Việc tạo ra được một cơ sở dữ liệu tập trung về các tiêu chuẩn cơ sở được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước rà soát, đánh giá và chuyển đổi các tiêu chuẩn cơ sở thành tiêu chuẩn quốc gia một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Một cơ sở sản xuất mỳ chũ ở Bắc Giang. Ảnh: Mỹ Hạnh
Một cơ sở sản xuất mỳ chũ ở Bắc Giang. Ảnh: Mỹ Hạnh

Có cần phải quản lý?

“Các doanh nghiệp có sự khác nhau trong tiêu chuẩn, từ chỉ tiêu chất lượng cho đến các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, từ số lượng chỉ tiêu đến mức giới hạn của từng chỉ tiêu. Ví dụ, đối với độc tố vi nấm, có doanh nghiệp công bố hai chỉ tiêu nhưng có doanh nghiệp lại công bố năm chỉ tiêu. Hay đối với vi sinh vật, do các doanh nghiệp vận dụng các văn bản khác nhau của Bộ Y tế nên nhiều nơi công bố bảy chỉ tiêu nhưng có nơi lại chỉ công bố ba chỉ tiêu vi sinh”, ThS. Ngô Thị Vân (Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm, Công ty Cổ phần Dược phẩm QD-Meliphar), người tham gia cố vấn xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia cho bánh Trung thu, dẫn ra ví dụ về sự khác nhau giữa tiêu chuẩn cơ sở của các doanh nghiệp sản xuất trong một cuộc trò chuyện với Báo KH&PT vào năm 2020.

Với một số lượng tiêu chuẩn cơ sở rất lớn và khác nhau giữa các doanh nghiệp, “việc thay đổi thiết chế quản lý liên quan đến tiêu chuẩn cơ sở cũng sẽ là một thay đổi lớn và đặt ra cho chúng ta câu hỏi: tại sao lại cần phải đưa vào khung pháp lý?”, ông Nguyễn Hoài Nam - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đặt ra câu hỏi tại hội thảo góp ý hồ sơ xây dựng dự thảo Luật do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức vào tháng 10 năm ngoái.

Về bản chất, theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) được xây dựng và chỉ áp dụng trong giới hạn phạm vi hoạt động của tổ chức công bố TCCS, do đó không phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn “quy định này đã làm phát sinh một số trường hợp lách luật khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố TCCS (theo quy định pháp luật chỉ được áp dụng giới hạn trong phạm vi của cơ quan nhà nước đó, nhưng thực tế lại áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc), gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, theo phân tích trong tờ trình dự thảo luật sửa đổi, bổ sung.

Chẳng hạn, theo phản ánh của VietQ, thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định hoạt động thẻ ngân hàng phải thực hiện tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa tại Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 về công bố 10 tiêu chuẩn cơ sở. Như vậy, có thể thấy mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố 10 TCCS, tuy nhiên, lại được viện dẫn đến Thông tư số 19 - văn bản pháp luật bắt buộc áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động thẻ tại Việt Nam. Điều này trái với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn về phạm vi áp dụng của TCCS (chỉ áp dụng nội bộ trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng TCCS lại mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất của tiêu chuẩn là nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất chất lượng, “thậm chí còn có thể gây chết người”, theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp. “Quy định, cơ chế quản lý TCCS hiện nay rất mở, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tiêu chuẩn áp dụng thông qua hình thức ghi số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn, bao gói sản phẩm hàng hóa, hoặc trong các tài liệu giao dịch liên quan. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về TCCS; gây khó khăn, hạn chế trong công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới TCCS, ảnh hướng tới quyền lợi người tiêu dùng”, theo đánh giá trong tờ trình dự án.

