“Khi trào lưu khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh tại TPHCM và trên cả nước, thì mình vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Vì vậy, phải quyết tâm thay đổi mô hình hoạt động, mới có thể đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp”.

Đó là chia sẻ của PGS - TS. Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM về việc quyết định thay đổi mô hình hoạt động của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Bách khoa TPHCM (HCMUT-TBI).

Vượt khó đi lên

Chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2010, ban đầu HCMUT-TBI, không có pháp nhân riêng, nên về mặt hành chính gặp khó khăn vì phải phụ thuộc vào cơ quan chủ quản là Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Sau một thời gian chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có pháp nhân riêng, HCMUT-TBI đã có nhiều thuận lợi hơn so với ban đầu.

HCMUT-TBI vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong việc đi tìm ý tưởng kinh doanh do ít và chất lượng chưa cao. Ngoài ra, do chỉ hỗ trợ kinh phí vận hành theo chương trình thí điểm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học của TPHCM, nên hạ tầng, dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp, nhân lực để vận hành đều yếu kém.

"Không có tiền để thuê người, nên đa phần bộ máy duy trì hoạt động cho đều HCMUT-TBI đều là người kiêm nhiệm, làm cho hoạt động của trung tâm không hiệu quả. Bên cạnh đó, các trung tâm ươm tạo còn bị hạn chế bởi cơ chế quản lý của các đơn vị KH&CN công lập, nặng về hành chính. Vì vậy, trung tâm không tận đụng được nguồn lực từ bên ngoài để phát triển" -
PGS.TS. Mai Thanh Phong chia sẻ.

Một góc trong không gian làm việc của HCMUT - TBI hiện nay
Một góc trong không gian làm việc của HCMUT - TBI hiện nay.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng gần 8 năm qua, HCMUT – TBI đã truyền tải được thông điệp, tinh thần về khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp trong cán bộ, sinh viên trong và ngoài nhà trường. Đồng thời, nâng cao được nhận thức về ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp trong cộng đồng, thông qua các sự kiện như hội thảo, triển lãm, đào tạo…

Trong thời gian đó, HCMUT-TBI đã ươm tạo trực tiếp được hơn 30 doanh nghiệp. Đến nay, 6 doanh nghiệp đã được tốt nghiệp. Đây là tỷ lệ thành công đáng ghi nhận trước những khó khăn mà trung tâm phải vượt qua.

Một số doanh nghiệp được ươm tạo thành công được kể đến như Công ty TNHH sản phẩm thiên nhiên Bách Khoa, Công ty TNHH Sinh hóa môi trường Bình Lan, Công ty cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt - iNext Technology; Công ty Cổ phần giải pháp điều khiển Việt (Vietcontrol);… Trong đó, một số doanh nghiệp như iNext Technology, Vietcontrol đạt doanh số trên 10 tỷ đồng/năm. Đây là những doanh nghiệp của các giảng viên, cựu sinh viên, được hình thành và phát triển trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ thuộc thế mạnh của trường như công nghệ thông tin, điện, điện tử...

Thay đổi mô hình hoạt động

Trăn trở trước hoạt động của Trung tâm khi phong trào khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh. Trong khi đó, những chương trình hỗ trợ của thành phố và nhà nước mới chỉ đang bắt đầu khởi xướng. Nhận định nếu không thay đổi ngày mô hình hoạt động của trung tâm thì mong chờ của cộng đồng khởi nghiệp sẽ không được đáp ứng, PGS Phong cho biết, sau khi tìm hiểu kinh nghiệm và thành công ở một số nước, HCMUT – TBI đã chọn mô hình hợp tác công – tư để phát triển.

HCMUT – TBI đã tìm đối tác phù hợp với yêu cầu có đủ năng lực về chuyên môn, tài chính. Hơn một năm, HCMUT – TBI tìm được cho mình một đối tác, nhưng lại gặp khó về mặt pháp lý. Đó là hiện nay Việt Nam chưa có văn bản nào hướng dẫn một tổ chức khoa học và công nghệ công lập cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa. Vì vậy, HCMUT – TBI thực hiện hợp tác công tư theo dạng ký hợp tác với đơn vị ngoài (Công ty Cổ phần phát triển Up) cùng đầu tư vận hành trung tâm.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8//2017 sau khi nâng cấp cơ sở hạ tầng theo chuẩn quốc tế, HCMUT – TBI đã thu hút được nhiều những startup đến làm vệc. Tỷ lệ lấp đầy không gian gần như thường xuyên. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm,… mời các diễn giả đến nói chuyện phù hợp với cộng đồng của mình. Nhờ được mở rộng không gian (600m2) nên số doanh nghiệp được ươm tạo cùng một lúc sẽ được tăng lên, thay vì 10 doanh nghiệp như trước đây.

Một trong những hoạt động của HCMUT - TBI dành cho cộng đồng khởi nghiệp
Một trong những hoạt động của HCMUT - TBI dành cho cộng đồng khởi nghiệp

Do trước đây, ban điều hành trung tâm đều là kiêm nhiệm, khá nhiều việc nên bị hạn chế về mặt thời gian, chuyên môn và không chuyên nghiệp. Sau khi hợp tác, hai bên lập ra một ban điều hành chung. Nhà trường cung cấp mặt bằng, có thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Đối tác đầu tư vốn để nâng cấp, mở rộng trung tâm và có kinh nghiệm trong vận hành trung tâm hoạt động.

"Mỗi bên phát huy những thế mạnh của mình để cùng nhau hợp tác và phát triển, hiện năng lực vận hành trung tâm đã có hiệu quả hơn" - TS. Phong cho biết.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Quản lý của Công ty Cổ phần phát triển Up tại HCMUT – BTI cho biết, Công ty hợp tác với Trường Đại học Bách khoa TPHCM tạo nên không gian làm việc chung với mục đích chính tạo nên không gian cho cộng đồng khởi nghiệp.

“Chúng tôi xác định, mô hình này không phải để kiếm lợi nhuận như các mô hình kinh doanh khác, mà nhằm tạo ra giá trị lâu dài, hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp, giúp nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho những người tham gia. Chúng tôi chấp nhận rủi ro nhưng thoải mái khi tham gia hợp tác, giúp trường đi đúng phương châm là tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần nâng cao giá trị cho HCMUT – BTI” – bà Ngọc chia sẻ.

Được biết, trong khuôn khổ phát triển bền vững, Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” (BIPP) do Cơ quan Hợp tác phát triển Bỉ tài trợ đã chọn HCMUT-TBI là một trong 2 vườn ươm được nhận tài trợ nhằm cải thiện chính sách ươm tạo. Kết hợp với việc mạnh dạn thay đổi mô hình hoạt động, đã đem lại cho HCMUT-TBI một diện mạo mới như ngày hôm nay.