Theo Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - tại techmart 2015 có sự kết nối hai yếu tố cung - cầu rất rõ ràng.

Trao đổi với PV Khoa học và Phát triển, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - đã có những phân tích về ý nghĩa của techmart cũng như đưa ra nhiều đề xuất để các nhà khoa học nghiên cứu sát thị trường hơn, còn doanh nghiệp có động lực để sử dụng công nghệ trong nước thay vì tìm kiếm ở nước ngoài.
Cần thêm số liệu thuyết phục nhà khoa học
Thưa bà, phát biểu tại phiên khai mạc Techmart 2015, khi nói về sự khác biệt của “phiên chợ” này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho rằng tại đây “không chỉ các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp mà còn có các doanh nghiệp có tinh thần khoa học”. Bà bình luận gì về nhận định này? Ở góc nhìn của mình, bà thấy “tinh thần” này đã thể hiện như thế nào tại techmart năm nay, thưa bà?
Tôi thấy rằng Báo Khoa học và Phát triển trích ý này từ phát biểu của Bộ trưởng là rất sâu sắc. Ở đây, ý của Bộ trưởng Nguyễn Quân nói thể hiện xu thế mới nhất hiện nay, đó là kết nối giữa các nhà nghiên cứu với những người làm kinh doanh để có thể thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi hơn.
Tôi thấy nhà khoa học của chúng ta lâu nay thường quan tâm đến Nhà nước đang có dự án gì thì cùng nhau nghiên cứu, chủ yếu dựa vào phần ngân sách nhà nước và chúng ta cũng không nắm được nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, các nhà khoa học không thể hướng được sản phẩm nghiên cứu cho doanh nghiệp vì nó không đúng với nhu cầu của họ.
Trong khi đó thế giới hiện đi khá xa, ví dụ như Israel từng xây dựng khá thành công mô hình kết nối giữa trung tâm nghiên cứu với các chuyên gia thị trường. Tức là trung tâm này được xây dựng để các chuyên gia về thị trường và các nhà khoa học có thể trao đổi xem thị trường cần gì. Từ đó, trong khả năng nghiên cứu của mình, nhà khoa học phải chọn góc nào mà thị trường đang cần để kết nối.
Có thể thấy ở đây sự kết nối hai yếu tố cung - cầu rất rõ ràng. Tức là các tổ chức nghiên cứu cung cấp kết quả nghiên cứu và doanh nghiệp đến mua sản phẩm này để thương mại hóa. Điều này phần nào đã được thể hiện qua techmart. Tại đây, yếu tố cung - cầu được kết nối và doanh nghiệp, nhà nghiên cứu sẽ tự tìm đến với nhau.
Theo nhìn nhận của bà, sự kết nối này đã thực sự chặt chẽ? Từ hiệu quả của sự kết nối thông qua các lần tổ chức techmart, bà thấy điều gì cần lưu ý thêm?
Tôi nghĩ rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận với người tiêu thụ các sản phẩm nghiên cứu, mà ở đây là các doanh nghiệp. Nhà nghiên cứu lâu nay cũng không quan tâm nhiều tới thực tế về thị trường. Vậy muốn tạo sự quan tâm thì phải có những cầu nối - giống như việc tạo bè kết nối bờ bên này với bờ bên kia - giữa nhà nghiên cứu với thị trường doanh nghiệp. Các cuộc kết nối này sẽ tốn kém về truyền thông, tài liệu thông tin, những chứng minh để nhà khoa học thấy những chứng cứ cụ thể về sự thành công, tham gia tìm hiểu về thị trường. Đặc biệt, các nghiên cứu về thị trường của doanh nghiệp đi sâu vào hiệu quả các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học cũng sẽ dễ thuyết phục nhà khoa học hơn.
Tôi nghĩ rằng sẽ không có doanh nghiệp nào đứng ra nghiên cứu về các công trình khoa học của Nhà nước đã đi vào thị trường như thế nào, có kết quả ra sao. Như vậy, việc này Nhà nước phải làm. Ở đây không phải làm để chứng minh thành tích, mà phải nhờ những người nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp có con mắt thực tiễn để đưa ra kết luận.
Những kết luận này nhiều khi không làm vui lòng nhiều người, thậm chí có thể làm mếch lòng, song nếu không có sự nhìn thẳng đó thì tính ứng dụng trong các công trình nghiên cứu của chúng ta sẽ mãi có khoảng cách xa với doanh nghiệp.
Tôi nghĩ là hiện nay các cơ quan làm xúc tiến phải được tạo điều kiện để làm nghiên cứu này và chứng minh làm sao để các cơ quan khoa học thấy rằng chỉ cần thay đổi một chút bởi họ đã có nền kiến thức về khoa học, nhưng định hướng thế nào thì cần phải được thuyết phục. Ở đây không thể có chuyện “dỗ ngon dỗ ngọt” rằng nhà khoa học hãy ra thị trường đi, mà phải bằng những công trình, số liệu cụ thể hay các chương trình gặp gỡ kết nối trong một không gian tin cậy nhau.
