Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua những cải cách hệ thống khoa học đất nước, cắt giảm những vấn đề hào nhoáng bên ngoài để tập trung vào việc làm cho điều kiện làm việc và điều kiện sống của các nhà khoa học trở nên thuận lợi hơn.

Các nhà khoa học của Tây Ban Nha đều vui mừng trước những cải cách đó, tuy nhiên nhiều người cho rằng cần thiết có cải cách rộng hơn về hệ thống nghiên cứu, vốn bị trì trệ nhiều năm do đầu tư thấp. Liên minh các tổ chức khoa học Tây Ban Nha (COSCE), nơi quy tụ hơn 40.000 nhà khoa học Tây Ban Nha, cho rằng hệ thống khoa học đang bị suy yếu vì cắt giảm kinh phí đầu tư và “sự quản lý hành chính quan liêu hết sức vô lý”. Cộng đồng khoa học này đã yêu cầu thay đổi nhưng họ không có cách giải quyết những thách thức trầm trọng và sâu sắc mà khoa học Tây Ban Nha đang phải đối mặt, Pedro Jordano, một nhà sinh thái học tại Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) ở Seville, cho biết.

Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phát hiện ra phương pháp mới điều trị Zika. Ảnh: RTVE
Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phát hiện ra phương pháp mới điều trị Zika. Ảnh: RTVE

Ví dụ các thủ tục tuyển dụng nghiên cứu viên – đặc biệt là các postdoc và kỹ thuật viên – quá phức tạp và chậm chạp, Jordano nói. Chúng cần trở nên đơn giản và nhanh gọn hơn.

Các viện nghiên cứu chỉ có thể tuyển dụng các nhà khoa học trẻ với những hợp đồng tạm thời và trong khoản kinh phí mà họ có, thông thường từ 1 đến 4 năm. “Thật không thể làm gì đó trong khoa học với hợp đồng một năm,” Violeta Durán Laforet, một nhà dược học tại trường Đại học Complutense ở Madrid và là phó chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học trẻ Tây Ban Nha, phân tích. “Vì chất lượng nghiên cứu, chúng tôi phải có một hệ thống nghiên cứu đủ sức tạo ra những điều kiện nghiên cứu thu hút – để các nhà nghiên cứu không còn phải tìm kiếm công việc ổn định ở nước ngoài.”

Để sửa chữa điều này, các quy định mới được cập nhật từ chính phủ sẽ cho phép các trường đại học Tây Ban Nha và các viện nghiên cứu tuyển dụng được các nghiên cứu viên một cách dài hạn, qua đó có được những công việc bền vững hơn, Durán Laforet nhận xét về tác động của các cải cách.

Một quy định mới khác là cắt giảm sự quan liêu trong việc mua sắm thiết bị phòng thí nghiệm – một quá trình mà theo các nhà khoa học thường diễn ra rất mơ hồ và dài dằng dặc, thậm chí khi họ được cấp ngay những khoản kinh phí để mua. “Hiện tại phải mất cả tháng để mua một máy tính mới”, Montserrat Vilà – một nhà sinh thái học cây trồng tại CSIC, nói. Cô cho biết thêm, nguyên nhân là các quy định phức tạp, phải mất 20 email với sự tham gia của 8 người, 10 cuộc điện thoại và 5 lần đệ trình hồ sơ mới xong quy trình mua một máy tính xách tay, dẫu cô đã được Bộ Khoa học chấp thuận đầu tư mua sắm.

Những cải cách cũng nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho cả các nhà khoa học nam và nữ trở lại với công việc nghiên cứu sau khi nghỉ thai sản hoặc về hưu. Các nhà khoa học, trong đó có cả Durán Laforet, cho biết ở Tây Ban Nha, phổ biến những thiên kiến và phân biệt ngấm ngầm với những người đã từng rời nghiên cứu. Cải cách sẽ cấm các viện nghiên cứu công phạt những người nghỉ thai sản hoặc về hưu khi họ nộp hồ sơ xin giảng dạy hoặc nghiên cứu.

(Nguồn: nature.com)