Sự trỗi dậy của khoa học Trung Quốc trên top đầu đã được dự báo từ lâu nhưng hiện tại người ta quan tâm những gì sẽ đến tiếp theo trong thời kỳ hậu đại dịch.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày một đón nhận những khoản tài trợ hào phóng.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày một đón nhận những khoản tài trợ hào phóng.

Năm 2022, lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua cả Mỹ đứng ở vị trí cao nhất bảng xếp hạng Nature Index dành cho khoa học tự nhiên.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc được đánh giá là giữ vị trí dẫn đầu trong những đo lường về sản phẩm khoa học. Năm 2017, theo Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), họ đã vượt qua Mỹ trong tổng lượng công bố quốc tế. Và năm 2022, Văn phòng chính sách KH&CN quốc gia Nhật Bản đã thông báo rằng Trung Quốc vượt qua Mỹ ở một trắc lượng quan trọng là ước tính hiệu suất khoa học đỉnh cao: sự đóng góp vào những công trình ở top 1% các công trình được trích dẫn nhiều nhất.

Khoa học đẳng cấp thế giới

Sự thăng tiến của Trung Quốc trong các bảng xếp hạng quốc gia ở Nature Index dường như không thể tránh được trong xu hướng chạy theo số lượng ở vài năm gần đây nhưng thành công này vẫn đáng được chú ý.

Caroline Wagner, một nhà nghiên cứu về chính sách khoa học và đổi mới sáng tạo ở ĐH bang Ohio, Columbus nói. “Trong vòng bốn thập kỷ rưỡi, kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, đã thực sự làm được điều vô cùng ấn tượng” trong việc xây dựng một hệ sinh thái khoa học ở đẳng cấp thế giới”, bà nói.

Hamish Coates, một nhà nghiên cứu về giáo dục đại học tại ĐH Thanh Hoa Bắc Kinh, cho rằng bảy năm qua của cuộc hành trình hướng đến siêu cường khoa học của Trung Quốc đã nhấn mạnh đến “sức mạnh của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của mình”.

Nhưng khoa học Trung Quốc vẫn còn chưa được đánh giá đúng mức. Ở một số trường đại học phương Tây đã bỏ qua hoặc hợp tác rất hời hợt với đại học Trung Quốc, hoặc châu Á nói chung, và đã bỏ qua sự chuyển đổi này”.

Việc so sánh thứ tự bảng xếp hạng giữa các quốc gia có thể làm chúng ta để lỡ bức tranh lớn hơn của sự phụ thuộc lẫn nhau và hợp tác ở quy mô toàn cầu.
Caroline Wagner

Cơ quan chủ quản của Coates, nơi được hưởng nhiều lợi ích về vô số nguồn lực đầu tư, tập trung nhiều tài năng và hợp tác với nhiều cơ sở nghiên cứu đỉnh cao để xuất bản những tạp chí hàng đầu – là một trong số nhiều trường đại học của Trung quốc lèo lái sự tăng trưởng trong xuất bản khoa học. Số lượng chia sẻ trong công bố của ĐH Thanh Hoa gia tăng 35,5% từ năm 2020 đến 2022, lọt vào top 10 các trường, viện Trung Quốc thời kỳ này.

Nguồn lực đầu tư lớn, nỗ lực lớn

Một sự thật về sản phẩm nghiên cứu của Trung Quốc là các trường viện chấp hành một văn hóa khoa học tương đồng với ngành công nghiệp nước này, Miguel Lim, một nhà nghiên cứu về giáo dục và phát triển quốc tế tại ĐH Manchester, Anh, nói. “Họ làm việc nhiều giờ trong ngày và đó là sức ép làm việc và sức ép thành công”, Lim nói.

Các nguồn lực hỗ trợ cho khoa học Trung Quốc vô cùng lớn. Quỹ NSF cho biết Trung Quốc và Mỹ chiếm khoảng một nửa đầu tư R&D toàn cầu trong năm 2019, với việc Mỹ đầu tư 656 tỉ USD còn Trung Quốc là 526 tỉ USD. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, mức đầu tư cho R&D của Trung Quốc đạt tới mức 2,4% GDP trong năm 2021, cao nhất từ trước đến nay. Để so sánh thì vào năm 2004, Trung Quốc mới chỉ đầu tư 1,2% GDP cho R&D.

