Học để thoát nghèo là ước vọng chính đáng nhưng nó sẽ không khả thi khi mọi trông đợi bị dồn lên vai cá nhân người học.

Trong một chương trình podcast khá nổi tiếng dành cho giới trẻ mới đây, người dẫn chương trình (MC) kể lại câu chuyện đến ở nhà dân trong lần tham gia một gameshow thực tế và có đưa tiền cho người dân ở ngôi làng nghèo đó đi chợ mua thịt. Kết quả là người dân dùng hết số tiền để mua năm cân thịt về kho, thay vì chỉ cần mua vài lạng cho hôm nay, số tiền còn lại để dành cho mấy ngày sau. Từ trải nghiệm này, MC rút ra kết luận rằng người nghèo thiếu tư duy “tích cốc phòng cơ” cũng như kỹ năng lên kế hoạch, và bởi “tư duy khác” như vậy, họ không tối ưu được nguồn lực, dẫn đến thiếu hụt nguồn lực cho giáo dục, thứ đang ngày càng đắt đỏ. Vì vậy MC đưa ra lời khuyên, người nghèo cần dựa vào nỗ lực cá nhân (tạm chưa bàn đến các cấu trúc xã hội vĩ mô) để thay đổi tư duy của mình, tập trung vào học tập, rồi dựa vào học vấn để di động xã hội tới các bậc cao hơn. Đó dường như là lối thoát duy nhất.

Xét về lịch sử, tư duy có bao nhiêu xài bấy nhiêu - được cho là nguyên nhân khiến người nghèo không thể thoát nghèo - trở thành một huyền thoại quen thuộc khi cắt nghĩa sự tồn tại dai dẳng của bất bình đẳng.

Nguồn gốc xa xưa của nó xuất hiện từ thế kỷ XVIII, chủ nghĩa thực dân cần khai hóa các vùng đất phi phương Tây, giúp người bản địa “thoát nghèo” bằng cách giáo dục họ từ bỏ văn hóa bản địa để trở thành con người thuần “kinh tế”: từ bỏ phong tục tôn trọng thiên nhiên để chuyển sang khai thác nó, chỉ giao dịch bằng tiền tệ mới có ý nghĩa, tri thức bản địa là đồ bỏ đi so với tri thức kiếm lời thực dụng,… Sống trong cảnh bị ăn cướp trắng trợn và tẩy não hằng ngày, người bản địa khốn cùng kiệt quệ hàng thế kỷ nhưng vẫn được nghe rao giảng về sự nghèo ấy là do tư duy của họ khác/không bắt kịp các ông chủ da trắng.

Khi chủ nghĩa thực dân dần biến mất, câu chuyện này lại nổi lên trong các công trình của nhà nhân học Oscar Lewis, người nghiên cứu về khu ổ chuột ở Mexico cuối thập niên 1950 và đưa ra khái niệm “văn hóa của kiếp nghèo”. Ông cho rằng văn hóa tập tục của người nghèo (chẳng hạn, kho một lúc năm cân thịt) là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo dai dẳng. Vì thứ văn hóa nội sinh, có tính di truyền và ăn sâu bám rễ này, bất kỳ chính sách vĩ mô nào cũng không cứu nổi người nghèo khỏi cái kiếp nghèo tiền định. Hệ quả là, văn hóa của kiếp nghèo, cái nếp tư duy trong đầu, sẽ trói chân người nghèo lại, không cho họ cơ hội tiếp cận giáo dục bậc cao. Từ ấy, vòng lặp đói nghèo sẽ thành vô hạn.

Nếu lập luận như vậy, cách giải quyết khá rõ ràng: chỉ cần giúp người nghèo nhận thức được nếp hành vi đang gây ảnh hưởng đến chính đời sống của bản thân họ và di truyền đến đời con cái. Sau cú nhảy về mặt tư duy ấy, họ sẽ tạo cơ hội cho con cái tiếp cận giáo dục bậc cao – thứ ngoài nhà trường cung cấp thì còn đang ngày càng “miễn phí” bởi sức mạnh chia sẻ thông tin của Internet. Một vài đứa trẻ có đủ khả năng học tập sẽ đỗ vào các đại học lớn, thoát khỏi kiếp nghèo, quay lại giúp đỡ những bạn cùng hoàn cảnh thoát khỏi cái thứ văn hóa tiền kiếp. Dần dần vấn đề xã hội được giải quyết. Đây cũng là ý tưởng được bàn tới trong podcast trên, từ MC và khách mời là nhà nghiên cứu giáo dục có tiếng.

