Hai nhà máy nhiệt điện than ở South Chungcheong (chungnam), tỉnh có công suất nhiệt điện than lớn nhất Hàn Quốc, sẽ bị buộc phải đóng cửa, như một trong những biện pháp mới của chính phủ nước này nhằm đối phó với tình hình ô nhiễm không khí.

Trong năm 2017, Hàn Quốc có tới ba thành phố nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Hàn Quốc cũng thuộc nhóm nước có nhiều người dân chết sớm vì siêu bụi (cứ 100.000 người thì có 23 người). Ngoài Seoul, ở các tỉnh khác của Hàn Quốc siêu bụi đến chủ yếu từ khu công nghiệp và các nhà máy điện than.

Jieon Lee, người điều phối tổ chức Friends of the Earth (tổ chức môi trường toàn cầu) của Hàn Quốc cho biết người dân Hàn Quốc đã bỏ ra 22 tỉ USD chỉ cho tiền mua khẩu trang chống bụi và máy lọc không khí. Ảnh: Korea Times.

Chungnam là tỉnh chiếm tới khoảng một nửa công suất nhiệt điện than của Hàn Quốc và cũng là tỉnh đã đi đầu trong chiến dịch đòi loại bỏ nhiệt điện than. Họ yêu cầu chính phủ cho đóng cửa trước thời hạn các nhà máy nhiệt điện than cũ và chuyển dịch từ điện than sang năng lượng sạch.

“Chúng ta đều biết rằng các nhà máy điện đốt than là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Đất nước chúng tôi có hơn 60 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, và Chungnam có 30 nhà máy trong đó 14 nhà máy đã có tuổi thọ trên 25 năm. Chúng tôi là nạn nhân chính đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí,” Thống đốc tỉnh Chungnam Seung-Jo Yang nói.

“Hiện nay điều này có nghĩa là chúng tôi không thể trì hoãn sự chuyển dịch năng lượng từ than sang năng lượng sạch cũng như đóng cửa sớm các nhà máy nhiệt điện than.”

Kể từ khi nhậm chức, Thống đốc Yang đã nỗ lực loại bỏ nhiệt điện than. Là một phần của “Kế hoạch tầm nhìn năng lượng 2050”, tỉnh Chungnam đã cam kết sử dụng tất cả các đòn bẩy chính sách và luật pháp theo thẩm quyền để đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than. Tỉnh này đã tuyên bố họ sẽ cho ngừng hoạt động 14 nhà máy nhiệt điện than cho đến năm 2026; nâng công suất điện tái tạo từ 7,7% lên 47,5%; giảm tiêu thụ năng lượng; và giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí. Chungnam cũng cam kết về một sự chuyển dịch công bằng cho lực lượng lao động và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

“Mỗi quốc gia nên tránh xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và nỗ lực để đóng cửa sớm các nhà máy đang hoạt động càng sớm càng tốt nhằm đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu đã được toàn thế giới nhất trí. Chungnam đã tuyên bố một 'Cuộc khủng hoảng khí hậu' lần đầu tiên với tư cách là một phần của chính phủ ở Đông Á,” Thống đốc Yang nói. “Không còn nhiều thời gian để tránh những hậu quả tàn khốc của việc không hành động chống biến đổi khí hậu, điều mà chúng ta nên lưu tâm và là lý do của việc tại sao chúng ta cần hành động ngay.”

Chungnam có 30 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động trong tổng số 60 nhà máy trên toàn quốc. 30 nhà máy này có tổng công suất 18 GW, gấp đôi công suất phát nhiệt điện than của Canada.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố sẽ giảm tỉ lệ điện than trên tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc trong tương lai, tuy nhiên Hàn Quốc mới chỉ đóng cửa các nhà máy điện than cũ, tiêu chuẩn lỗi thời (dự kiến sẽ đóng cửa 10 nhà máy đến năm 2022) nhưng vẫn cấp phép xây dựng 7 nhà máy mới với công suất gấp đôi 10 cái đã đóng cửa, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020 - 2022.

Nguồn:

chungnam.net, Media Climate Net, Tia Sáng