Điều này phần nào thông qua các techmart cũng có thể giúp các nhà nghiên cứu nhìn nhận được nhu cầu của thị trường, song nếu như có một nghiên cứu rõ ràng hơn, đủ số liệu chứng minh thì các nhà khoa học sẽ thấy thuyết phục hơn và cần đẩy mạnh hướng nghiên cứu của mình theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải), Bộ trưởng Nguyễn Quân (giữa) và bà Kim Hạnh đi tham quan các gian hàng tại Techmart 2015. Ảnh: Lê Loan
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải), Bộ trưởng Nguyễn Quân (giữa) và bà Kim Hạnh đi tham quan các gian hàng tại Techmart 2015. Ảnh: Lê Loan
Nên có tiêu chí tôn vinh nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp
Là đơn vị tham gia tổ chức thì mong muốn thực hiện sự kết nối ấy như thế nào và BSA đã làm gì để hai bên là nhà khoa học và doanh nghiệp có thể gặp nhau ở điểm chung nhất, thưa bà?
Ở trong triển lãm này, trong khu vực của chúng tôi, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp được các trường đại học thành lập. Tức là khi họ có công trình nghiên cứu có thể thương mại hóa thành công, họ đã thành lập công ty, doanh nghiệp để bán và chuyển giao công nghệ đó. Thực ra họ là cơ chế trung gian giữa viện, trường. Họ được lập ra để bán hàng cho doanh nghiệp và đến gần hơn với doanh nghiệp.
Tôi nghĩ rằng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ KH&CN cũng đang rất muốn thúc đẩy để xóa khoảng cách giữa nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp hiện nay, nên chắc chắn sẽ có những chính sách làm sao dễ tiếp cận hơn để đưa các công trình nghiên cứu vào trong doanh nghiệp.
Ví dụ như doanh nghiệp sử dụng công trình nghiên cứu của các viện, trường, các tổ chức khoa học sẽ nhận được ưu đãi. Nếu có chính sách thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi như vậy từ phía Chính phủ thì chắc chắn sẽ đẩy nhanh được tiến trình này. Hay như Chính phủ chỉ đạo cho các viện, trường phải kết nối với các công ty để thương mại hóa các nghiên cứu của mình thì việc này cũng sẽ dần tốt lên.
Thực ra tôi nghĩ rằng, cơ quan giúp việc cho Chính phủ đang quản lý các viện, trường là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay chúng ta đang tính chỉ tiêu công tác cho các giáo viên ở trong trường là không quan tâm đến nỗ lực của họ khi tham gia nghiên cứu và đồng hành với doanh nghiệp; thành ra họ chỉ chú tâm dạy học, thậm chí có người còn bị chỉ trích không lo dạy mà chỉ chạy theo doanh nghiệp nghiên cứu để kiếm tiền.
Chính với quan niệm như vậy khiến các giảng viên nhụt chí và thấy rằng không có động lực để kết nối với doanh nghiệp làm nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng nếu Nhà nước không có chỉ tiêu, không tôn vinh ủng hộ người nghiên cứu kết nối với doanh nghiệp sẽ là lý do cản trở họ tham gia kết nối.
Thưa bà, ở vai trò của bà chắc chắn nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp về nhu cầu đổi mới công nghệ. Thêm nữa, trong bối cảnh hội nhập, việc đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, sản phẩm hàng hóa là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể cạnh tranh. Tuy nhiên, công nghệ trong nước đã thực sự đáp ứng được nhu cầu này hay chưa, thưa bà?
Công nghệ của chúng ta từ xưa tới nay thường không quảng bá hoặc ít quan tâm đến quảng bá. Khi các nhà khoa học nghiên cứu các công trình (trừ cái được doanh nghiệp đặt hàng) thì họ chỉ có nhu cầu là báo cáo cho cơ quan cấp vốn tài trợ mà không chú ý đến quảng bá.
Như vậy, thực sự doanh nghiệp không biết được công nghệ nào tốt, có phù hợp hay không. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta cần công nghệ phù hợp, chứ không phải là hiện đại, tối tân. Do vậy, nếu công nghệ đó không phù hợp với trình độ sản xuất tiêu dùng của người Việt Nam thì dù cho công nghệ đó là của Mỹ cũng không có tác dụng gì.
Chúng ta phải thay đổi suy nghĩ của những người đang làm nghiên cứu, nên quan tâm hơn tới việc đưa ra ứng dụng trong xã hội như thế nào. Thêm nữa, họ nghiên cứu xong rồi thì phải quảng bá như thế nào; lập công ty chuyển giao cũng là một cách, liên hệ với cơ quan truyền thông cũng là một cách tốt.
Nhất là hiện nay Bộ KH&CN có các cơ quan truyền thông - sẽ là đầu mối thông tin tốt để các cơ quan nghiên cứu quảng bá sản phẩm ở đây. Từ đó, doanh nghiệp cũng có được đầu mối để tìm kiếm công nghệ.
Tôi nghĩ rằng, Bộ KH&CN cần đưa thêm chỉ tiêu cho nhà khoa học với một kết quả nghiên cứu, một công nghệ mới phải được truyền thông tới doanh nghiệp và nhận được phản hồi ra sao. Nếu có chỉ tiêu rõ ràng như vậy, sẽ có sự thay đổi về chất ngay trong hoạt động của cơ quan nghiên cứu.
Bản thân các nhà nghiên cứu cũng phải quan tâm đến việc quảng bá sản phẩm của mình và Bộ KH&CN cũng nên giao chỉ tiêu cho các cơ quan của bộ, đồng thời những cơ quan xúc tiến như chúng tôi (BSA) phải tạo được các kết nối chặt chẽ hơn.
Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!