Các nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người dân Đông Nam Á để dụ dỗ và ép buộc họ tham gia các đường dây lừa đảo trực tuyến - từ lừa đảo đầu tư siêu lợi nhuận, lừa đảo giao dịch tiền điện tử đến cờ bạc bất hợp pháp.

f
Theo báo cáo, những nơi được đánh dấu cờ đỏ làcác địa điểm đặt cơ sở lừa đảo trong khu vực. Ảnh: OHCHR
Hai nhóm nạn nhân

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc mới đây đã cảnh báo về thực trạng hàng trăm ngàn người đang bị các băng nhóm tội phạm có tổ chức ép buộc tham gia vào đường dây lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á - từ lừa đảo đầu tư siêu lợi nhuận, lừa đảo giao dịch tiền điện tử đến cờ bạc bất hợp pháp.

Theo báo cáo “Online Scam Operations and Trafficking into Forced Criminality in Southeast Asia: Recommendations for a Human Rights Response" do Liên Hợp Quốc công bố vào ngày 29/8, nạn nhân tham gia vào những đường dây này phải đối mặt với nhiều hành vi vi phạm và lạm dụng nghiêm trọng, nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn bạo, giam giữ, bị cưỡng bức lao động và chịu đựng các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng, với thủ đoạn tinh vi, như sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… để kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài với vỏ bọc đi du lịch; lập hội, nhóm kín tìm kiếm người mang thai; tìm kiếm việc làm, “việc nhẹ lương cao”, trị bệnh… sau khi nạn nhân “mắc bẫy” và bị đưa sang nước ngoài, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê, nô lệ tình dục… Gần đây nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, nhưng thực chất bị ép vào làm việc tại các sòng bạc; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi nạn nhân không chịu được sức ép, băng nhóm lừa đảo sẽ bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

“Những người bị cưỡng ép làm việc trong các cơ sở lừa đảo này vừa phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo, vừa bị buộc phải thực hiện các hoạt động trái pháp luật. Họ là nạn nhân. Họ không phải là tội phạm”, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Volker Türk cho biết. “Trong quá trình kêu gọi công lý cho những người bị tội phạm trực tuyến lừa đảo, chúng ta không được quên rằng hiện tượng phức tạp này có hai nhóm nạn nhân” - người bị lừa đảo và người bị ép phải lừa đảo người khác.

Các báo cáo cho biết, rất khó ước tính quy mô của hoạt động buôn người, ép buộc lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á, vì tính chất bí mật của hoạt động này và những lỗ hổng trong quản lý của chính quyền các nước. Tuy nhiên, một số nguồn tin đáng tin cậy chỉ ra rằng ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar có thể bị giam giữ và ép buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến; con số này ở Campuchia là khoảng 100.000 người. Các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Lào, Philippines và Thái Lan, cũng được xác định là các quốc gia điểm đến hoặc trung chuyển của hoạt động buôn người.

Trong đó, Thái Lan đang trở thành quốc gia trung chuyển chính cho các hoạt động này. Chẳng hạn, công dân Việt Nam đầu tiên bị buôn bán sang Myanmar và từ đó lại bị đưa sang Thái Lan để buôn bán sang Campuchia.

Các cơ sở lừa đảo tạo ra nguồn doanh thu lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.

Mức độ phức tạp của những trò lừa đảo trực tuyến

Đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa đã khiến các hoạt động lừa đảo trên phải đóng cửa, chững lại một thời gian. Tuy nhiên ngay sau đó, các sòng bạc, các cơ sở lừa đảo đã chuyển không gian hoạt động sang những khu vực biên giới phức tạp và Đặc khu kinh tế, cũng như sang không gian trực tuyến.

Theo Liên Hợp Quốc, với phương thức hoạt động mới, các tội phạm ngày càng nhắm mục tiêu vào những người di cư đang gặp khó khăn - những người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp phá sản nhưng chưa thể về nước vì đóng cửa biên giới. Đại dịch khiến hàng triệu người phải ở nhà và có nhiều thời gian lên mạng, các băng nhóm đã lợi dụng thời điểm này để thực hiện âm mưu lừa đảo trực tuyến.

f
Các nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người dân để dụ dỗ, lừa đảo và biến họ trở thành nạn nhân của mua bán người. Ảnh: Đại biểu nhân dân

Bên cạnh đó, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến nhiều người dân lâm vào cảnh đói nghèo. Các nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người dân để dụ dỗ, lừa đảo và biến họ trở thành nạn nhân của mua bán người.

Theo Bộ Công an, các đường dây dụ dỗ, cưỡng ép công dân Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia thường được phân công thành nhiều khâu và các đối tượng trong từng khâu không biết nhau.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết mặc dù nạn nhân bị lừa có cả phụ nữ, thanh thiếu niên, nhưng phần đông những người bị lừa là nam giới. Hầu hết nạn nhân không phải là công dân của các quốc gia nơi xảy ra nạn buôn người. Nhiều nạn nhân có trình độ học vấn cao, có bằng cấp chuyên môn hoặc có bằng đại học - thậm chí sau đại học, biết sử dụng máy tính và nói được vài ngoại ngữ. Nạn nhân đến từ khắp khu vực ASEAN (Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), cũng như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nam Á, và thậm chí các khu vực xa hơn như châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Một số quốc gia ở Đông Nam Á đã đưa ra các quy định pháp lý và chính sách liên quan đến việc cấm buôn người, nhưng trong nhiều trường hợp, các chính sách đã không bao quát đầy đủ bối cảnh và mức độ phức tạp của những trò lừa đảo trực tuyến này.

Báo cáo cho biết các nạn nhân của nạn buôn người và các hành vi vi phạm nhân quyền khác bị xác định nhầm là tội phạm hoặc người nhập cư bất hợp pháp; và thay vì được bảo vệ cũng như được hỗ trợ, họ lại bị truy tố hình sự hoặc bị xử phạt vì nhập cư bất hợp pháp.