Tiến sĩ Mai Nguyễn – cựu giảng viên Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM gửi một tin nhắn cảm thán: “Lần đầu tiên, một người con xa xứ thấy có chút may mắn khi phải khởi nghiệp ở quê… người ta”. KH&PT ghi lại một đoạn tâm sự, cũng là so sánh cách hỗ trợ doanh nghiệp địa phương rất đáng quan tâm.

TS Mai Nguyễn (trái) và sinh viên ĐH Quốc tế khi còn ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.
TS Mai Nguyễn (trái) và sinh viên ĐH Quốc tế khi còn ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Không thờ ơ với giá trị bản địa

Chị Mai bảo: “Mấy hôm nay bận rộn ở hội chợ, mà vẫn không thể không đọc câu chuyện nước mắm truyền thống lan truyền khắp các trang mạng và Facebook bạn bè. Cám cảnh các công ty sản xuất nước mắm truyền thống (chân chính) trong cuộc o ép từ đại gia cá mập, lại thấy mình may mắn khi khởi nghiệp ở Mỹ.

Hội chợ tụi mình tham gia là Home and Garden Show – triển lãm các sản phẩm cho gia đình và vườn tược, một trong những hội chợ lớn nhất trong năm ở Pittsburgh. Pittsburgh là thành phố lớn thứ 2 của Pennsylvania nhưng dân số cũng chỉ có 300 ngàn người. Vậy mà trong 10 ngày hội chợ, tụi mình luôn bận rộn tíu tít với khách nếm thử loại rượu vang mới của tụi mình, mua rượu và trò chuyện. Ước tính phải có hơn 1500 người ghé vào gian hàng của tụi mình (hội chợ có khoảng 3500 gian hàng). Câu chuyện giữa khách hàng và nhà sản xuất rôm rả về hương - vị của rượu, còn là những ngạc nhiên xuýt xoa thú vị khi biết tụi mình là nhà sản xuất của địa phương.

Nhiều người chia sẻ, họ rất vui khi mua những sản phẩm địa phương. Khi rời khỏi gian hàng, hầu hết đều nói “Thank for your service” (cách chơi chữ: vừa là cảm ơn, vừa là lời đề tặng các cựu quân nhân), vì đồng sáng lập của mình là cựu quân nhân. Hai thông điệp mà tụi mình gửi đến khách hàng là “local” và “veteran owned business” vì ở đây, mọi người thích dùng sản phẩm địa phương, và kính trọng quân nhân. Thực sự bán hàng mà còn được trò chuyện như với bạn bè về nghệ thuật ẩm thực rất tuyệt.

Người Mỹ thích các sản phẩm sản xuất theo cách truyền thống, ở Pittsburgh còn có một nhóm người (Amish) từ chối công nghệ, thậm chí không dùng điện. Họ tự trồng trọt, chăn nuôi cho tất cả các thực phẩm mà họ sử dụng và mang bán, họ di chuyển bằng ngựa chứ không dùng xe hơi. Đối diện gian hàng của tụi mình là gian hàng của một người Amish như vậy, họ sản xuất các đồ nội thất hoàn toàn bằng tay với các công cụ thủ công. Những sản phẩm tuyệt đẹp, rất trau chuốt và thu hút rất nhiều quan tâm.

Hiệp hội: dấn thân cho người sản xuất nhỏ

Tụi mình tham gia một hiệp hội là “Farm to Table” (tạm dịch: từ nông trại tới bàn ăn), nhờ đó mà phí tham gia hội chợ chỉ còn 1/3 so với chi phí bình thường. Hội viên của “Farm to Table” là những người nông dân và sản xuất nhỏ, tự trồng và sản xuất sản phẩm, bao trọn chuỗi cung ứng “Farm to Table” - từ đồng ruộng đến bàn ăn của gia đình. Với qui mô sản xuất nhỏ, đương nhiên chi phí cao hơn, ví dụ một chai mật ong có giá bán gấp 3 lần so với sản phẩm cùng dung tích bán ở siêu thị, nhưng mọi người vẫn mua rất hào hứng.

Hiệp hội có vài gian hàng trong hội chợ, chỉ để truyền đạt thông điệp về “Farm to Table”, khuếch trương sản phẩm làm theo cách truyền thống. Thực sự với nhu cầu tiêu dùng khổng lồ ở Mỹ, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất truyền thống, hộ gia đình rất nhỏ, nhưng họ vẫn có thị trường, kênh phân phối riêng, và sống khỏe. Các đại gia sản xuất bán ở hệ thống siêu thị, hộ gia đình chủ yếu bán ở các farmer market (chợ phiên) diễn ra khắp nơi trong thành phố.

Chính quyền: làm đúng bổn phận

Chính quyền chủ yếu chỉ làm việc với doanh nghiệp qua 2 khâu: cấp phép và thuế.

Hầu hết các hoạt động đều cần giấy phép, đặc biệt liên quan đến sản xuất đồ uống có cồn. Khi tụi mình mở xưởng rượu, nhân viên chính quyền thành phố đến tận nơi xem xét xưởng có đạt yêu cầu an toàn cho sản xuất không. Xưởng rượu của tụi mình đặt dưới tầng hầm của một tòa nhà, không đầu tư gì nhiều về hình thức, nhưng đạt yêu cầu. Nhân viên chính phủ rất tận tâm, không có một chút gì gọi là sách nhiễu hay trịch thượng. Khi tham gia show này, tụi mình cũng phải có giấy phép, nhưng tất cả đều làm online, đóng phí online, rất thuận tiện
Khi tụi mình mở cửa hàng bán rượu, cũng có nhân viên chính phủ đến đánh giá, đo đạc, hướng dẫn làm cho đúng yêu cầu. Họ còn chủ động gọi điện thoại cho tụi mình khi cần thay đổi hay chỉnh sửa gì.

Ngoài chuyện kiểm tra thực tế, tất cả các giấy tờ thủ tục đều khai qua mạng, và giấy phép cũng nhận qua mạng/email.

Chuyện đóng thuế cũng thế, cứ mỗi 3 tháng phải khai báo doanh số để đóng sales tax (online), chậm trễ chút là có thư về tính tiền phạt ngay. Ai cũng sợ phạt nên lo mà đóng cho đúng hẹn.

Làm như trên có khó không nhỉ? À mà bên này, chả nghe ai nói đến công nghiệp 4.0 cả…