Để việc đưa tiến bộ kỹ thuật về nông thôn, miền núi được hiệu quả hơn, một điểm cần làm của Chương trình Nông thôn - Miền núi thời gian tới là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hướng vào phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực.

TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) địa phương - đã chia sẻ những kiến nghị và mong muốn để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật về với nông thôn, miền núi.

Theo ông, để việc đưa tiến bộ kỹ thuật về với nông thôn, miền núi ngày càng có hiệu quả hơn, trước hết, cần phải thể chế hóa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đối với việc tổ chức đưa các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; coi ứng dụng tiến bộ KH&CN là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

"Vì ứng dụng các tiến bộ KH&CN chính là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội nên cần đưa các tiêu chí về ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường vào tiêu chí của nông thôn mới nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững" - ông Liễu nhấn mạnh.

Trái cây đang được xem là sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương
Trái cây đang được xem là sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hướng vào phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, giải quyết các vấn đề cấp thiết về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường của địa phương.

"Cần nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ cán bộ KH&CN chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào khu vực nông thôn, miền núi, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiệu số" - ông Liễu đề xuất.

Đồng tình quan điểm này song ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang - cho rằng cần xây dựng cơ chế để tạo mối gắn kết giữa 5 nhà nhằm thúc đẩy việc đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn - miền núi.

Cụ thể, nhà quản lý phải thấy rõ trách nhiệm của mình để ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện để KH&CN phát triển. Nhà khoa học ngoài việc nghiên cứu các tiến bộ KH&CN, còn phải thấy rõ các nhu cầu ứng dụng KH&CN của người dân (nhu cầu của thị trường).

"Một vấn đề không thể thiếu khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới là sự vào cuộc một cách trách nhiệm của các doanh nghiệp. Bởi vì chính các doanh nghiệp mới có nhiều điều kiện về tiếp thu công nghệ, tư liệu sản xuất, vốn và có điều kiện phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong mối liên kết này, vai trò của ngân hàng cũng rất quan trọng, bởi vì muốn mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường thì các doanh nghiệp và người dân cần phải có đủ nguồn tài chính" - ông Kiên nêu quan điểm.

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò tham gia của người dân bởi nếu các nhà khoa học có công nghệ tốt, có quy trình sản xuất tiến bộ, doanh nghiệp muốn tham gia, Nhà nước có chính sách tốt, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn nhưng người dân chưa sẵn sàng tham gia thì việc ứng dụng triển khai tiến bộ KH&CN sẽ vô cùng khó khăn.

"Chính vì vậy, để đưa tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, miền núi thì mối liên kết chặt chẽ của 5 nhà mang yếu tố quyết định" - ông Kiên nhấn mạnh.