Trong khi các trường đại học, các doanh nghiệp đang khát nhân lực có trình độ cao thì lượng sinh viên đăng ký học sau đại học lại giảm đáng kể, ngay cả ở những ngôi trường hàng đầu.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay chiếm 27%, chỉ bằng một nửa so với tỉ lệ trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Do vậy, nhu cầu nhân lực có trình độ sau đại học ở các trường đại học ở Việt Nam đang rất lớn.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM (ĐHBK TPHCM), cho biết tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học” diễn ra cuối tuần trước ở Hà Nội: “Hơn 50% giảng viên của ĐHBK TPHCM có trình độ tiến sĩ – mức tương đối cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam nhưng để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chúng tôi vẫn cần rất nhiều nhân lực có trình độ sau đại học”.

Là trường đại học có tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cao nhất trong cả nước với 67%, nhưng PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), cho biết trường vẫn muốn nâng tỷ lệ này lên 80% vào năm 2025.

Tương tự với các trường đại học, các doanh nghiệp cũng đang khát nhân lực chất lượng cao. TS Trần Việt Hùng, CEO Got It, Silicon Valley, cho biết công ty của anh chủ yếu tuyển người có trình độ sau đại học. Và mặc dù “mức lương dành cho trình độ thạc sĩ gấp đôi so với trình độ đại học”, việc tuyển dụng không hề dễ dàng.

TS Mai Hồng Anh, Giám đốc Mobifone R&D Center, cũng chia sẻ: “Các ứng viên nộp đơn vào rất nhiều, nhưng chủ yếu là khối ngành kinh tế, tài chính; ngành kỹ thuật rất ít, đặc biệt công nghệ thông tin còn ít hơn nữa”.

Nhu cầu đầu ra lớn, đãi ngộ tốt – tưởng chừng đây sẽ là các điều kiện vô cùng hấp dẫn để thúc đấy sinh viên theo đuổi các chương trình sau đại học, nhưng thực tế không diễn ra như vậy.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, các trường thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kĩ thuật, công nghệ ngày càng khó tuyển sinh sau đại học. Chẳng hạn, với ĐHBKHN, năm 2011 là thời kỳ “đỉnh cao” của trường về tuyển sinh cao học khi tuyển được hơn 2.000 học viên/năm. Tuy nhiên, con số này giảm dần qua các năm, tới năm 2018, chỉ còn hơn 500 học viên/năm.
Cùng chung cảnh ngộ là ĐHBK TPHCM. Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, từ chỗ tuyển được trung bình từ 1.300-1.400 học viên/năm trước đây, hiện trường chỉ còn tuyển được hơn 600 học viên/năm.

Áp lực cơm áo gạo tiền

Thực trạng này không phải do sinh viên không muốn học tiếp lên cao học hoặc làm nghiên cứu sinh. Theo PGS. Mai Thanh Phong, “Phần lớn sinh viên giỏi đều muốn đi đào tạo ở nước ngoài”. Bên cạnh sự chênh lệch về chất lượng đào tạo giữa trong và ngoài nước, tiền bạc là một trong những nguyên nhân chính khiến ít sinh viên muốn đăng ký các chương trình đào tạo sau đại học ở trong nước.

“Đứng giữa lựa chọn kiếm tiền trang trải cuộc sống, giúp đỡ gia đình hay đầu tư thêm mấy năm vừa phải dành toàn bộ thời gian làm nghiên cứu, vừa phải trả thêm học phí, rõ ràng sinh viên không thể chọn học ở các trường trong nước nếu không được hỗ trợ gì”, PGS Sơn nhận định. “Nhiều trường đại học ở nước ngoài đến tuyển sinh, mặc dù có ranking thấp hơn Bách khoa nhưng họ có nhiều chính sách ưu đãi, nên vẫn thu hút được nhiều sinh viên theo học. Các em vừa có tiền trang trải nghiên cứu, sinh hoạt, lại vừa được trải nghiệm môi trường nước ngoài.”

