Các báo cáo mới của các cơ sở nghiên cứu ở châu Âu đã đánh giá tác động của chiến tranh đến mọi mặt đời sống tại Ukraine trong một năm qua và kêu gọi cần ngay lập tức có các biện pháp hỗ trợ để bảo vệ nền khoa học Ukraine tránh khỏi sụp đổ.

Các nhà khoa học tại Viện Vật lý và Kỹ thuật Kharkiv. Nguồn: nas.gov.ua
Các nhà khoa học tại Viện Vật lý và Kỹ thuật Kharkiv. Nguồn: nas.gov.ua

Trong tháng bảy vừa qua, Sebastian Dahle, Chủ tịch Eurodoc - Hội đồng các Ứng viên Tiến sỹ và các Nhà nghiên cứu trẻ châu Âu đã có lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, trong thư nêu chi tiết những khó khăn hiện nay của các nhà nghiên cứu ở Ukraine và lý do tại sao EU cần ngay lập tức tăng cường hỗ trợ Ukraine.

Trước khi viết thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Dahle đã đến Kiev thảo luận với các nhà khoa học trẻ, tìm hiểu về việc chiến tranh đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, nghề nghiệp cũng như vai trò của nghiên cứu và giáo dục đại học trong quá trình phục hồi của Ukraine.

Trước đó, vào tháng ba, Hội đồng Khoa học Quốc tế (ISC) và Liên đoàn các Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn châu Âu (ALLEA) đã tổ chức hội nghị lần thứ hai để thảo luận về tác động của cuộc chiến tranh lên khoa học Ukraine. Thông điệp của Hội nghị là: hệ thống khoa học Ukraina phải được bảo vệ để tránh khỏi sụp đổ.

Từ khi cuộc chiến nổ ra, EU đã hỗ trợ rất nhiều cho cộng đồng khoa học Ukraine, từ việc bố trí nguồn tài trợ dành riêng cho các nhà khoa học Ukraine cho đến việc Ukraine được tham gia vào chương trình nghiên cứu Horizon Europe của EU mà không cần phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính cho Chương trình nghiên cứu trị giá 95,5 tỷ Euro này.

Ngay những ngày gần đây, Ủy ban Châu Âu mới chi 1,5 tỷ Euro, một phần trong gói viện trợ dự kiến trị giá lên tới 18 tỷ Euro. Số tiền này sẽ giúp đáp ứng các nhu cầu trước mắt cho Ukraine, chẳng hạn như trả lương, lương hưu và vận hành các dịch vụ công.

Theo thông tin từ phát ngôn viên của Hội đồng châu Âu, sự hỗ trợ của EU cũng sẽ giúp cải thiện hệ thống nghiên cứu và giáo dục, bao gồm cả việc sửa chữa, xây dựng lại và cải thiện các tổ chức giáo dục đại học và cơ sở hạ tầng nghiên cứu, thúc đẩy chính sách hỗ trợ việc làm, cũng như bao gồm cả hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo ở khu vực tư nhân.

Thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu ở Ukraine


Dù vậy các nhà khoa học EU vẫn tiếp tục kêu gọi cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các đồng nghiệp ở Ukraine để tránh mất đi cả một thế hệ các nhà nghiên cứu khi công việc của họ thường bị gián đoạn do pháo kích liên tục, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và nguồn tài trợ thì bị giảm đi do ngân sách nhà nước phải chuyển hướng để tập trung phục vụ cuộc kháng chiến.

Trong những tháng đầu tiên khi chiến sự nổ ra, ở châu Âu đã có làn sóng hỗ trợ đầu tiên nhằm hỗ trợ cho các nhà khoa học rời khỏi Ukraine để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở châu Âu. Nhưng một năm sau, các báo cáo cho thấy 80% nhà nghiên cứu vẫn ở lại đất nước này. Vì vậy điều mà các nhà nghiên cứu ở Ukraine cần là các cơ quan tài trợ, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức nhân đạo có các hình thức hỗ trợ linh hoạt, sáng tạo hơn phù hợp với tình hình trong nước ở Ukraine.

Các nhà nghiên cứu ở Ukraine đang cố gắng tự lực, tận dụng những gì mình có để duy trì hoạt động nghiên cứu, nhưng tình hình hiện tại rất khó khăn. Hiện nay Ukraine chỉ có 60% nguồn tài chính cần thiết cho nghiên cứu. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy và nguồn ngân sách công được chuyển hướng để phục vụ cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, nên chính phủ khó đáp ứng được nhu cầu kinh phí tài trợ khoa học.

Olga Polotska, Giám đốc điều hành của Quỹ nghiên cứu Quốc gia Ukraine (NRFU) cho biết: “Hoạt động nghiên cứu và phát triển của Ukraine đã phải chịu những tổn thất chưa từng có về cơ sở hạ tầng con người và nguồn tài chính kể từ khi bắt đầu chiến tranh”.

Và không có gì ngạc nhiên khi lực lượng các nhà nghiên cứu trẻ đã giảm 30%, từ 16.000 vào năm 2021 xuống còn 11.000 vào năm 2023. Nhiều người phải làm nhiều công việc khác nhau chỉ để duy trì hoạt động nghiên cứu. Dahle nói: “Hầu hết mọi người đều làm hai công việc”.

Sau một số cuộc gặp các nhà khoa học trẻ ở Kyiv, Eurodoc đang soạn thảo danh sách các khuyến nghị để trình lên Ủy ban châu Âu.

Trong kiến nghị, Dahle nói về cuộc gặp gỡ các nhà khoa học trẻ ở Kyiv, "Bất chấp điều kiện khắc nghiệt, các nhà nghiên cứu Ukraine vẫn kiên trì, ngay cả khi phải họp trong hầm trú ẩn giữa những đợt tấn công tên lửa. Họ đang nhìn về tương lai và nỗ lực vượt qua. Thật đáng khích lệ và truyền cảm hứng khi nghe câu chuyện của những nhà khoa học trẻ, đang rất khó khăn do chiến tranh nhưng vẫn tận tâm thực hiện các hoạt động nghiên cứu và học thuật xuất sắc”.

Cho đến nay, EU đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ khoa học Ukraine:

*Cho phép các tổ chức nghiên cứu của Ukraine được tham gia Chương trình tài trợ nghiên cứu Horizon Europe miễn phí. Đến tháng 7/2023, các tổ chức nghiên cứu của Ukraine đã tham gia vào 72 dự án với nguồn tài trợ của EU là 19,18 triệu Euro.

*Giúp thành lập Văn phòng Horizon Europe tại Kiev với khoản tài trợ trị giá 1,75 triệu Euro. Văn phòng sẽ thúc đẩy các cơ hội xin tài trợ, trợ giúp các nhà khoa học Ukraine soạn thảo các đề xuất nghiên cứu cũng như tìm kiếm đối tác dự án ở các quốc gia khác.

*Có kế hoạch thực hiện một dự án trị giá 2 triệu Euro để đánh giá năng lực cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Ukraine và chuẩn bị kế hoạch đầu tư.

*Chương trình học bổng MSCA4Ukraine 25 triệu Euro, hỗ trợ cho 124 nhà khoa học Ukraine tiếp tục nghiên cứu tại các nước khác cũng là thành viên tham gia Chương trình Horizon.

*Hội đồng Đổi mới sáng tạo châu Âu của EU sẽ hỗ trợ ít nhất 200 công ty khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

*Đóng góp 3 triệu Euro cho Sáng kiến Khoa học trong Chương trình Biên giới khoa học nhân văn.
Ngoài ra còn nhiều học bổng khác cho các nhà khoa học Ukraine…