“Chúng tôi có 10.000 người nhưng không sở hữu được mấy patent (bằng độc quyền sáng chế - PV). Tôi cam kết thay đổi chuyện này ở FPT Software”.

Ông Hoàng Nam Tiến nói về định hướng phát triển tài sản vô hình của công ty đang có tốc độ tăng trưởng ở nhóm tốt nhất trong Tập đoàn FPT.

Ngượng muốn chui xuống đất vì bản quyền

Phòng làm việc của ông Hoàng Nam Tiến có diện tích khiêm tốn trong một khuôn viên rộng 16.000m2 công nghệ cao Hoà Lạc, cách phố xá Hà Nội chừng 20 phút chạy ôtô. Hương hoa bưởi còn phảng phất trong phòng giữa nền không khí ẩm, mát lạnh tiết xuân khi những cánh cửa sổ mở hướng ra khoảng trời thoáng rộng. Trên bàn làm việc, điểm nhấn là bình hoa rau cải cúc được mang từ vườn của F-Ville. Chậm rãi, ông Tiến tắt tiếng lè rè phát ra từ chiếc quạt gió: “Nãy vào phòng, mùi hoa bưởi nhiều quá”.

Lãnh đạo và nhân viên FPT Software xếp hình bàn chân trong sự kiện Đại hội Fast & Furious 2, ngày 15/1/2016. Ảnh: Tuấn Anh

Ngược với bước chân từ tốn, giọng ông Tiến nhanh và sôi nổi: “Khác với ở mình, lỡ bị bắt vì chuyện sở hữu trí tuệ thì kiện cáo nhau một hồi rồi cũng không sao. Nhưng ở thị trường quốc tế, đặc biệt ở Mỹ, Nhật Bản, Đức… nếu dính vào thì không những bị mất khách hàng, bị phạt gấp nhiều lần giá trị hợp đồng mà còn vĩnh viễn không được làm ở thị trường đó.

Cái giá phải trả cho vi phạm bản quyền là rất đắt. Bởi vậy khi ra thị trường quốc tế, chúng tôi xếp sở hữu trí tuệ ở nhóm từ thứ hai đến thứ tư trong 5 yếu tố quan trọng nhất”.

Cái giá rất đắt mà ông Tiến đề cập tới được người FPT Software truyền miệng nhau qua câu chuyện khôi hài. “10 năm trước, khi đang trình diễn bằng PowerPoint với khách hàng Nhật Bản thì hệ thống tự động báo phần mềm này không có bản quyền. Ngượng quá, bọn tôi chỉ muốn chui xuống đất” - ông thuật lại kỷ niệm thời kỳ đầu bước chân ra nước ngoài của công ty.

Ngay cả khi đã có ý thức và chi tiền triệu USD cho bản quyền, FPT Software vẫn gặp những tình huống bất ngờ: “Phần mềm được làm rất tốt, nhưng đến phút cuối khách hàng từ chối vì phát hiện một công cụ dùng để phát triển sản phẩm không có bản quyền. Anh em về họp, kỷ luật nhau. Mình có mua mà. Rồi phát hiện ra do FPT Sofware tăng trưởng nhanh quá, nhân sự tăng từ 3.000 lên 4.500, phần mềm mua đầu năm không còn phù hợp vào thời điểm đó”.

Có ý thức, thậm chí có cả bộ quy tắc ứng xử nhưng người FPT Software vẫn còn chưa thoát khỏi thói quen dường như là cố hữu của người Việt. “Chúng tôi không bị dính nhiều vào bản quyền của các công cụ phát triển sản phẩm mà hay dính nhất là đội hỗ trợ, bán hàng. Thực ra nhiều khi lỗi quân mình là thế này, đang cần cái gì đấy, search (tìm kiếm - PV) ra kết quả rồi dùng luôn, cũng chẳng ý thức tìm nguồn ở đâu” - ông Tiến than phiền.

“Ở chiều ngược lại, chúng tôi có nghiên cứu và phát triển một số sản phẩm. Dù bắt đầu trước khi làm dự án với khách hàng nhưng do không thông báo, khách hàng coi toàn bộ là của họ. Thậm chí mình cũng không thể đem sản phẩm đó đi bán ở nơi khác” - ông Tiến nói thêm về những cái giá mà FPT Software đã phải trả khi đội ngũ còn thiếu ý thức về tài sản trí tuệ.

Chuyện "dùng chùa" và sự tử tế

Trong câu chuyện về tài sản vô hình, người đứng đầu FPT Software cho rằng, một môi trường xã hội công nhận và bảo vệ sở hữu trí tuệ là nền tảng thúc đẩy sự phát triển. Liên tưởng câu chuyện thành công của ông chủ Facebook - theo ông Tiến, nó sẽ không xảy ra nếu Mark Zuckerberg ở Việt Nam: “Chuyện của Zuckerberg thể hiện một điều, trong nền tảng xã hội công nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì những cá nhân rất nhỏ, những thanh niên rất trẻ cũng có thể làm thay đổi cả thế giới. Còn nếu không, chỉ trong vòng hai nốt nhạc, họ sẽ bị mua, hoặc mua trực tiếp với giá rẻ hoặc tất cả các cộng sự sẽ bị mua”.