Giải pháp này dựa trên ba giả định:

Một là, bất kỳ cái gì thuộc về văn hóa của người nghèo là sai lầm, dị biệt/khác trong thế so sánh với

hai là, giáo dục bậc cao, thứ luôn đúng đắn và mở đường để “di động” xã hội lên tầng cao hơn cho một số ít cá nhân đủ ý chí;

Ba là, tin rằng số ít thoát khỏi kiếp nghèo sẽ quay lại và tạo ra tác động tích cực để thay đổi hoàn cảnh bất bình đẳng chung.

Bài viết này, từ các lý thuyết xã hội học, sẽ chỉ ra tính đáng ngờ của ba giả định trên, từ đó ta phải đặt dấu hỏi cho kiểu tư duy: tạm thay đổi một vài cá nhân là giải pháp xã hội tốt cho việc dần tháo gỡ vòng lặp của bất bình đẳng giáo dục.

Thiết chế nhà trường có phải cánh cửa để đi lên?

Nhà xã hội học Pierre Bourdieu gọi giả định số hai là tư tưởng của nhà trường giải phóng, và từ quan điểm của ông, khó mà tồn tại loại trường này.

Năm 1960, qua dữ liệu khảo sát, Pierre Bourdieu cho thấy các học sinh có kết quả học tập tương tự nhau nhưng có nguồn gốc xã hội khác nhau thì sẽ đi tiếp con đường giáo dục không hề bình đẳng trong hệ thống giáo dục. Quy luật là nguồn gốc xuất thân của học sinh càng khiêm tốn và nền tảng văn hóa sẵn có càng yếu (do thiếu sự bồi đắp từ cha mẹ) thì sự nghiệp học tập càng ngắn.

Đi xa hơn, Bourdieu không cho rằng nhà trường là nơi giải phóng con người để con người có thể suy nghĩ tự do. Các hoạt động sư phạm của chủ nghĩa tư bản chỉ là hành vi tái sản xuất bất bình đẳng xã hội trong khuôn viên hợp pháp của nhà trường. Bởi người nắm giữ kiến thức (vốn văn hóa) đều xuất thân từ tầng lớp thống trị. Họ sản xuất tri thức, truyền bá tri thức một cách “tự nhiên” thông qua giáo dục nhà trường, từ đó mới duy trì được trật tự xã hội cao thấp như là một cái gì tất yếu trong nhận thức.

Người tiếp nhận kiến thức cũng phải tỏ vẻ mình tiếp thụ và chấp nhận các tri thức đó (dù nó có cong vênh so với vốn văn hóa sẵn có từ tầng lớp của họ) bởi họ khao khát bằng cấp, thứ đánh dấu họ có thể di động lên tầng lớp cao hơn trong xã hội. Bourdieu nhận xét: “Điều này đặc biệt rõ ràng ở các trường đại học, khi mà sinh viên sợ tiết lộ mức độ thiếu hiểu biết của mình, tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách tung ra cách nói mù mờ về khả năng đúng hay sai của vấn đề”. (Bourdieu và Passeron 1990).

Do đó, Bourdieu gọi nhà trường tư sản là “bạo lực biểu trưng”, thứ ép toàn thể người học phải tương thích với cái vốn văn hóa mà nhà trường rao giảng. Bất bình đẳng giáo dục sinh ra từ việc người học ở các giai cấp thấp khó mà thích nghi với vốn văn hóa của giai cấp cao được gài trong chương trình giáo dục. Thế nên, một vài thiểu số “học sinh nghèo vượt khó” là do ngẫu nhiên tương thích được với thứ vốn văn hóa xa lạ với mình chứ không phải do ý chí cá nhân khao khát vươn lên.

Nhiều hệ thống giáo dục ngầm ẩn sự bất bình đẳng xuất phát từ cấu trúc xã hội. Ảnh: INT
Nhiều hệ thống giáo dục ngầm ẩn sự bất bình đẳng xuất phát từ cấu trúc xã hội. Ảnh: INT

Phản bác lại Bourdieu, nhà xã hội học Raymond Boudon (1973) cho rằng khao khát vươn lên vẫn là yếu tố góp phần cho di động xã hội bằng việc học tập. Khao khát vươn lên được tính là khoảng cách từ hoàn cảnh hiện tại đến hoàn cảnh mong đợi. Vì thế, con cái của giai cấp công nhân thường có khao khát vươn lên lớn hơn bạn đồng lứa từ giai cấp trung lưu, và nếu hiện thực hóa được cái khao khát ấy, thành công của những đứa trẻ nhà công nhân sẽ vượt trội hơn cả.