Mỹ cũng đã mở rộng chi tiêu cho R&D vào năm 2020 với con số tương đương 3,4% GDP. Rất nhiều khoản trong đó được rót vào khoa học cơ bản và những nghiên cứu ban đầu có thể hoặc không có thể dẫn đến những công nghệ mới hoặc các liệu pháp điều trị mới. Dẫu Trung Quốc vẫn tiêu ít hơn Mỹ cho R&D, nhưng việc đầu tư của Trung Quốc đều hướng đến những lĩnh vực nhất định mà quốc gia quan tâm. “Họ nhận diện được các lĩnh vực KH&CN và kỹ thuật cấp thiết và tập trung nỗ lực của mình vào đó. Không nhất thiết phải là nghĩ theo cách tạo ra các siêu dự án”, Lim nói.

Kế hoạch năm năm lần thứ 14 của Trung Quốc, nơi thiết lập các mục tiêu phát triển cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2035, đã đặt trọng tâm vào đổi mới công nghệ, nhấn mạnh vào những thành công hiện nay trong khám phá Mặt trăng, siêu máy tính, máy tính lượng tử và vận tải tốc độ cao. Nó kêu giọi sự sáng tạo của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung vào các mạng lưới truyền thông, hiện đại hóa các hệ thống năng lượng, dược phẩm, sinh học, AI cùng nhiều lĩnh vực khác.

Chuyển hướng các ưu tiên


Tuy nhiên không có gì đảm bảo sự dẫn đầu hiện tại của Trung Quốc trong một số chỉ mục xuất bản khoa học sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Vào tháng 2/2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc loan báo cải cách hệ thống đáng giá nghiên cứu để có thể thay đổi cái nhìn về xuất bản. Theo những hướng dẫn mới, các nhà nghiên cứu có thể không còn được tuyển dụng dựa trên đánh giá về số lượng bài báo họ có mà thay vào đó chỉ được xét trên một phạm vi giới hạn của các bài báo “đại diện”, bao gồm các bài xuất bản trên các tạp chí có ảnh hưởng trên quốc tế. Ít nhất 1/3 bài báo đại diện phải được xuất bản trên tạp chí Trung Quốc. Coates nói, những thay đổi chính sách có thể giảm bớt việc khuyến khích số lượng xuất bản, có tiềm năng làm chậm dòng chảy công bố từ quốc gia này.

Trong một bài báo xuất bản năm 2022, Shu và đồng tác giả đã dấy lên câu hỏi về sự cải cách xuất bản khoa học thực sự làm thay đổi cách ra quyết định tuyển dụng, khen thưởng ở các cơ sở nghiên cứu.

Việc tuyển dụng ở các trường, viện Trung Quốc vẫn còn dựa trên xuất bản và điều đó vẫn tạo ra sức ép lên các nhà nghiên cứu, bất chấp việc họ loan báo vào năm 2020 rằng cấm việc khen thưởng các nhà khoa học dựa trên hồ sơ xuất bản của họ. “Lương dựa trên số lượng xuất bản và anh cần một danh sách công bố phong phú để được thưởng”, Shu nói và lưu ý nhiều nghiên cứu so sánh năng suất của các học giả Trung Quốc với đồng nghiệp châu Âu hay Mỹ “nhưng so sánh này không đúng bởi họ làm việc trong những môi trường khác biệt”.

Một tiếng chuông cảnh tỉnh

Khi một số nhà chính trị Mỹ, EU và một vài nơi khác đã rung tiếng chuông cảnh báo về kinh tế, quân đội và công nghiệp Trung Quốc thì một số người khác cũng cảm thấy giật mình trước sự thăng tiến của Trung Quốc trên Nature Index. Từng được mời đến làm cố vấn chính sách khoa học cho Mỹ trong vai trò Viện phó Viện Chính sách KH&CN, một tổ chức được chính phủ tài trợ, Wagner cho rằng các bảng xếp hạng có thể tăng thêm mức cảnh báo để kêu gọi phương Tây đầu tư nhiều hơn vào khoa học. Bà giải thích, các xếp hạng tự nó là một cuộc chạy đua tâm lý bất chấp các sắc thái khoa học và hợp tác khoa học. “Các nhà quản lý không bao giờ thực sự hiểu khoa học cần được tài trợ nhiều hơn bởi nếu không được như vậy, chúng ta sẽ bị tụt hậu”, bà nói.

Wagner cũng nhấn mạnh, sự tăng trưởng của Trung Quốc trong xuất bản khoa học không nhất thiết phải khiến phương Tây quá lo ngại bởi họ vẫn ở vị trí sau phương Tây về cơ sở hạ tầng khoa học, các mạng lưới nghiên cứu và hỗ trợ của xã hội cho đổi mới sáng tạo. “Ví dụ Mỹ vẫn bỏ xa Trung Quốc về những vấn đề căn cốt của khoa học và năng lực đi tìm hiểu biết mới”, bà nói.