Hiện số nguồn phóng xạ (NPX) không sử dụng hoặc không được phép sử dụng, cần lưu giữ tạm thời ở Việt Nam lên tới gần 3.000 trên tổng số hơn 5.000 NPX kín. Đây không chỉ là gánh nặng của chủ cơ sở NPX mà còn là nỗi lo canh cánh của cơ quan quản lý.

Trong khi đó, kế hoạch xây dựng kho lưu giữ, quản lý tập trung của quốc gia, vì nhiều lý do, chưa thể thực hiện ngay được.

Đa dạng hành vi vi phạm

Ông Trương Hồng Dương - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN dẫn số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, có 589 cơ sở có NPX và 291 cơ sở X-quang thuộc 56/63 tỉnh/thành phố được thanh tra chuyên đề an toàn bức xạ theo Công văn số 1103/BKHCN-Ttra ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Trong đó, số cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính là 84 (bao gồm 58 cơ sở quản lý và sử dụng NPX, 26 cơ sở X-quang), tương đương 9,55%.

Theo ông Dương, các hành vi vi phạm về quản lý an toàn đối với NPX rất đa dạng như không khai báo cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; không lập, lưu hồ sơ an toàn bức xạ; thiếu chứng chỉ nhân viên bức xạ, chứng chỉ đào tạo an toàn bức xạ; thiếu kiểm soát liều chiếu xạ; thiếu chỉ dẫn an toàn, an ninh, cảnh báo bức xạ, nội quy ATBX; không bố trí người phụ trách ATBX của đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị không tổ chức khám sức khoẻ cho nhân viên bức xạ định kỳ, không kiểm định khu vực làm việc, không thực hiện báo cáo định kỳ hằng năm về thực trạng an toàn tiến hành công việc, không lập kế hoạch ứng phó sự cố, không tiến hành kiểm đếm nguồn phóng xạ… và hàng loạt vi phạm khác nữa.

TS Dương Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN - thừa nhận: “Thực tế thanh tra cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về an toàn bức xạ của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu còn chưa cao, nhận thức pháp luật còn hạn chế nhưng chưa có biện pháp thích hợp để quản lý, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời.”

Sản xuất đồng vị phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Hùng cũng dẫn ví dụ, trong quá trình thanh tra đã gặp nhiều trường hợp không có giấy phép sử dụng NPX. Lẽ ra, các nguồn không phép sẽ bị niêm phong và di dời về kho để quản lý. Nhưng do không có kho thì chỉ còn cách niêm phong và lưu giữ ngay tại đơn vị sở hữu NPX hoặc phối hợp, đôn đốc các đơn vị xúc tiến các hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh nguồn.

“Dù đoàn thanh tra thấy nhiều nguồn phóng xạ có nguy cơ lớn về mất an ninh an toàn, nhưng chỉ dừng ở mức kiến nghị lên Sở KH&CN, UBND thành phố, UBND tỉnh phối hợp quản lý. Các kiến nghị này được thực hiện như thế nào cũng khó theo dõi. Nếu tiếp tục theo dõi thì mất nhiều công sức, nhưng bỏ quên thì nguy cơ mất an toàn cao. Chúng tôi đi thanh tra cũng không xử lý cương quyết được vì điểm cuối – lưu giữ nguồn chưa có nên khó mạnh tay với các đơn vị vi phạm” – TS Hùng nhấn mạnh.

Bởi vậy, ông Hùng cho rằng, nếu có kho lưu giữ nguồn phóng xạ của quốc gia, chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động hơn thay vì chỉ khuyến cáo, đề nghị như hiện nay đối với các trường hợp vi phạm.


Phương án trước mắt

Hiện nay cả nước có khoảng 600 cơ sở sử dụng, lưu giữ tạm thời các NPX, với tổng số hơn 5.000 NPX kín, trong đó có trên 2.000 NPX đang được sử dụng, gần 3.000 NPX đang được lưu giữ tạm thời.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chia sẻ, trong quá trình quản lý, nỗi lo lớn nhất là mất nguồn phóng xạ. Bởi thực tế khi xảy ra phải huy động nhiều lực lượng chức năng vào cuộc và xử lý rất tốn kém.

Bằng chứng là vụ mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy luyện phôi thép – Chi nhánh Công ty Cổ phần thép Pomina, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2015, hay vụ mất nguồn phóng xạ tại Công ty Cổ phần xi-măng Bắc Kạn DATC năm 2016… đã làm đau đầu cơ quan quản lý và hàng loạt các cơ quan liên quan đã phải vào cuộc tìm kiếm. Đặc biệt, việc để mất nguồn phóng xạ còn gây không ít hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Trước thực tế này, TS Dương Quốc Hùng cho rằng, bên cạnh việc xử lý hành chính thì việc triển khai xây dựng kho lưu giữ nguồn của quốc gia là rất cần thiết. Khi đó, với những trường hợp vi phạm, thấy mất an toàn, an ninh nguồn thì hoàn toàn có thể đưa về kho lưu giữ.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, việc xây kho chưa thể triển khai ngay bởi nhiều lý do. “Việc xây dựng kho quốc gia đã được các cơ quan liên quan bàn nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và cơ sở pháp lý để xây dựng kho quốc gia chưa được đầy đủ và chắc chắn. Chính phủ chưa đưa việc xây kho vào kế hoạch, kinh phí cũng không nhỏ nên cần thêm thời gian” – ông Hùng cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Hùng, hiện Bộ KH&CN đang chỉ đạo các đơn vị sử dụng những nguồn lực hiện có của các đơn vị trực thuộc Bộ như Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hay Viện Kỹ thuật hạt nhân. Theo đó, đối với các đơn vị khu vực phía Nam, khi có nguồn phóng xạ có nguy cơ mất an ninh lớn, cần lưu giữ có thể đưa về kho của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, còn các đơn vị phía Bắc có thể đưa đến Viện Kỹ thuật hạt nhân.

“Phương án trước mắt là như vậy nhưng chúng tôi vẫn phải chờ có văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, để triển khai, phương án kinh phí thu chi ra sao cũng cần được xây dựng và có sự đồng thuận của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp” – ông Hùng cho biết.