Trong khi nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT rất lớn, chỉ khoảng 28% sinh viên CNTT ra trường đạt yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo bổ sung trong thời gian ít nhất 3 tháng.

Bất cập của “học trước làm sau”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có khoảng 235 trường đại học, trong đó có 50 trường đào tạo CNTT, hằng năm có khoảng 50.000 sinh viên ra trường. Dự báo của Vietnamworks tới năm 2020, Việt Nam có thể thiếu đến 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng tới 78.000 lao động.

Nhưng nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực CNTT lại chưa được đáp ứng bởi các chương trình đào tạo tại các trường đại học. Tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” do Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT vừa phối hợp tổ chức, ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho biết, hiện chỉ khoảng 28% sinh viên CNTT ra trường đạt yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo bổ sung trong thời gian ít nhất 3 tháng.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT&TT tham quan gian hàng. Ảnh: Khánh Hồng

Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng do “cung cách đào tạo của chúng ta là học trước rồi làm sau, không biết thì học thầy, học sách giáo khoa là chính, thầy dạy trò nghe, nghe theo là quan trọng, học thuộc là quan trọng, học cách giải quyết vấn đề là chính, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít, đào tạo dài hạn là chính”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hùng Trần - CEO GotIt - cho rằng có 3 nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất là do kiến thức nền tảng của sinh viên Việt Nam chưa chắc. “Nếu so sánh giữa kỹ sư CNTT Việt Nam và kỹ sư Mỹ, có thể thấy kiến thức nền tảng của các kỹ sư Mỹ rất chắc chắn. Trong thế giới công nghệ ngày nay, mọi thứ thay đổi từng ngày, không ai có thể học một thứ mà có thể dùng mãi mãi, nhưng tất cả công nghệ đều dựa trên một khối kiến thức nền tảng. Vì vậy, các bạn sinh viên cần phải hiểu học không phải để thi mà học để hiểu, để làm được, khi đó kiến thức mới là nền tảng để các bạn đi xa”.

Nguyên nhân thứ hai là khả năng tiếng Anh. Hiện khả năng tiếng Anh của nhiều sinh viên Việt Nam không tốt, chưa sẵn sàng làm việc với đồng nghiệp quốc tế. “Trong thế giới công nghệ không có biên giới, chính vì thế các bạn buộc phải trở thành công dân toàn cầu, buộc phải sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp,” CEO của GotIT nói.

Nguyên nhân thứ ba là kỹ năng mềm. Thường ở trường hiện nay , sinh viên vẫn chỉ tập trung vào học chuyên môn mà chưa học các môn kỹ năng mềm, cần thiết cho việc hợp tác với đồng nghiệp của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Tiếp cận thị trường với tinh thần phục vụ

Để giải quyết những bất cập nêu trên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chương trình đào tạo của các trường phải tiếp cận thị trường với tinh thần phục vụ chứ nếu chỉ đưa ra những gì mình có thì sẽ khó thành công. Các trường cần thiết kế chương trình đào tạo suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, “nhúng” sinh viên vào các doanh nghiệp CNTT – như trường Y với bệnh viện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất.

“Nếu các trường cứ tư duy đi xin, doanh nghiệp tư duy đi cho sẽ không bền. Các trường cần quyết liệt đổi mới, tạo ra những đột phá từ trường, khoa, thầy cô, nhóm sinh viên” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư nguồn tài nguyên này.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là làm sao kết nối được thông tin giữa doanh nghiệp và nhà trường? Ông Nguyễn Đình Thăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm thông tin Việt Nam - cho rằng mỗi trường cần có một trung tâm kết nối với doanh nghiệp, đồng thời cũng là trung tâm tư vấn khởi nghiệp sáng tạo,nơi giảng viên cùng sinh viên và doanh nghiệp ngồi lại với nhau. Doanh nghiệp sẽ trình bày nhu cầu để nhà trường nắm bắt, đồng thời tham gia thẩm định những sáng kiến, những đề tài nghiên cứu của trường có tính thực tiễn hay không.

Ngoài ra, “chúng ta cần có những tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học. Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và là một động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.