“Khởi nghiệp là việc rất khó. Các bạn phải dành ra 20 tiếng mỗi ngày, không nghỉ cuối tuần, không có thời gian cho gia đình, người thân, bạn bè. Mọi người đều ghét bỏ bạn vì điều đó. Tôi luôn thấy startup cô đơn như một ngọn cờ”.

Đây là chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software về cái giá mà các startup phải đánh đổi trong hành trình khởi nghiệp gian khó tại buổi tọa đàm "Khởi nghiệp hay thôi, tại sao?" do Ban Thanh thiếu niên VTV6 tổ chức.

Ông Nguyễn Thành Nam và BTV Quốc Lê giới thiệu về buổi tọa đàm. Ảnh: Loan Lê

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp, ông Tiến cho rằng, các startup có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, thời điểm còn trong trường đại học là thích hợp nhất bởi lúc đó, các bạn trẻ có đầu óc rộng mở, không có gánh nặng cơm áo, gạo tiền.

“Người ta vẫn nói startup viển vông, nhưng có ảo tưởng mới là ước mơ. Và nếu khởi nghiệp, các bạn không nên bắt đầu trong các tập đoàn lớn, bởi ở đó các bạn sẽ rất thiệt thòi. Xung quanh bạn toàn là những người thành công. Các quy trình, báo cáo, KPI sẽ tạo ra áp lực và vùi dập hết những sáng tạo, mộng mơ của startup” – ông Tiến nói thêm.

Ngược lại với quan điểm của ông Tiến, bà Vũ Nguyệt Ánh – CEO của Rudicaf - lại cho rằng, các bạn trẻ nên đi làm, trải nghiệm từ 3-5 năm tại các công ty, tập đoàn lớn để học hỏi kinh nghiệm, thu nhận kiến thức và tích lũy các mối quan hệ.

TS Lê Thống Nhất chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp. Ảnh: Loan Lê

Chia sẻ câu chuyện của chính mình, TS Lê Thống Nhất - CEO Bigschool - hào hứng kể về tuổi 60 khởi nghiệp:“Nhờ sự từng trải của cả cuộc đời làm giáo viên và các ý tưởng sáng tạo nên tôi gọi vốn rất đơn giản. Bigschool ra mắt từ giữa năm 2016, đến nay tôi đã có 14 đối tác, trong đó 3 đối tác đến từ nước ngoài. Có 3 đơn vị đồng ý đầu tư vốn đủ để tôi thực hiện các dự định của mình với Bigschool”.

Với câu hỏi "nếu không biết lập trình thì nên khởi nghiệp như thế nào" của sinh viên Ngô Tiến Hiển - Đại học Ngoại thương, TS Lê Thống Nhất cho biết, bản thân ông không biết gì về công nghệ nhưng vẫn cho ra đời 2 sản phảm công nghệ thành công là Cuộc thi tiếng Anh và Toán học trực tuyến. Ông nhấn mạnh: “Những người biết lập trình khi sáng tạo có thể tự giới hạn các ý tưởng trong khả năng của họ. Người không biết lập trình có lợi thế là nghĩ ra được nhiều ý tưởng vượt mọi biên giới”.

Trả lời câu hỏi chủ đề của buổi tọa đàm - khởi nghiệp hay thôi, bà Vũ Nguyệt Ánh nói rằng, để khởi nghiệp, cần hội tụ đủ 2 yếu tố là cực kỳ đam mê một lĩnh vực và cực kỳ đam mê việc khởi nghiệp: “Nó phải như cơn nghiện. Bạn nhất định phải lao vào, xây dựng, chiến đấu, lăn sả vì nó”. Bà Nguyệt cũng cho rằng, thời điểm này phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất mạnh. Tuy nhiên, nếu không biết cân đối, có thể phong trào này sẽ mang đến tác dụng phụ, đó là “ai cũng đi khởi nghiệp”.

Ông Hoàng Nam Tiến. Ảnh: Loan Lê

Theo ông Hoàng Nam Tiến, phong trào startup Việt dù mạnh nhưng vẫn đang thiếu nhiều thứ. Ông kể, khi đến thăm thung lũng Silicon (Mỹ), ông đã gặp rất nhiều nhà đầu tư thiên thần với năng lực rất đặc biệt, đó là khả năng lắng nghe các bạn trẻ trình bày “những điều rất lăng nhăng và không bài bản”.

“Họ đã tìm thấy giữa những lời trình bày lộn xộn đó những ý tưởng đặc biệt xuất sắc và họ sẵn sàng nuôi dưỡng điều đó. Chúng ta cần những con người sẵn sàng đầu tư cho mọi ý tưởng điên rồ có thể thay đổi cả thế giới như vậy” - ông Tiến nói.