Thoạt đầu, thư viện chỉ có sách. Sau đó, có thêm máy tính và internet. Còn gần đây, thư viện có xu hướng tích hợp thêm Makerspace như một cách nhanh chóng và ít tốn kém để đáp ứng nhu cầu “học thông qua làm” của học sinh.

Chuyên gia giáo dục STEM của ĐH Công nghệ Sydney (Úc) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thăm Makerspace của trường Tiểu học Nam Tiến (huyện Nam Trực, Nam Định).

Chuyên gia giáo dục STEM của ĐH Công nghệ Sydney (Úc) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thăm Makerspace của trường Tiểu học Nam Tiến (huyện Nam Trực, Nam Định).

Một đặc điểm rất quan trọng của giáo dục STEM là học thông qua làm. Để tổ chức được việc học thông qua làm, người ta có nhiều giải pháp, một trong số đó là Makerspace.

Makerspace là gì? Có thể hiểu đơn giản, đó là Không gian Làm, giống như một xưởng STEM (hoặc lab STEM) với các trang thiết bị từ thô sơ tới hiện đại: dụng cụ mộc, cơ khí, điện, điện tử, robot, máy in 3D, máy khắc CNC...

Ngày nay, các thư viện trường học và thư viện công cộng ở Mỹ thường có các tài sản theo ba mục dưới đây: sách và tài liệu (Học thông qua sách); Trung tâm Đa phương tiện (Học qua internet); và Makerspace (Xưởng STEM) để học và chia sẻ kiến thức, kỹ năng qua thực làm.
Các Makerspace trở nên phổ biến là do nhu cầu học thông qua thực làm ngày càng tăng, thế nhưng làm một mình ở nhà thì dễ chán vì thiếu cộng đồng; chi phí mua thiết bị cũng tốn kém; hơn nữa, nhà thường không đủ rộng để làm xưởng. Có Makerspace dùng chung để cùng làm ra các sản phẩm như đồ chơi, quà tặng, lập trình cho robot sẽ vừa đỡ tốn kém mà lại còn được kết nối để giao lưu và học hỏi với nhiều cộng đồng khác nhau.

Thư viện là nơi sinh hoạt của cộng đồng tự học qua sách, qua internet; việc tích hợp thêm Makerspace làm cho bạn đọc thấy thư viện hấp dẫn hơn và tiện lợi hơn. Cách tổ chức thư viện 3 trong 1 như vậy chính là phương án tối ưu để tăng quy mô của cộng đồng bạn đọc trong nền kinh tế chia sẻ tri thức và tiện ích.

Điểm mặt một số Makerspace ở Hà Nội

Các Makerspace đầu tiên trong trường phổ thông ở Hà Nội đã ra đời cách đây 2 năm, vào năm học 2016-2017, khi tổ chức phi chính phủ FHI 360 tài trợ cho gần 20 trường THCS của thủ đô và các tỉnh học và giao lưu STEM với các trường phổ thông của Mỹ dưới sự hướng dẫn của TS Đặng Văn Sơn (Học viện Sáng tạo S3).

Sau khi được TS Đặng Văn Sơn tập huấn nhiều đợt về quy trình xây dựng, vận hành CLB STEM theo yêu cầu của dự án, các trường THCS công lập của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Bắc Từ Liêm và trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu đã tổ chức các CLB STEM dưới dạng Makerspace đơn giản, chủ yếu dùng vật liệu tái chế và vật liệu siêu thị như vỏ chai, giấy báo, ống hút, băng dính. Kết thúc các bài học STEM có nội dung giống nhau, các nhóm học sinh của 2 nước được yêu cầu dựng những đoạn phim dài 2-3 phút về quá trình hoàn thành sản phẩm của mình để chia sẻ cho nhau qua internet, tức học cách kết hợp Makerspace với Trung tâm Đa phương tiện theo lối đơn giản nhất.

Ngoài ra, một số trường tham gia dự án lại thử ghép Thư viện với CLB STEM, trong số đó có trường THCS Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình). Mặc dù thư viện trường này chưa được đặt tên là Makerspace nhưng thực tế CLB STEM học trên thư viện.

Trong năm học 2018-2019 vừa qua, một trường THCS lớn khác cũng ở quận Ba Đình đã tích hợp Makerspace vào thư viện để học sinh có thể sinh hoạt CLB STEM theo lịch. Được trang bị máy in 3D, máy khắc CNC cùng nhiều dụng cụ mộc, cơ khí, điện và điện tử, khi đến Makerspace này, học sinh có thể làm những ngôi nhà bằng gỗ đơn giản, sau đó lắp thêm các trang thiết bị để làm cho ngôi nhà trở thành thông minh, có thể điều khiển tự động...

Trong khi làm sản phẩm STEM ở Makerspace, nếu thiếu kiến thức hoặc muốn tìm hiểu rõ vấn đề, học sinh có thể vào thư viện lấy sách đọc hoặc lên mạng tra cứu nguồn tài liệu. Các em cũng có thể nêu vấn đề đang gặp phải trong khi làm để nhờ cộng đồng mạng cho lời khuyên hoặc chỉ dẫn tài liệu.