“Thực tế có lẽ không có nước nào quản lý về tiêu chuẩn cơ sở, và Tổng cục TCĐLCL cũng như Bộ KH&CN cũng không quản lý tiêu chuẩn cơ sở. Song, hiện nay, chúng ta chưa nắm được số lượng và bản chất của các tiêu chuẩn cơ sở. Có những doanh nghiệp có tiêu chuẩn cơ sở tốt nhưng lại không được ghi nhận, vinh danh, và có nhiều doanh nghiệp ban hành tiêu chuẩn cơ sở mang tính chống đối thì lại chưa có chế tài nào để xử lý cả”, ông Hà Minh Hiệp cho biết. “Do đó, sau khi tham khảo một số nước, trước hết chúng tôi sẽ cố gắng để tập hợp, thống kê các tiêu chuẩn cơ sở”, ông Hà Minh Hiệp cho biết.

Hướng đến cơ sở dữ liệu


Nhằm giải quyết vấn đề trên, dự thảo Luật mới đã sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến việc xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở. Theo đó, các tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, công bố, thông báo tiêu chuẩn cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm đảm bảo các cơ quan nhà nước có đầy đủ cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp, phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra khi cần thiết của cơ quan nhà nước. “Đây là biện pháp không phát sinh thủ tục hành chính, tuy nhiên, quy định này sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Quy định này cũng đã được một số quốc gia áp dụng, chẳng hạn như Trung Quốc đã triển khai hệ thống thông tin để doanh nghiệp thông báo bằng phương thức điện tử tiêu chuẩn của doanh nghiệp tới cơ quan nhà nước”, theo phân tích trong tờ trình.

Góp ý về nội dung này, đại diện Bộ Công thương đề xuất, “Bộ KH&CN nên có một nội dung cứng về yêu cầu công bố các chỉ tiêu chất lượng trong đấy như thế nào, việc trình bày một tiêu chuẩn cơ sở ra sao, còn như bây giờ các doanh nghiệp không biết phải theo mẫu nào. Cần phải có một mẫu chuẩn để doanh nghiệp triển khai từ quá trình xây dựng, giải thích thuật ngữ, định nghĩa, các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp đánh giá, ghi nhãn, từ đó đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và không trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”. Trên cơ sở đấy, việc xây dựng được một cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn cơ sở sẽ trở nên dễ dàng hơn và từ đó cơ quan quản lý cũng hoàn toàn có thể nghiên cứu, chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đưa ra quy định về việc loại hàng hoá nào bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn và loại hàng hoá nào có thể tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn hiện không có tiêu chí rõ ràng, cũng không có danh mục để doanh nghiệp tiện tra cứu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng họ bị xử phạt do không biết rõ hàng hoá của mình thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật. Thêm vào đó, quy định này khiến nhiều doanh nghiệp thuê dịch vụ “làm tiêu chuẩn cơ sở” một cách đối phó. Các tiêu chuẩn này sau đó không được cung cấp cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng cũng không có thông tin để lựa chọn hàng hoá có chất lượng tốt hơn. “Đối với các doanh nghiệp thực sự muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thì họ sẽ tự nguyện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở với các nội dung yêu cầu cao và quảng bá tiêu chuẩn đó đến với khách hàng để khách hàng ưu tiên lựa chọn. Còn các doanh nghiệp thực hiện đối phó thì việc bắt buộc có tiêu chuẩn không mang lại ý nghĩa gì”, theo VCCI.

Do đó, góp ý về thủ tục hành chính mới liên quan đến việc thông báo tiêu chuẩn cơ sở trong dự thảo, VCCI cho rằng, về nguyên tắc, người tiêu dùng (bên mua) là người cần được tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ do mình mua, song, hiện chưa có quy định bảo đảm rằng người mua sẽ tiếp cận được thông tin này. Bởi vậy, từ góc nhìn của VCCI, “cần cân nhắc việc xã hội hoá thủ tục thông báo tiêu chuẩn cơ sở để tránh độc quyền về dịch vụ công. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể tự thực hiện hoặc uỷ quyền cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện thủ tục này. Bên cạnh đó, cần cho phép người mua hàng hóa, dịch vụ được tiếp cận với các thông tin về tiêu chuẩn áp dụng để từ đó làm căn cứ đánh giá, lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt hơn”.