Quỳnh Anh, sinh viên nữ mới tốt nghiệp ĐHBKHN, bày tỏ nghi ngờ, “tại sao bọn em phải lựa chọn học tiếp thay vì đi làm” khi “trong quá trình đi làm thực tế ở doanh nghiệp, em tích lũy được nhiều kiến thức, tiền lương cũng dần tăng lên, ở mức tương tự so với sau khi học xong thạc sĩ và tiến sĩ?”

Tuy nhiên, GS Vũ Hà Văn, Đại học Tổng hợp Yale, Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu dữ liệu lớn thuộc Vingroup, cho rằng: “Nếu tính đến tương lai trong vòng 3 năm thì hai lựa chọn như nhau, nhưng nếu tính xa hơn, từ 5-10 năm thì đầu tư học sau đại học chắc chắn sẽ trả lại nhiều hơn.”

TS Trần Việt Hùng – từng có kinh nghiệm làm nghiên cứu sinh, lại là người làm kinh doanh, cũng đồng tình với quan điểm này và bổ sung thêm: “Học sau đại học có nhiều lợi ích khác chưa nhìn thấy ngay, vừa giúp mình xây dựng nền tảng tốt và sâu, vừa tạo ra mạng lưới với các chuyên gia – đây là các yếu tố sẽ giúp mình tiến xa hơn rất nhiều”.

Thay đổi tư duy đào tạo

Để các chương trình đào tạo sau đại học ở trong nước lôi cuốn hơn, PGS Mai Thanh Phong cho rằng, trước hết, bản thân các trường phải thay đổi tư duy đào tạo. “Chúng ta thiết kế chương trình đào tạo sau đại học vẫn theo lối mòn, từ bậc đại học nâng lên sau đại học, chương trình đại học có cái gì thì sau đại học sẽ có cái đó”, ông bình luận, “các chương trình chưa linh động theo nhu cầu luôn biến đổi của thị trường”.

PGS Hoàng Minh Sơn chia chia sẻ: “Chúng tôi cũng phải đổi mới vì vẫn có nhiều chương trình thiết kế theo kiểu chủ yếu học lý thuyết, thời gian trải nghiệm nghiên cứu ít nên các em nhanh chán”.

Bên cạnh sự chủ động từ phía các trường đại học, PGS Phong cho rằng cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp bởi “học viên cao học, nghiên cứu sinh hiện nay ở Việt Nam đều phải đóng học phí cao hơn đại học, trong khi chúng ta vẫn chưa có cơ chế trả lương cho học viên làm nghiên cứu”.

Đại diện các doanh nghiệp cho biết, họ luôn sẵn sàng hỗ trợ việc đào tạo nhân lực trình độ sau đại học. Theo TS Mai Hồng Anh, Mobifone có một quỹ đầu tư khoa học và công nghệ rất lớn, mỗi năm Mobifone trích từ 3-10% lợi nhuận cho quỹ này, tính đến nay đã có khoảng 1.000 tỷ nhưng chưa thể sử dụng để đầu tư hợp tác với trường đại học và viện nghiên cứu. Nguyên nhân là bởi “vẫn chưa có cơ chế rõ ràng trong việc sử dụng ngân sách của quỹ để hợp tác với các trường đại học”.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Bộ KH&CN cho biết trong Nghị quyết 01 được ban hành vào đầu năm 2019, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ KH&CN kết hợp với Bộ Tài chính tiếp tục làm rõ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc sử dụng ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Khác với các doanh nghiệp nhà nước, dường như các doanh nghiệp tư nhân như Mobifone dễ dàng sử dụng kinh phí để đầu tư và hợp tác đào tạo với các trường đại học hơn. Ngay tại buổi tọa đàm, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã công bố “Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước” cho học viên cao học, nghiên cứu sinh trong nước, bao gồm hai loại: học bổng hỗ trợ học tập (từ 120 triệu – 150 triệu/học viên/năm), được trao ngay sau khi ký hợp đồng tài trợ. Thứ hai là học bổng hỗ trợ công bố quốc tế, bao gồm chi phí đăng ký, đi lại và ăn ở của học viên đăng ký tham dự, báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế. Từ nay đến năm, 2030, dự kiến mỗi năm VINIF sẽ hỗ trợ 100 suất học bổng như vậy.