Tuy vậy, Boudon vẫn chỉ ra mối quan hệ ràng buộc giữa khao khát cá nhân ấy với cấu trúc xã hội của gia đình, phụ thuộc vào ba yếu tố: chi phí học tập, rủi ro không đạt được bằng cấp mong muốn, đối tượng mà gia đình đó tham chiếu vào.

Xa hơn, từ các thống kê xã hội tại Pháp, Boudon đặt câu hỏi: tại sao thế hệ con cái có bằng cấp cao hơn bố mẹ mà mức dịch chuyển xã hội dù có, vẫn là không đáng kể? Điểm quan trọng của Boudon là dù cá nhân lựa chọn có tính toán nhưng tính toán không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong muốn, nhất là trong bối cảnh cấu trúc vĩ mô của các tầng lớp biến động mạnh và liên tục.

Đó là do sự không tương thích giữa cấu trúc trường học và cấu trúc xã hội. Boudon cho rằng nhu cầu học tập tăng lên do mỗi cá nhân đều muốn học cao hơn (khi ai cũng có bằng cử nhân thì mọi người sẽ đua nhau học thạc sĩ) để có được địa vị/thu nhập cao hơn. Nhưng lượng bằng cấp có thể tăng lên liên tục còn địa vị, vị trí cho thu nhập cao lại hữu hạn, đôi khi còn giảm do suy thoái kinh tế. Chính cuộc chạy đua bằng ý chí của các cá nhân rời rạc lại tạo ra điểm nghẽn chung toàn xã hội, khi có quá nhiều ứng viên cố vượt ra khung cửa hẹp của tầng bậc xã hội. Nghịch lý này dẫn đến việc số “cá chép hóa rồng” bằng đường học tập sẽ ngày một ít - nói cách khác là sự bình đẳng trong giáo dục vẫn bị bóp nghẹt mỗi ngày - hoặc có di động lên cao thì cũng không cao hơn bố mẹ là bao.

Ngay cả khi đổi đời rồi, họ vẫn bị mắc ở những thang trung bình thấp, khó lòng quay lại giúp đỡ một cách có hệ thống những đứa trẻ cùng hoàn cảnh. Và trong trường hợp tích cực nhất, người đổi đời gia nhập được tầng lớp cao, trở thành một phần của giai cấp thống trị, khi quay lại “giúp đỡ”, họ có khả năng duy trì bất bình đẳng thông qua “biểu trưng” giáo dục như cảnh báo của Bourdieu.

Luận điểm trên của Boudon còn cho thấy sự đan bện vào nhau giữa ý chí cá nhân và cấu trúc xã hội chặt chẽ tới mức việc tạm cô lập cấu trúc xã hội để xét riêng nỗ lực của người học (như podcast trên đề cập) là một ý tưởng bất khả thi trong cuộc tìm kiếm giải pháp cho bất bình đẳng giáo dục.

Giáo dục về ‘cái khác’

Paulo Freire, tác giả cuốn “Nền sư phạm của những người bị áp bức”, cho rằng giáo dục không bao giờ trung tính. Chủ nghĩa tư bản, bằng cách dựng lên huyền thoại rằng sư phạm là trung tính, không liên đới gì đến cấu trúc xã hội, đã biến giáo dục thành công cụ “công bằng” nhằm che đậy tình trạng bất bình đẳng, từ đó bảo đảm vị thế cho người áp bức.

Trong bối cảnh sự phân tầng giàu nghèo có dấu hiệu tăng lên, việc thiết kế chính sách để duy trì và đảm bảo các khoảng cách trong giáo dục không quá lớn ngày càng trở nên cấp thiết. Ảnh minh họa: toquoc.vn
Trong bối cảnh sự phân tầng giàu nghèo có dấu hiệu tăng lên, việc thiết kế chính sách để duy trì và đảm bảo các khoảng cách trong giáo dục không quá lớn ngày càng trở nên cấp thiết. Ảnh minh họa: toquoc.vn

Freire (2000) nêu ra khái niệm “Giáo dục nhà băng” (banking model of education): nhà trường cố tình coi học sinh là chiếc thùng rỗng/tài khoản để giáo viên có thể rót/ký gửi vào đó những tri thức được cho là trung tính. Do đó, học sinh dần mất đi ý thức về sự bất bình đẳng trong cấu trúc của giáo dục, chỉ còn sự “vươn lên”.

