Lãnh đạo một trong những công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc đã đưa ra nhận xét này vào ngày 9/8 tại Hội nghị thường niên về thiết bị bán dẫn Trung Quốc ở Vô Tích, một thành phố miền đông gần Thượng Hải.

Gerald Yin Zhiyao, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China (AMEC), đề cập các hạn chế xuất khẩu mà Mỹ đưa ra từ tháng 10 năm ngoái, sau đó tiếp tục tăng cường vào đầu tháng 8 năm nay. Năm ngoái, Mỹ hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và các thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc. Đầu tháng 8 này, chính quyền Mỹ tiếp tục tiết lộ kế hoạch hạn chế đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm, trong đó có chất bán dẫn.

Ảnh minh hoạ

“Các quy tắc hồi tháng 10 đã phơi bày ý định thực sự của Mỹ, giữ chân ngành sản xuất chip của Trung Quốc ở tiến trình 28 nanomet, kém ít nhất 5 thế hệ so với chip tiên tiến nhất trên toàn cầu hiện nay, từ 3 nanomet đến 14 nanomet”, Yin nói tại Hội nghị. “Chúng ta không thể chấp nhận điều này”, ông nói thêm. Nanomet là đơn vị đo kích thước bóng bán dẫn trên chip. Bóng bán dẫn càng nhỏ càng đem lại hiệu suất cao cho chip vì có thể sắp xếp dày đặc hơn, rút ngắn đường đi của tín hiệu.

Yin mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ trong một năm trở lại đây, nhằm vào tất cả các nhà máy sản xuất chip có trụ sở tại Trung Quốc, là các lệnh cấm “chí mạng” nhất kể từ khi Mỹ bắt đầu đưa ra các biện pháp trừng phạt các công ty công nghệ cao của Trung Quốc vào năm 2019. Yin gọi lệnh cấm đầu tháng 8 – nhằm chặn dòng đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử của Trung Quốc – là “nước đi thứ 16” của Washington đối với Bắc Kinh kể từ năm 2019.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China (AMEC) Gerald Yin Zhiyao phát biểu tại Hội nghị thường niên về thiết bị bán dẫn Trung Quốc ở Vô Tích vào ngày 10/8.

Là người có kinh nghiệm 20 năm trong ngành công nghiệp chip và có thời gian làm việc tại Applied Materials, Ying cho biết trong các nhà máy chip của Trung Quốc, thiết bị máy móc nội địa chỉ chiếm khoảng 15% tổng số. 85% còn lại đến từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản.

“Đó là lý do tại sao Mỹ cần Nhật Bản và Hà Lan cùng tham gia để hạn chế sự phát triển của Trung Quốc”, ông nói.

Theo SCMP, các chuyên gia trong ngành tham dự hội nghị đánh giá các công ty thiết bị bán dẫn Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu cả về thị phần và mức độ tinh vi của công nghệ. Các nhà sản xuất công cụ của Trung Quốc hầu như không có sự hiện diện toàn cầu trong một số phân khúc, như in thạch bản - công nghệ tạo ra các chi tiết siêu nhỏ trên một bề mặt lớn. Các công ty Trung Quốc sẽ khó bắt kịp trong những lĩnh vực này trong môi trường địa chính trị ngày càng bất lợi, thiếu nguồn vốn nước ngoài và hợp tác công nghệ.

Li Jinxiang, Phó tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc, cho biết, một số thiết bị do Trung Quốc sản xuất không đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chip. Một máy in thạch bản ASML có khả năng xử lý 350 tấm đĩa bán dẫn 12 inch mỗi giờ, trong khi các máy do Trung Quốc sản xuất không thể đạt được sản lượng đó - Li giải thích.

Tuy nhiên, Yin cho biết ông tin tưởng rằng Trung Quốc có thể phát triển ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chip có khả năng cạnh tranh toàn cầu trong vòng vài năm tới, vì nhiều chuyên gia Trung Quốc do Mỹ đào tạo đã trở về nước. Chuyên gia này cho rằng việc Mỹ sử dụng thiết bị sản xuất chip để kìm hãm tiến độ phát triển ngành chip của Trung Quốc sẽ không mang lại hiệu quả.

Yin cũng gọi việc Bộ Quốc phòng Mỹ đưa AMEC vào danh sách các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc vào năm 2021 là “hoàn toàn vô nghĩa”. Đây là lần đầu Yin bình luận công khai về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với AMEC. Ông cho biết Mỹ “miễn cưỡng” loại AMEC khỏi danh sách sau “bốn tháng đàm phán căng thẳng”.

Nguồn: