Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH mới xác định quan điểm phát triển mỗi cơ sở GDĐH thành một tổ chức KH&CN, và phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH thành nòng cốt của mạng lưới tổ chức KH&CN - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, người chỉ đạo xây dựng Quy hoạch, cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Khoa học & Phát triển.

Một nhiệm vụ lớn với nhiều mục tiêu, biến số và điều kiện ràng buộc

Xin ông cho biết, vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học xuất phát từ những đòi hỏi mới về đào tạo nhân lực của quốc gia hay còn có những lý do nào khác? Sự xuất hiện của Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào thời điểm này liệu có bị muộn so với đòi hỏi thực tiễn không, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Nguồn: NVCC
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Nguồn: NVCC

GDĐH đang có cơ hội mở rộng quy mô khi nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của nền kinh tế cũng như nhu cầu và khả năng chi trả cho học tập của người dân ngày càng tăng, nhưng cũng đứng trước thách thức rất lớn - phải đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện các nguồn lực đầu tư còn rất hạn hẹp.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 (bao gồm cả các trường cao đẳng sư phạm) là sự tiếp nối của Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020.

Đây là một quy hoạch ngành quốc gia, thực hiện sứ mạng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước tới năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Một quốc gia phát triển, thu nhập cao, có nền công nghiệp hiện đại không thể thiếu một hệ thống GDĐH hiện đại, ngang tầm thế giới. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 được Quốc hội phê duyệt đầu năm ngoái cũng đã đặt mục tiêu “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á”.

Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH là một nhiệm vụ lớn, khó với nhiều nội dung phức tạp, vừa phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn của lĩnh vực quy hoạch vừa phải xem xét đầy đủ các yếu tố trong phát triển GDĐH.


Chủ trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và nhiều quan điểm, định hướng chủ yếu cho phát triển GDĐH và mạng lưới cơ sở GDĐH đã được nêu ra từ Nghị quyết Hội nghị trung ương 8 khóa XI, tới các văn kiện Đại hội XIII của Trung ương và các nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển kinh tế-xã hội các vùng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn



Quy trình xây dựng quy hoạch phải được thực hiện như một dự án đầu tư công qua nhiều bước với những yêu cầu chặt chẽ và mới so với trước đây, trong khi không có một đơn vị tư vấn độc lập nào sẵn sàng tham gia đấu thầu để chủ trì tư vấn lập quy hoạch. Bên cạnh đó, do đây là một quy hoạch ngành quốc gia nên cũng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và đồng bộ với nhiều quy hoạch ngành khác, việc hoàn thiện dự thảo quy hoạch đúng là chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy vậy, theo quy định của Luật Quy hoạch thì những nội dung của quy hoạch giai đoạn trước vẫn được áp dụng trong thời gian quy hoạch mới chưa được phê duyệt.

Ông có thể chia sẻ Dự thảo được xây dựng dựa trên những căn cứ nào và việc quy hoạch được đề xuất triển khai theo những định hướng lớn nào?

Giống như các đề án khác, việc xây dựng Dự thảo Quy hoạch phải dựa trên căn cứ chính trị và pháp lý, có cơ sở khoa học và thực tiễn, chọn lọc và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế.

Trong đó, về mặt cơ sở khoa học và thực tiễn, Dự thảo Quy hoạch lần này được xây dựng dựa trên các báo cáo từ kết quả thực hiện một số đề tài cấp Nhà nước trong lĩnh vực khoa học giáo dục, bao gồm hai đề tài chuyên sâu về chủ đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên. Bản chất của quy hoạch mạng lưới là một bài toán tối ưu hóa đa mục tiêu, nhiều tham số và nhiều điều kiện ràng buộc, đặt trong bối cảnh biến động liên tục và khó đoán định, vì vậy cần một cách tiếp cận khách quan, khoa học dựa trên tư duy hệ thống.

Bên cạnh đó, việc đánh giá thực trạng, phân tích bối cảnh và dự báo xu hướng, xác định yêu cầu phát triển và nhận diện những thách thức đặt ra cho hệ thống GDĐH trong giai đoạn mới, cùng với việc nghiên cứu, tổng hợp những kinh nghiệm quốc tế là các căn cứ quan trọng để định hình mạng lưới cơ sở GDĐH trong tương lai.

Dựa trên những căn cứ như trên, Dự thảo đưa ra ba định hướng lớn về phát triển quy mô, cơ cấu đào tạo và bảy định hướng lớn về phát triển mạng lưới.

Ba định hướng lớn về phát triển quy mô, cơ cấu và hình thức đào tạo bao gồm: Từng bước mở rộng quy mô và điều chỉnh cơ cấu đào tạo, tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học; tăng nhanh quy mô và tỉ trọng đào tạo các lĩnh vực STEM nhất là ở trình độ tiến sĩ; giữ ổn định quy mô và cơ cấu đào tạo đối với lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tới 2030.

Bảy định hướng lớn về phát triển mạng lưới bao gồm: Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH gắn kết với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực, mở rộng không gian phát triển cho mạng lưới hiện có; phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia; phát triển các mạng lưới cơ sở GDĐH theo các vùng, tiểu vùng và theo ngành, lĩnh vực trọng điểm; sắp xếp tinh gọn và đầu tư trọng điểm cho mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH và trường quốc tế; phát triển GDĐH trên không gian số.

Hướng tới hình thành hệ sinh thái đại học


Xin ông cho biết thêm về quan điểm, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Những năm qua, hệ thống cơ sở GDĐH đã khẳng định vai trò chủ chốt trong mạng lưới tổ chức KH&CN quốc gia. Ảnh minh họa: Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) học tập trong phòng thí nghiệm hiện đại. Nguồn: USTH
Những năm qua, hệ thống cơ sở GDĐH đã khẳng định vai trò chủ chốt trong mạng lưới tổ chức KH&CN quốc gia. Ảnh minh họa: Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) học tập trong phòng thí nghiệm hiện đại. Nguồn: USTH

Mỗi cơ sở GDĐH có ba chức năng chính gắn kết chặt chẽ với nhau, đó là đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo có tác động lớn tới chất lượng GDĐH thông qua ba yếu tố trực tiếp là giúp tăng cường cơ sở vật chất, nguồn thông tin và học liệu, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập (qua nghiên cứu, trải nghiệm) và một yếu tố gián tiếp là giúp nâng cao uy tín, thương hiệu và thứ hạng của cơ sở đào tạo và ngành đào tạo, qua đó thu hút được nhiều nguồn lực, giảng viên và sinh viên tài năng trong nước và quốc tế.

Ngược lại, các hoạt động đào tạo, nhất là ở các trình độ sau đại học giúp tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo của mỗi cơ sở GDĐH thông qua đội ngũ giảng viên hướng dẫn cùng lực lượng nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên.

Trong những năm qua, hệ thống cơ sở GDĐH đã chú trọng đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, khẳng định vai trò chủ chốt trong mạng lưới tổ chức KH&CN quốc gia.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học đóng góp 52,5% số cán bộ nghiên cứu và phát triển và 74,5% số cán bộ nghiên cứu và phát triển có trình độ tiến sĩ của cả nước.

Đối sánh với mạng lưới tổ chức KH&CN công lập (theo dự thảo Báo cáo quy hoạch của Bộ KH&CN), khối cơ sở GDĐH công lập có số nhân lực KH&CN (tính đội ngũ giảng viên) gấp 2,2 lần và số nhân lực KH&CN có trình độ tiến sĩ gấp 6,7 lần. Trong giai đoạn 10 năm từ 2013 đến 2022, số công bố khoa học của toàn quốc có trong danh mục Scopus tăng xấp xỉ 5 lần, trong đó các cơ sở GDĐH đóng góp khoảng 85%. Nhờ những thành tích nghiên cứu, ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Tuy nhiên, trong nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập do Bộ KH&CN chủ trì, các cơ sở GDĐH, cả công lập và tư thục, với tư cách là một tổ chức KH&CN, không nằm trong phạm vi, đối tượng quy hoạch. Vì vậy, Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm đã xác định rõ quan điểm phát triển mỗi cơ sở GDĐH là một tổ chức KH&CN, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH là nòng cốt của mạng lưới tổ chức KH&CN.

Được biết Dự thảo đang lấy ý kiến góp ý, xin ông cho biết, những ý kiến này quan tâm nhiều tới các nội dung nào?

Như đã đề cập trên đây, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm là một bài toán tối ưu nhiều mục tiêu, nhiều biến số và nhiều điều kiện ràng buộc, có tác động rất lớn tới phát triển hệ thống GDĐH trong toàn quốc và từng vùng, địa phương, vì vậy xây dựng quy hoạch mạng lưới là một nhiệm vụ lớn và khó, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bên liên quan.

Tính đến nay, Bộ GD&ĐT đã nhận được văn bản góp ý từ 12 bộ ngành, 44 địa phương và 65 cơ sở GDĐH, trường cao đẳng sư phạm. Bên cạnh đó, trong hơn hai tháng qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức sáu hội thảo, tọa đàm xin ý kiến và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia và đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDĐH và trường cao đẳng sư phạm. Ban soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và giải trình tất cả các ý kiến, trong đó chúng tôi đánh giá nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc, quý báu.

Có thể nói, những nội dung được quan tâm nhiều nhất bao gồm việc lựa chọn các cơ sở GDĐH trọng điểm; phương án sắp xếp, tái cấu trúc các trường đại học, cao đẳng sư phạm hoạt động kém hiệu quả, định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý cơ sở GDĐH; giải pháp huy động và bố trí các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, nhất là bố trí quỹ đất cho mở rộng không gian phát triển của các cơ sở GDDH tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề cập nhiều tới xu thế phát triển, tầm nhìn và vai trò, sứ mạng của các cơ sở GDĐH để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Đây cũng là những nội dung có tác động lớn, trực tiếp và lâu dài đối với sự phát triển của cả mạng lưới và từng cơ sở GDĐH, cơ sở đào tạo giáo viên.

Xin ông cho biết lộ trình thông qua và triển khai Quy hoạch. Ông kỳ vọng như thế nào về những tác động mà Quy hoạch có thể đem lại cho lĩnh vực giáo dục đại học nước ta?

Trong thời gian tới, hồ sơ Quy hoạch sẽ được tổ chức thẩm định, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, thời gian hoàn thành chậm nhất vào Quý 2 năm 2024 này. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch triển khai, bao gồm cả việc công bố quy hoạch, trình Thủ tướng ban hành làm căn cứ để các bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy hoạch. Nếu Dự thảo được thông qua và triển khai theo những nội dung quan trọng như đề xuất, bản Quy hoạch chắc chắn sẽ có những tác động lớn, nhiều mặt đối với hệ thống GDĐH nước ta như mục tiêu phát triển đã xác định trong Dự thảo.

Trước hết, các cơ sở GDĐH sẽ có cơ hội được tăng cường nguồn lực đầu tư để mở rộng không gian phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên, củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và từng bước mở rộng quy mô đào tạo. Khi từng cơ sở GDĐH hoạt động hiệu quả hơn, không còn cơ sở GDĐH không đạt chuẩn, đồng thời mạng lưới được sắp xếp hợp lý, phân loại rõ theo vai trò và sứ mạng, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội sẽ được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn theo các giải pháp về cơ chế, chính sách được đề xuất. Người dân ở mọi vùng miền sẽ được mở rộng cơ hội tiếp cận GDĐH có chất lượng, đó cũng là mục tiêu phát triển bền vững được xác định trong Dự thảo Quy hoạch.

Trên quan điểm lấy tự chủ đại học làm động lực thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh, mỗi cơ sở GDĐH sẽ phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình quản trị để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, đáp ứng các yêu cầu của chuẩn cơ sở GDĐH và gia tăng năng lực cạnh tranh, huy động các nguồn lực cho phát triển. Để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, mô hình quản lý nhà nước đối với các cơ sở GDĐH cũng sẽ phải tiếp tục đổi mới theo hướng giảm đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Trân trọng cảm ơn ông!