TS Otmar Wiestler, chủ tịch Hiệp hội Helmholtz, tổ chức khoa học lớn nhất Đức, cảnh báo về sự suy giảm đầu tư vào khoa học trong hơn một nửa quốc gia thành viên EU và cho rằng, châu Âu cần mở rộng hơn nữa việc hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề thách thức của khoa học.

Củng cố sức mạnh của cộng đồng khoa học EU

Theo nhận định của ông, việc đầu tư vào khoa học châu Âu đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống và Brexit càng làm thúc đẩy tình trạng tiêu cực đó ở lục địa này diễn ra nhanh hơn. “Chúng ta đang phải đối với mặt với hiện tượng chia rẽ trong nghiên cứu ở châu Âu một cách trầm trọng. 15 quốc gia đã có dấu hiệu thụt lùi. Đây thực sự là mối nguy hiểm thực sự, thậm chí còn đáng sợ hơn cả việc Anh rời EU”, Otmar Wiestler nhận định. Điều ông lo ngại là châu Âu, nơi được coi là đang tạo ra những tiên tiến về khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo, hiện khó có thể giữ được vị thế của mình.

Các quốc gia từng hứng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp, đã phải vật lộn với việc từng bước đưa mức khoản tài trợ cho nghiên cứu trở lại như trước đây.

Giám đốc Trung tâm Máy gia tốc DESY Helmut Dosch giải thích về một thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu về phóng xạ với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nguồn: Bundeskanzlerin
Giám đốc Trung tâm Máy gia tốc DESY Helmut Dosch giải thích về một thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu về phóng xạ với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nguồn: Bundeskanzlerin

Người ta có thể cảm nhận thấy mối đe dọa về nguy cơ đình trệ nghiên cứu ở châu Âu, ngay cả khi đây không phải là mối quan tâm duy nhất. Mới đây, báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OECD) đã tiết lộ: tỷ lệ đầu tư cho R&D của chính phủ các quốc gia phát triển rơi từ 31% xuống 27%, trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016.

Bản thân Hiệp hội Helmholtz là một tổ chức có 39.000 nhà khoa học và kỹ sư, làm việc tại 19 viện, trung tâm, có tổng ngân sách đầu tư 4,5 triệu euro. Ông Wiestler nói, Hiệp hội Helmholtz đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề về sự thiếu hụt đầu tư cho nghiên cứu ở một số quốc gia châu Âu khác bởi “cảm thấy trách nhiệm củng cố sức mạnh và tính bền vững” của cộng đồng nghiên cứu khắp châu Âu. Hiện các nhà khoa học đứng đầu các trung tâm nghiên cứu và viện nghiên cứu của Helmholtz đang tìm kiếm các tài năng trẻ ở các viện đối tác thuộc các quốc gia Nam Âu, Trung Âu và Đông Âu – nơi đầu tư cho khoa học còn thấp, để hỗ trợ nâng cao năng lực cho họ. Những mối hợp tác gần đây của Helmholtz với các quốc gia này đã đem lại việc thành lập một trung tâm nghiên cứu ung thư mới ở Athens và một trung tâm miễn dịch học ở Croatia. “Chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương cùng đóng góp vào việc hình thành các trung tâm như vậy. Cách làm này đã bắt đầu được áp dụng ở Hy Lạp,” Wiestler nói.

Với cùng mục tiêu tăng cường đầu tư cho nghiên cứu ở châu Âu, ông Wiestler cho rằng Horizon Europe, chương trình đầu tư cho KH&CN giai đoạn 2021-2027, cũng nên được mở rộng cửa cho các quốc gia ngoài châu Âu gia nhập: “Tôi ủng hộ việc mở cửa; việc có thêm các đối tác cũng là cách gia tăng giá trị cho chương trình, miễn là người điều phối chương trình vẫn là châu Âu. Chúng ta cần mở thêm trong nhóm tiêu chuẩn thứ hai về xét chọn đối tác nước ngoài chất lượng cao, những người sẵn sàng đóng góp kinh phí đối ứng”.

Chương trình EU Horizon 2012-2027 được xây dựng trên ba trụ cột: ủng hộ khoa học mở; giải quyết các vấn đề mang tính thách thức trên quy mô toàn cầu và cạnh tranh trong các ngành công nghiệp; đầu tư vào các cụm lĩnh vực có các vấn đề mang tính thách thức đó.

Tuy nhiên ông cho biết thêm, việc tham gia các chương trình của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) không cần phải thay đổi một cách căn bản: “Tôi vẫn còn lưỡng lự về tính mở của ERC vì EU Horizon là một thương hiệu của châu Âu chứ không phải của toàn cầu.” Theo quan điểm của Wiestler thì các mức đầu tư của ERC dù vẫn mở với những nhà nghiên cứu quốc tế tài năng nhưng vẫn tiếp tục duy trì giới hạn ở mức độ nào đó với những thành viên ngoài EU.

Mở từ Helmholtz

Mở rộng hợp tác cũng là câu chuyện của Helmholtz ngày nay. Các nhà nghiên cứu ở Helmholtz được tăng cường khả năng làm việc với những thiết bị tiên tiến bậc nhất thế giới, từ các máy synchrotron, máy bay nghiên cứu đến các con tàu thám hiểm và trạm nghiên cứu ở những nơi heo hút như Bắc cực. “Những công việc mà chúng tôi làm và các cơ sở hạ tầng nghiên cứu quy mô lớn mà chúng tôi có đều được chia sẻ với các đồng nghiệp quốc tế,” Wiestler nói.

Để thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế, mới đây Helmholtz đã mở một trung tâm nghiên cứu của họ tại Tel Aviv, Israel. Đất nước này “đang dẫn đầu về công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu, và rất mạnh về một số lĩnh vực như năng lượng, nước, khoa học sự sống, khoa học trái đất. Tôi cũng mong muốn chúng tôi học hỏi được nhiều từ cộng đồng khởi nghiệp Israel,” Wiestler cho biết.

Việc hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang tăng lên. Dẫu sao thì “đây không phải là một đối tác dễ chịu,” Wiestler nhận xét. “Chúng tôi có nhiều postdoc và nhà nghiên cứu Trung Quốc tại các cơ sở nghiên cứu của chúng tôi và giờ chúng tôi đang xem xét lại chiến lược hướng về quốc gia này. Chúng tôi đang ở trong một bối cảnh vô cùng cạnh tranh và bất cứ nơi nào chúng tôi đi đến hứa hẹn về việc liên kết làm việc, chúng tôi cần phải làm rõ ràng và minh bạch các quy định về hợp tác,” ông nói.

Helmholtz cũng còn giữ được một cơ sở nghiên cứu của mình tại Nga, nơi có một di sản khoa học phong phú nhưng lại chưa được chính phủ đầu tư đúng mức. “Tôi có cảm giác đó là nơi giữ vững được mối quan hệ hợp tác giữa chúng tôi với các đồng nghiệp Nga, tuy nhiên ở một vài nơi, một vài lĩnh vực, chúng tôi thấy hiện tượng chảy máu chất xám trầm trọng với quốc gia này,” Wiestler cho biết.

“Chúng ta đang phải đối với mặt với  hiện tượng chia rẽ và thụt lùi trong nghiên cứu ở châu Âu một cách trầm trọng. Đây thực sự là mối nguy hiểm, thậm chí còn đáng sợ hơn cả việc Anh rời EU”. Ông Otmar Wiestler Chủ tịch Hiệp hội  Helmholtz.
“Chúng ta đang phải đối với mặt với hiện tượng chia rẽ và thụt lùi trong nghiên cứu ở châu Âu một cách trầm trọng. Đây thực sự là mối nguy hiểm, thậm chí còn đáng sợ hơn cả việc Anh rời EU”. Ông Otmar Wiestler Chủ tịch Hiệp hội Helmholtz.

Để việc hợp tác quốc tế ngày thêm hiệu quả và tìm ra cách hợp tác tốt nhất, Hiệp hội Helmholtz gần đây đã có một cuộc đánh giá 19 trung tâm nghiên cứu và 32 chương trình nghiên cứu với sự tham gia của một nhóm hợp tác quốc tế, bao gồm 630 chuyên gia trong 32 ban đánh giá.

“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực”, Wiestler chia sẻ. “Chúng tôi cũng nhận ra những khu vực mà chúng tôi nên điều chỉnh cho đúng hướng. Chiến lược đánh giá của chúng tôi được đặt vào đúng thời điểm chúng tôi cần xem xét lại liệu có nên thay đổi các chương trình hợp tác trong tương lai của chúng tôi hay không và nếu có thì như thế nào”.

Anh xem xét ngân sách đầu tư cho nghiên cứu sau Brexit

Chính phủ Anh đang xem xét tạo ra một khoản đầu tư cho nghiên cứu quốc tế để lấp đầy khoảng trống của đầu tư từ EU thời kỳ hậu Brexit. Dự kiến, Adrian Smith, giám đốc Viện nghiên cứu Alan Turing ở London, sẽ dẫn dắt một dự án lớn là thiết lập một quỹ có thể mở cho các nhà khoa học Anh và quốc tế tham gia. Đây là giải pháp để các viện và các trường đại học Anh có kinh phí nghiên cứu sau khi không còn khả năng nhận đầu tư từ ERC nữa, đặc biệt khi dòng chảy kinh phí quan trọng của Anh là Horizon 2020 sẽ khép lại vào năm 2020 (năm 2016, 22% kinh phí của ERC thuộc về các nhà khoa học Anh và Quỹ Marie Skłodowska Curie cũng của ERC đã đưa hàng trăm nhà nghiên cứu nước ngoài tới Anh làm việc). Đến bây giờ vẫn chưa rõ là liệu các nhà nghiên cứu Anh có còn nhận được đầu tư từ Horizon EU 2021 – 2027 hay không bởi hiện tiêu chí tham gia của các quốc gia ngoài châu Âu vẫn còn đang được thảo luận.

Tuy nhiên khó khăn với các cơ sở nghiên cứu của Anh không chỉ ở chuyện tiền bạc. Hệ thống visa của Anh hậu Brexit đã đặt lực lượng lao động chính của nó vào nguy cơ thiếu việc làm, theo nhận định của Paul Nurse, giám đốc Viện nghiên cứu y sinh Crick. Viện này tuyển 577 chuyên gia kỹ thuật, chiếm ½ lực lượng lao động của nó đảm trách từ việc làm sạch các ống nghiệm đến thực hiện các thí nghiệm phức tạp, 71% số này có kỹ năng cao. Do ¼ số chuyên gia kỹ thuật không phải người Anh nên họ cần visa để được làm việc tại đây và phải thực hiện các thủ tục visa như những người bình thường. Vấn đề là chính sách thuê lao động nhập cư của Anh hậu Brexit chỉ chấp nhận với người có mức lượng trên 30.000 bảng trong khi làm việc tại các trung tâm như Crick thì mức lương cao nhất chỉ là 27.000 bảng.

Tổng hợp từ Nature và Sciencebusiness


Nguồn: sciencebusiness.net