Ông Hoàng Nam Tiến và các đồng nghiệp tập khí công trong Hội nghị 1B2020 của FPT Software ngày 7/8/2015 tại F-Ville, Hòa Lạc. Ảnh: Tuấn Anh

Ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hiển nhiên, tôi ở Việt Nam, tôi cũng làm vậy. Bạn có
3 đồng đội, có ý tưởng xuất sắc, đã phát triển sản phẩm tốt. Tôi sẽ mua 3 đồng đội kia về, họ sẽ bưng nguyên toàn bộ ý tưởng, mang toàn bộ hiểu biết về sản phẩm theo. Tôi có nguồn lực, tôi sẽ phát triển rất nhanh”.

Ông Tiến liên hệ ngay chuyện tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ với vấn đề nóng của xã hội Việt Nam: Chuyện thực phẩm bẩn. “Khi tôi sang Mỹ học, họ nói với tôi rằng, tại sao một người nông dân Việt hiền lành sẵn sàng pha thuốc trừ sâu vào rau quả. Một người bán thịt sẵn sàng lấy hóa chất để ngâm tẩm, tẩy rửa hải sản. Tại sao một người bình thường lại có thể dã man như thế?” - ông Tiến nêu vấn đề.

Giống như những người Việt khác, ông Tiến giải thích với giáo sư Mỹ là do công tác giáo dục và đây là câu trả lời ông nhận lại: “Tiến ạ, ông biết một mà không biết hai. Đúng là người dân nước tôi được dạy từ bé rằng không được làm điều đấy, nhưng chuyện giáo dục ấy vô nghĩa. Cái này phải làm bằng luật pháp. Luật pháp nói rằng đó là tội. Thứ nhất là tội cố ý giết người, bởi vì đó là hành động chủ động. Thứ hai là giết người hàng loạt. Chúng tôi sẽ xử theo tội đấy”.

“Quay lại chuyện bản quyền. Ở Việt Nam, chẳng nhẽ người dùng phần mềm lậu là không tử tế. Có những người tử tế vẫn đang dùng phần mềm lậu mà. Nếu không bị sức ép, không có rào cản thì rất nhiều người sẽ trình bày vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ theo hướng cần tuyên truyền, giáo dục” - ông Tiến khẳng định.

Bởi vậy, ông Tiến cho rằng, nếu Việt Nam muốn thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy các cá nhân nhỏ phát triển thành những doanh nghiệp lớn trong tương lai thì cần tạo một nền tảng xã hội tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh quyền sở hữu trí tuệ chưa được các doanh nghiệp Việt Nam dành sự quan tâm nhiều, ông Tiến vẫn cho rằng, sáng tạo và sở hữu trí tuệ cần được những người trẻ và có chí theo đuổi: “Tôi nghĩ tài sản vô hình là một trong những điều các bạn trẻ phải học, phải quan tâm bởi vì đó là cơ hội đổi đời của họ. Vì bây giờ có hàng chục các tổ chức, các quỹ nước ngoài vào Việt Nam. Họ chỉ cần những người xuất sắc. Nếu bạn thật sự xuất sắc, thực sự lao động 14 tiếng, 20 tiếng mỗi ngày, bạn có cơ hội”.

Xuất sắc là tài sản

Liên tục trong cả buổi trò chuyện, ông Tiến luôn nhắc tới từ “xuất sắc” khi nói về những ý tưởng, sản phẩm, mô hình hay con người đã tạo ra nhiều triệu đôla. Người đứng đầu công ty phần mềm FPT bày tỏ sự ngưỡng mộ với những doanh nhân, doanh nghiệp xuất sắc trên thế giới và với ông, xuất sắc thể hiện bằng việc họ có hàng tỉ đôla nhờ khai thác tốt nhất tài sản sở hữu trí tuệ: “Họ đã vô cùng mạo hiểm, đầu tư cả cuộc đời mình để có những tài sản trí tuệ mà cả thế giới phải dùng, cả thế giới phải mua”.

Tòa nhà FPT Complex Đà Nẵng khánh thành giai đoạn 1 ngày 22/4/2016, nơi sẽ có hàng nghìn kỹ sư phần mềm của FPT Software làm việc. Ảnh: Nguyễn Quang

Xuất sắc là tạo ra giá trị khác biệt, tạo ra xu hướng mới, là tạo ra giá trị lớn, doanh thu lớn. “Công nghệ đang phát triển chóng mặt. IBM Watson đã tự động lập trình bằng một nhân viên 5 năm kinh nghiệm, test bằng một nhân sự 10 năm kinh nghiệm. Vậy chúng ta làm gì? Thế giới đang có trào lưu digital transformation (chuyển đổi số - PV). Số hóa đang đi vào từng ngóc ngách của đời sống, vào mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp công nghệ.

Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức năm 2016 cho biết trong vòng 5 năm tới, từ 40–60% các công việc là mới hoàn toàn, tức là mình không hình dung việc đấy là việc gì. Vậy chúng ta sẽ làm gì?” - ông Tiến nêu câu hỏi với ngầm ý mỗi người cần “xuất sắc” hơn nữa để phát triển.

Xuất sắc là tài sản nhưng theo ông Tiến, tiếc là chưa nhiều sự xuất sắc ở Việt Nam tạo ra được những thương hiệu lớn. “Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tốt. Nhưng dở nhất là chỉ tốt được một thời gian đầu. Tại vì sau đấy mình giới thiệu cho người khác thì nó lại không tốt như ban đầu nữa. Không biết có phải do tính cách xấu của mình không?” – ông Tiến băn khoăn.

Tìm đường bán tài sản trí tuệ

“Nghe buồn cười lắm nhỉ. Chúng tôi đến ngày hôm nay có tài sản hữu hình và vô hình là 10.000 đôi chân di động. Điều này rất tốt nhưng cũng dở. Chúng tôi có 10.000 người, nhưng không sở hữu được mấy patent (bằng độc quyền sáng chế - PV). Tôi cam kết thay đổi chuyện này ở FPT Software” – ông Tiến nói về bước chuyển của công ty.

Để hiện thực hóa chiến lược này, ông Tiến vẽ một con đường mới cho đội ngũ kỹ sư của công ty: “Ở đây, ngoài con đường trở thành nhà quản lý, nhà lãnh đạo thì có con đường sáng hơn, đẹp hơn là trở thành những chuyên gia công nghệ. Lương của chuyên gia công nghệ có thể bằng lương tổng giám đốc. Những chuyên gia công nghệ được công nhận sẽ có thu nhập tối thiểu ví dụ như là 500 triệu đồng/năm, 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nếu bạn nào phát triển được các sản phẩm đăng ký được bản quyền hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế sẽ được công ty chia sẻ lợi nhuận suốt đời”.

Ngoài chuyện tiền bạc, ông Tiến quan tâm tới những ghi nhận “vô hình” dành cho các chuyên gia công nghệ được công nhận: “Các bạn chuyên gia công nghệ thay vì đeo thẻ màu đen như mọi người sẽ mang thẻ màu xanh và dây xanh, và số đấy rất chọn lọc để ít nhất là giống như đeo huân huy chương. Đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là áp lực bởi có thể bị tước thẻ. Tôi nói rằng, sau một năm mà chỉ số KPI không đóng góp về mặt công nghệ, không đóng góp về mặt đào tạo các bạn trẻ hơn, chuyên gia công nghệ sẽ bị tước thẻ, lại
quay về thẻ đen”.

Trong định hướng phát triển và thương mại hóa tài sản vô hình, FPT Sofware chọn những công việc mới với tất cả mọi người. “Bây giờ mà động vào tin học hàng không, ngân hàng thì mình sau IBM, Infosys cả 20 năm. Nhưng với Cloud, Big Data (điện toán đám mây, dữ liệu lớn - PV) thì mình chỉ sau họ 2 năm là cùng. Trên thế giới đang có trào lưu chuyển nhà (digial transformation).

Ông nào cần chuyển nhà nhanh, giá hợp lý, hiệu quả, tôi chuyển. Chưa hết, vì trên nhà mới có những thứ mà lấy từ nhà cũ không dùng được nữa, phải làm mới. Chúng tôi tự tin trong cạnh tranh vì việc đó mới mẻ với cả khách hàng, mới với cả đối thủ và tất cả mọi người” – ông Tiến lạc quan.

Ông Hoàng Nam Tiến sinh năm 1969, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai của FPT, từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong tập đoàn này:

- Năm 1993: Gia nhập Công ty FPT
- Năm 1995: Phó Giám đốc Trung tâm Phân phối máy tính FDC
- Năm 1996: Trưởng phòng Kinh doanh FPT Hà Nội
- Năm 2002: Phó Giám đốc Chi nhánh FPT TP.Hồ Chí Minh
- Năm 2003: Tổng Giám đốc Công ty TNHH phân phối FPT
- Từ 2003 đến 2012: Thành viên HĐQT Công ty cổ phần FPT
- Năm 2011 đến nay: Chủ tịch Công ty phần mềm FPT (FPT Software).

Sau hơn 4 năm dưới sự dẫn dắt của ông Hoàng Nam Tiến, Công ty FPT Sofware đã có sự phát triển mạnh:
- Nhân sự: Từ hơn 3.000 lên gần 10.000 người
- Doanh thu: Từ hơn 60 triệu USD lên gần 200 triệu USD/năm
- Tăng trưởng: Duy trì tốc độ 30-40% /năm.