Với cách học như vậy, chất lượng tạm thời của sản phẩm chỉ là vấn đề nhỏ, điều quan trọng hơn là thông qua việc làm sản phẩm STEM cụ thể, học sinh rèn được kỹ năng, năng lực giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Nói về Makerspace trong các trường phổ thông thì phải kể đến FabLab Bách khoa – Tạ Quang Bửu thuộc trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu và CLB GART 6520 của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Hai Makerspace này được đầu tư bài bản và đều có điểm nhấn là kết nối với cộng đồng quốc tế theo hệ thống riêng với các kho dữ liệu, sân chơi, cuộc thi riêng.

Trong khi FabLab Bách khoa – Tạ Quang Bửu thuộc mạng lưới FabLab Toàn cầu thì Câu lạc bộ robot GART 6520 của THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam thuộc hệ thống các câu lạc bộ tham gia cuộc thi chế tạo robot vào loại lớn nhất thế giới có tên FIRST Robotics Competition (FRC). Trong hệ thống FRC, các học sinh học hỏi được nhiều nhất chính là thông qua các giải đấu. Các câu lạc bộ trong hệ thống FRC trên toàn thế giới cũng chia sẻ cho nhau kinh nghiệm thiết kế, chế tạo, lập trình, và tạo dựng phong trào. Một điều thú vị là gia đình một số thành viên CLB GART 6520 đã tự lập mô hình 3 trong 1 ở nhà gồm Sách-Internet- Makerspace.

Mô hình Makerspace di động và sự vào cuộc của ngành thư viện

Trong đợt tập huấn 3 ngày về kỹ năng tổ chức các hoạt động, mô hình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cho lãnh đạo và cán bộ của 63 thư viện tỉnh/thành phố vào dịp hè 2019 mới đây, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) đã chủ động mời Liên minh STEM tập huấn riêng một ngày về STEM và Makerspace.

Các giảng viên đã tranh thủ dịp này nhấn mạnh vai trò của Makerspace trong việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho người dân và học sinh học thông qua làm, học tập suốt đời tại các thư viện truyền thống.

Cuối khóa học, các giảng viên đưa ra thảo luận mô hình Makerspace di động tích hợp với xe Thư viện Lưu động mà hiện đang có 15 xe hoạt động ở 15 tỉnh/thành phố, mỗi xe có khoảng 3.000 - 5000 cuốn sách và 8-10 máy tính. Với sự đồng hành của một số doanh nghiệp lớn, tới đây sẽ có thêm 35 xe như vậy hoạt động ở nhiều địa bàn hơn.

Xe Thư viện Lưu động của Thư viện tỉnh Nam Định phục vụ học sinh tại Ngày hội STEM và Hội thi Toán đầu Xuân 2019 của trường Tiểu học Nam Đào (huyện Nam Trực, Nam Định).
Xe Thư viện Lưu động của Thư viện tỉnh Nam Định phục vụ học sinh tại Ngày hội STEM và Hội thi Toán đầu Xuân 2019 của trường Tiểu học Nam Đào (huyện Nam Trực, Nam Định).

Nếu mỗi xe được trang bị thêm 7-10 robot giáo dục, 1 máy in 3D, 1 máy khắc CNC và được các thầy cô đam mê STEM giúp đỡ thì có thể triển khai Ngày hội Đọc sách và Ngày hội STEM ở các vùng quê để học sinh nông thôn cũng được làm quen với việc học theo tiếp cận 3 trong 1 - qua sách, qua internet và qua thực làm ở Makerspace.

Điểm yếu của ngành thư viện hiện nay là thiếu các chuyên gia về giáo dục STEM, nhưng nếu kết hợp với ngành giáo dục thì điểm yếu này sẽ được khắc phục bởi trên thực tế, đội ngũ thầy cô có thể dạy các tiết học theo tiếp cận STEM ở nhiều tỉnh đến nay đã lên đến hàng trăm người.
Sau khi khoá tập huấn kết thúc, lãnh đạo các thư viện tỉnh Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang... đều bày tỏ sẵn sàng học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm để triển khai mô hình Makerspace di động.

Cần nhấn mạnh rằng, văn hóa đọc đang bắt đầu bén rễ ở nhiều địa phương như Nam Định, Nghệ An… Ở Nam Định, hầu hết 12 nghìn lớp học đều có tủ sách riêng. Trong khi đó, ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), học sinh tiểu học mỗi ngày có 15 phút đầu giờ để sinh hoạt đọc sách và mỗi tuần có 1 tiết sinh hoạt đọc sách; toàn bộ 80 trường tiểu học và THCS trong huyện tổ chức Ngày hội Đọc sách hằng năm. Khi việc gây dựng văn hóa đọc là khả thi ngay cả ở những vùng nông thôn, chỉ cần có chủ trương rõ ràng thì sẽ không khó biến ý tưởng về các Makerspace thành hiện thực. Và cái ngày mà các học sinh trường làng cũng được học trong thư viện theo tiếp cận 3 trong 1 chắc chắn sẽ không còn xa nữa.