20 năm trước, Nhật Bản có 5 trường đại học trong top 100 thế giới trên xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải, dẫn đầu là Đại học Tokyo xếp thứ 19, và Đại học Kyoto xếp thứ 30. Nhưng giờ đây, hai trường này đều tụt hạng và ba trường còn lại rớt khỏi top 100.

Cụ thể, năm 2023, Đại học Tokyo xuống thứ 27 và Kyoto xuống thứ 39, mặc dù Nhật Bản đã nhiều lần nỗ lực giữ cho các trường đại học khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Đại học Tohoku. Nguồn ảnh: AP

Mới nhất, trong tháng 12/2023, nước này đã thông qua luật yêu cầu sáu trường đại học xếp hạng hàng đầu thiết lập các hội đồng cho phép các chuyên gia bên ngoài can dự nhiều hơn vào các quyết sách của trường. Masahito Moriyama - Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Nhật Bản, khẳng định biện pháp này sẽ giúp tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Nhưng có nhiều ý kiến lo ngại rằng các hội đồng sẽ chỉ làm cồng kềnh thêm bộ máy vốn đã quan liêu của các trường đại học và thúc các nhà khoa học phải tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu ứng dụng.

Bên cạnh việc tụt hạng trên các bảng xếp hạng đại học thế giới, từ đầu những năm 2000, Nhật Bản đã giảm từ thứ hai xuống thứ năm về số lượng bài báo được lập chỉ mục trong Web of Science, theo Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nhật Bản (NiSTEP). Nước này cũng đã giảm từ thứ năm xuống thứ 12 về số lượng bài báo trong top 1% được trích dẫn nhiều nhất, thua cả Tây Ban Nha và Iran.

Có một số lý do - Masatsura Igami, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại NiSTEP, chỉ ra. Nhưng nguyên nhân chính là chi tiêu cho nghiên cứu suy giảm. Đầu tư cho nghiên cứu của Nhật đã giảm từ 87 tỷ USD vào năm 2004 xuống còn 76 tỷ USD vào năm 2022, theo Hiệp hội Các trường đại học quốc gia Nhật Bản. Để bù lại, Chính phủ cho phép các trường đại học tăng học phí và thực hiện các hợp đồng nghiên cứu với doanh nghiệp.

Việc cắt giảm chi phí đã dẫn đến thiếu các vị trí việc làm cho nhà nghiên cứu trẻ. "Những công việc được trả lương thấp, không ổn định đã đẩy các nhà nghiên cứu trẻ tài năng ra khỏi lĩnh vực học thuật" - Robert Geller, nhà địa vật lý và giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, nói. Số lượng ghi danh vào các chương trình tiến sĩ ở Nhật đã giảm mạnh trong những nămgần đây.

Những diễn biến nêu trên hiện đang làm suy yếu những nỗ lựcđổi mới giáo dục đại học của chính phủ, một số nhà khoa học nói. Ví dụ, để đối phó với việc cắt giảm ngân sách, các trường đại học quốc gia đã tăng nhiệm vụ nghiên cứu lâm sàng đối với đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện của họ. Nhưng điều này cũng có nghĩa là họ có ít thời gian hơn cho nghiên cứu y sinh, theo một phân tích của bác sĩ-nhà khoa học Shotaro Kinoshita và Taishiro Kishimoto ở Trường Y, Đại học Keio, trên The Lancet. "Kết quả là sản lượng nghiên cứu giảm", Kinoshita nói.

Nguồn: