Việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho người tiêu dùng, động vật, thực vật, tài sản và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, cách hiểu và xác định sản phẩm này của các bộ quản lý ngành và lĩnh vực vẫn chưa thống nhất.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa. Ảnh: moit.gov.vn
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa. Ảnh: moit.gov.vn

Là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản hay môi trường, đến nay, sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (gọi tắt là nhóm 2) đã được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định và ban hành danh mục để quản lý theo lĩnh vực được phân công. Tuy nhiên, sau 15 năm kể từ ngày Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa ra đời, việc áp dụng các quy định về việc xác định các sản phẩm này và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã xuất hiện nhiều bất cập trong thực tế.

Chưa đầy đủ và thiếu thống nhất

Theo đó, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay nằm ở việc: có bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhưng chưa có QCVN để quản lý, hoặc ban hành danh mục có tên nhóm hàng hóa nhưng chưa có đầy đủ chi tiết mặt hàng và mã số HS (HS Code), hoặc ban hành danh mục bao trùm cả đối tượng hàng hóa phải kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến những vướng mắc đối với tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo luật định.

Không chỉ vậy, theo đánh giá của báo cáo tổng kết thi hành Luật Chất lượng, Sản phẩm hàng hóa của Bộ KH&CN, khó khăn còn xuất hiện do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo cách thức quản lý riêng. Chẳng hạn, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục quy định cụ thể các mặt hàng thực hiện kiểm tra chất lượng trước thông quan và sau thông quan. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, QCVN tương ứng trước khi thông quan và danh mục sản phẩm, hàng hóa phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, QCVN tương ứng sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường. Đáng chú ý, có “một số bộ quản lý ngành, lĩnh vực không rõ cơ sở khoa học về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa khi đưa vào danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 hay việc sửa đổi, bổ sung danh mục này không kịp thời với nhu cầu cần quản lý”, báo cáo chỉ ra.

Đồng thời, trong thực tế triển khai, có những sản phẩm, hàng hóa giai đoạn này thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật, nhưng giai đoạn sau lại được đưa ra khỏi danh mục nhóm 2, tức là đã chuyển thành hàng hóa nhóm 1 và được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Đây là một bất cập không nhỏ do Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa quy định việc điều chỉnh đối với các loại sản phẩm, hàng hóa này. Theo Luật, hàng hóa được phân chia thành hai loại theo mức độ an toàn, song “trên thực tế độ an toàn và chất lượng sản phẩm là hai phạm trù không hoàn toàn giống nhau, có những sản phẩm, hàng hóa có độ an toàn cao nhưng có thể chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, ngược lại có những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng mức độ an toàn chưa cao”, báo cáo chỉ ra.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa bao quát được hết các trường hợp phát sinh trong hoạt động kiểm tra. Chẳng hạn, theo quy định, hàng hóa nhóm 2 phải công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy. Để hoàn thành thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa, doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện qua hai bước: (1) lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; (2) thực hiện thủ tục kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước. Hàng hóa nhập khẩu phải được cấp Thông báo kết quả kiểm tra đáp ứng yêu cầu về chất lượng để được làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa với cơ quan hải quan.

Tuy nhiên, thực tế triển khai và quy định tại Nghị định hướng dẫn (Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) không thống nhất với quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. “Theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là bắt buộc áp dụng. Về tiêu chuẩn, vì là tự nguyện nên có thể có nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau, nhiều mức độ khác nhau để các doanh nghiệp lựa chọn hoặc đối tác lựa chọn để áp dụng cho phù hợp với mục đích của mình. Hiện nay, có một số quy chuẩn kỹ thuật về nông lâm thủy sản cao hơn cả yêu cầu tối thiểu của nước nhập khẩu mà chúng ta xuất khẩu chủ yếu như Nhật, Mỹ, châu Âu. Như vậy, doanh nghiệp sẽ chịu sự quản lý ‘một cổ hai tròng’ tức là vừa phải đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu, đối tác xuất khẩu và vừa phải đáp ứng yêu cầu của Việt Nam”, báo cáo cho biết.

Cụ thể hóa nguyên tắc xác định

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình trạng các danh mục hàng hóa nhóm 2 của các bộ có sự giao thoa, chồng chéo khiến cho cùng một mặt hàng của doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, phải thực hiện nhiều lần kiểm tra xuất phát từ lỗ hổng của pháp luật là không có một cơ chế và thiết chế nhằm kiểm soát quyền của các bộ. “Chính phủ đã nhiều lần phải thúc giục các bộ ngồi lại với nhau để xác định mỗi mặt hàng chỉ có một cơ quan kiểm tra. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn thiếu cơ sở pháp lý, do đó tình trạng chồng chéo vẫn diễn ra”, văn bản góp ý của VCCI cho biết.

Bên cạnh đó, có tình trạng một số bộ lạm dụng đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 nhiều loại hàng hóa không cần thiết phải kiểm tra. Chẳng hạn, phụ lục 2 của Báo cáo tổng kết thi hành cho thấy, trong ba năm từ 2019 đến 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra 72.141 lô hàng và phát hiện 18 trường hợp vi phạm. Tỷ lệ vi phạm chỉ là 0,025% số lô hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh việc kiểm tra này vẫn chưa được tích hợp trên Cổng một cửa quốc gia, doanh nghiệp vẫn phải làm bản giấy với chi phí rất lớn, với nhiều trường hợp phải phá hủy mẫu hoặc gửi mẫu ra nước ngoài kiểm tra. Trong nhiều trường hợp chi phí của việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 lớn hơn so với rủi ro ngăn chặn được.

VCCI cho rằng, tất cả những vấn đề đã đề cập ở trên cho thấy, việc ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 hiện có rất nhiều bất cập và cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát. Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN) cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, hai Nghị quyết của Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành, trong đó có danh mục hàng hóa nhóm 2. Do đó, “luật chất lượng sẽ phải đưa nội dung này vào ngay từ đầu, trong đó phải xác định hàng hóa nhóm 2 căn cứ trên mức độ rủi ro của hàng hóa đó để từ đó đưa ra biện pháp quản lý cho phù hợp hơn”, bà Mai Hương nói.

Bởi vậy, một trong những điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ hướng đến mục tiêu quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm).

“Danh mục này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các danh mục được ban hành ở cấp Thông tư, với trình tự thủ tục dễ dàng, ít được trao đổi, thảo luận, không được đánh giá tác động, không có kiểm soát về thủ tục hành chính là nguyên nhân gây ra tình trạng trên”, VCCI đánh giá.

Do đó, đơn vị này đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 theo hướng nâng lên cấp Nghị định của Chính phủ. “Cơ chế này sẽ giúp danh mục này được thảo luận giữa các bộ và sẽ không còn tình trạng chồng chéo. Trình tự thủ tục ban hành nghị định cũng chặt chẽ hơn qua đó nâng cao chất lượng của quy định này”, VCCI cho biết. Cũng theo Liên đoàn này, kinh nghiệm của lĩnh vực điều kiện đầu tư kinh doanh cho thấy, từ khi cấm các bộ ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh và đưa lên cấp Nghị định, chất lượng của các quy định này được nâng cao rõ rệt. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, không khách quan, định tính đã được loại bỏ toàn bộ, các điều kiện không hợp lý cũng đã được điều chỉnh.