Kiến thức giáo dục được phân ranh thành “cái đúng vậy” và “cái khác”, trong đó nhà trường dạy cái đúng vậy trong tư thế loại bỏ cái khác nhằm duy trì lợi thế của người áp bức. Giáo dục trở thành trò chơi leo thang, nơi học sinh phải học tư tưởng của giai cấp thống trị để leo thêm nấc thang xã hội, và loại bỏ những cái khác với những gì được dạy tại trường. Đến lượt mình, học sinh đó trở thành tấm gương để bạn đồng lứa ở tầng lớp thấp hơn noi theo. Những tấm gương đổi đời tiềm tàng trở thành trợ thủ vô hình và đắc lực cho công cuộc dán nhãn đâu là đúng, đâu là khác trong nền văn hóa của người áp bức.

Chính vì cung cách dạy và học chối bỏ và chạy thoát này, người học ở giai cấp thấp khó mà hiểu và nhìn nhận đúng về hoàn cảnh sống quanh mình, từ đó họ không có động lực để thay đổi cộng đồng mình từ bên trong, một cách tôn trọng và bền vững. Số ít di động xã hội lên tầng lớp cao hơn và khi quay lại “giúp đỡ”, họ có xu hướng nhân danh giáo dục, cưỡng ép người cùng hoàn cảnh (đặc biệt là người bản địa, người yếu thế,…) tuân theo cái đúng vậy có được từ trường học. Như vậy, giáo dục kiểu tư sản cô lập, loại bỏ và làm biến chất văn hóa của các nhóm đa dạng trong xã hội, gắn mác nghèo đói/thiếu lý tính lên họ, và bằng cách này giúp các tầng lớp thống trị duy trì sức mạnh, đổ lỗi cho các giá trị văn hóa ‘khác’ là nguyên nhân cho sự nghèo, một chiến thuật xuyên suốt từ chủ nghĩa thực dân.

Ảo ảnh về số ít được thay đổi nhận thức, có địa vị xã hội, quay trở lại giúp cộng đồng nghèo khó đến đây hoàn toàn sụp đổ.

***

Các lập luận nêu trên đến từ giáo dục tư bản chủ nghĩa nhưng đáng để chúng ta tham khảo trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang toàn cầu hóa và thị trường hóa một cách đáng kể.

Trong một vài thập niên trước, khi tình trạng phân tầng giàu nghèo ở Việt Nam chưa đáng kể, các bậc thang xã hội vẫn còn khá gần nhau thì ẩn dụ “vươn lên” bằng giáo dục có nghĩa rất tích cực khi học vấn trở thành nấc thang chính đáng cho cá nhân muốn đạt được thành tựu sự nghiệp cao hơn hoàn cảnh bản thân. Nhưng khi sự phân tầng giàu nghèo có dấu hiệu tăng lên đến mức xã hội khó mà “bắc thang” được nữa, thì ẩn dụ “vượt thoát” trở nên đáng ngại khi ám chỉ sự chạy trốn và tranh đấu khốc liệt bằng học vấn.

Tránh đi ẩn dụ đó, việc đảm bảo cơ hội dành cho số đông vẫn được hệ thống trường công lập đảm bảo tốt. Hệ thống này phân bố đều khắp địa phương (trừ Hà Nội và TPHCM bị quá tải do dân số), được nhà nước trực tiếp tài trợ và điều hành, là điểm sáng của Việt Nam trong việc duy trì bình đẳng xã hội trong giáo dục. Tuy vậy, bức tranh trở nên đa dạng hơn khi hệ thống trường tư dần lan rộng tại các tỉnh, sự xâm nhập của các chương trình quốc tế tính học phí tương đương tiền đô, cũng như các dịch vụ học ngoài giờ xuyên quốc gia trở nên phổ thông hơn thì việc phân tầng trong giáo dục trở nên mạnh mẽ hơn.

Do đó, thiết kế chính sách để duy trì và đảm bảo các khoảng cách trong giáo dục không quá lớn càng trở nên cấp thiết, cần được thực hiện liên tục bằng tất cả nguồn lực có thể. Đừng bao giờ tạm gác lại không bàn đến vấn đề đó mà dồn trông đợi lên vai cá nhân người học. Thiết lập môi trường học tập bình đẳng để tư duy “học để thoát nghèo” - vươn lên bằng tri thức - trở nên chính đáng và khả thi là đích đến của nền kinh tế tri thức mà cả đất nước đang theo đuổi.




Tài liệu tham khảo

Boudon, R. (1973). L’inégalité des chances: la mobilité sociale dans les sociétés industrielles. Collection U.

Bourdieu, P., & Passeron, J. C. (1970). La reproduction éléments pour une théorie du système d’enseignement.

Freire, P. (2000). Pedagogy of the oppressed (30th anniversary ed.). Continuum.

Leacock, E. B. (1971) “Introduction.” Pp. 9-40 in The Culture of Poverty: A Critique, edited by Eleanor Burke Leacock. New York, NY: Simon and Schuster.