là, chúng tôi mời chuyên gia giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp là TS Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tới để cung cấp những tin tức mới nhất liên quan đến các hội nhập của Việt Nam với thế giới. Cụ thể là Hiệp định TPP tác động như thế nào đến các sản phẩm xuất - nhập khẩu trong nước trong thời gian tới. Khi vào TPP, việc đổi mới công nghệ để phục vụ cho các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài phải đáp ứng ra sao... Từ đó, các DN Việt Nam sẽ có định hướng để đầu tư đổi mới công nghệ.
Hoạt động kết nối cung - cầu thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia.
Hoạt động kết nối cung - cầu thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia

Kỳ vọng thúc đẩy DN đổi mới công nghệ

Trên con đường kết nối cung – cầu này, Bộ KH&CN sẽ đi tới chặng nào cùng với DN, thưa ông?

Chúng tôi hỗ trợ ngay cho các DN từ khâu đầu tiên, đó là tìm kiếm công nghệ có nhu cầu nâng cấp, cải tiến để tìm kiếm các chuyên gia tư vấn cho họ. Sau đó, hỗ trợ để giữa bên có nguồn cung công nghệ với bên cầu công nghệ ngồi lại thỏa thuận, đàm phán với nhau. Hỗ trợ cho họ gặp nhau, hỗ trợ chuyên gia tư vấn về mặt pháp lý, công nghệ để có thể đi đến những ký kết, chuyển giao.

Đối với DN có nhu cầu cần tư vấn về tài chính có thể hỗ trợ tham gia vào các chương trình của bộ nếu các hợp đồng chuyển giao phù hợp với các chương trình đã đề ra. Ngoài ra, các kênh của ngân hàng hỗ trợ tài chính cho DN cũng được kết nối.
Ông kỳ vọng gì sau sự kiện này?

Chúng tôi kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới công nghệ cho DN.

Đổi mới ở đây có nhiều hình thức như: Đổi mới quy trình, công nghệ, đổi mới thiết bị và cả quản lý. Mong rằng cơ quan quản lý hỗ trợ tối đa để DN và chuyên gia, nhà khoa học có thể gặp nhau ở điểm chung nhất.

Đây sẽ là cơ hội để các tổ chức, cơ quan và DN trong cả nước được gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu và hợp tác với nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu về công nghệ; được tư vấn, giới thiệu những công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng và thương mại hóa cao; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, DN về hoạt động ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và phát triển công nghệ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Từ ngày 5-06/11/2015, tại TP Vũng Tàu, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hoạt động “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015” nhằm mục đích kết nối cung - cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hỗ trợ DN đổi mới, phát triển công nghệ; hỗ trợ giải quyết nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, phát triển công nghệ từ các tỉnh/thành phố, doanh nghiệp qua đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Bộ.

Tại đây có nhiều hoạt động như: (i) Trình diễn, giới thiệu công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ; (ii) Hoạt động tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật; (iii) Hoạt động kết nối tài chính và công nghệ; (iv) cùng nhiều hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khu vực Nam Bộ”; “Kết nối tài chính và công nghệ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”… Có hơn 150 đơn vị tham gia trình diễn, giới thiệu gần 250 công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu.