“Thay vì một triệu người có một Nguyễn Hà Đông. Ví dụ làm ra 100 triệu USD thì làm sao để hơn 90 triệu dân khởi nghiệp sáng tạo, mỗi người kiếm 1.000USD. Nhìn vậy 90 triệu người Việt là 90 triệu người sáng tạo. Như thế, những người khởi nghiệp không cảm thấy nản lòng”.

>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh

Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ góc nhìn về cách khuyến khích khởi nghiệp ở Việt Nam.

Startup là mới

Sau buổi sáng thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viện NCPT Viettel), tận nơi xem và chạm vào sản phẩm công nghệ viễn thông và quốc phòng tiên tiến do chính những người Viettel nghiên cứu, sản xuất, chúng tôi được Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) dành cả buổi chiều một ngày cuối năm cho cuộc trò chuyện cởi mở.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel. Ảnh: Trần Thọ

Ấn tượng với hệ thống máy thông tin đang được sản xuất để trang bị cho toàn bộ lực lượng bộ binh, hệ thống cảnh giới vùng biển, vùng trời đang được trang bị cho hải quân và không quân, hệ thống thiết bị viễn thông 4G… mà Viện NCPT Viettel đã làm chủ công nghệ lõi, câu hỏi đầu tiên chúng tôi dành cho ông Hùng là về triết lý startup ở Viettel và cụ thể là tinh thần startup ở Viện NCPT Viettel.

“Startup, quan trọng nhất là cần một ý tưởng mới, mang tính đổi mới sáng tạo, hoặc là một công nghệ mới, một mô hình kinh doanh mới, hay là một cách làm mới. Phải mới” - ông Hùng bắt đầu bằng sự thống nhất cách hiểu về startup trong khái niệm khởi nghiệp nói chung.

“Vậy Viện NCPT Viettel thì có gì mới không? Nếu xét về công nghệ, Viện NCPT của Viettel dù đang nghiên cứu và sản xuất theo những công nghệ mới nhất và có rất ít quốc gia trên thế giới làm được, nhưng đã từng có người làm được rồi thì xét về mặt công nghệ, như vậy là không mới. Nhưng Viện NCPT có cách làm mới. Cách là làm sao việc các nước kia làm mất cả trăm năm thì Viện NCPT Viettel làm mất 5 năm thôi. Nếu startup được định nghĩa là làm cái cũ theo một cách làm mới thì Viện NCPT Viettel cũng có thể là một startup” - ông Hùng bắt đầu liên hệ hình ảnh startup và Viện NCPT Viettel.

“Viện NCPT Viettel có một phát hiện mới về chuyển giao công nghệ” - ông Hùng phân tích vào chi tiết: “Chúng ta ra đời sau, thường nghĩ làm thế nào để người ta chuyển giao được công nghệ cho mình. Tư duy thông thường là nếu không ai chuyển giao thì không thể làm được. Viettel lại nghĩ ngược lại, công nghệ cao có được là do quá trình lao động, chứ không phải do chuyển giao từ một ai đó. Ai càng đói khát, khát khao, lao động càng nhiều thì sẽ càng giỏi. Tương tự như triết lý trong đạo Phật, muốn giác ngộ người khác thì phải tìm đến những người đã trải nghiệm rồi, họ chỉ còn 1% cuối cùng. Với những người làm công nghệ, khi đã hiểu rõ bản chất đến hơn 90% thì việc tiếp nhận những tri thức quan trọng nhất để hoàn thiện thành 100% có khi chỉ thông qua một câu nói. Viettel tự làm trước, tự mổ xẻ, khó đến đâu thì có thể tìm các chuyên gia để hỏi”- ông Hùng nói về phát hiện mới về cách làm công nghệ ở Viettel.

Trụ sở Viện NCPT Viettel. Ảnh: Loan Lê

“Ban đầu, Viện NCPT Viettel làm được một số công nghệ mà chỉ một số ít nước làm được trong thời gian ngắn. Bây giờ, Viện NCPT Viettel bắt đầu làm những thứ thế giới chưa có. Ví dụ như máy thông tin cho bộ đội, lính đặc nhiệm, công an…. ở nhiều nước và Việt Nam không có; hay với máy bay không người lái, ở một số nước - kể cả Israel, camera quan sát đáng ra phải êm thì lại rất giật. Viettel làm để đảm bảo sản phẩm khắc phục được nhược điểm đó” - ông Hùng giới thiệu tính mới trên bình diện thế giới và khẳng định: “Ở khía cạnh đó, Viện NCPT Viettel là một startup”.

Startup là khao khát

Tiếp tục với câu chuyện đầu tư cho startup, ông Hùng bày tỏ sự sẵn sàng: “Sắp tới, Viettel sẽ có một quỹ để đầu tư cho startup với quy mô ban đầu chừng 10 triệu USD. Triết lý của quỹ này là chỉ mua xung quanh 20% cổ phần để không làm mất đi giá trị của startup” - ông Hùng chia sẻ thông tin.

Giải thích con số chừng 20% này, ông Hùng phân tích: “Nếu mua 51% cổ phần của startup, mình sẽ hại họ. Bởi khi mua 51%, bao giờ mình cũng có xu hướng áp đặt cách quản trị của mình, trong khi họ hoạt động rất khác mình”. Không đầu tư để chiếm quá 20% cổ phần trong startup, nhưng ông Hùng có gợi ý hấp dẫn để các startup có thể đồng hành cùng Viettel sang các thị trường ngoài Việt Nam của tập đoàn này.

“Viettel hỗ trợ định hướng, quản trị, tạo điều kiện kinh doanh trên mạng của mình. Hợp tác với Viettel, các công ty lập tức có trong tay một thị trường hơn 300 triệu dân và sắp tới là 500 triệu - 1 tỷ dân” - ông Hùng nói về cách Viettel muốn đồng hành với startup.

TGĐ của tập đoàn đang kinh doanh ở 11 thị trường trên thế giới còn chia sẻ thêm, để Viettel khởi tạo lĩnh vực mới nghiên cứu sản xuất, điều quan trọng nhất là thị trường chứ không chỉ là vốn, kinh nghiệm... “Viettel nhận ra khó nhất là bán chứ không phải làm. Năm 2011, khi lĩnh vực nghiên cứu sản xuất Viettel ra đời thì lúc đó chúng tôi đã có đủ thị trường. Thời cuộc giờ đã rất khác, doanh nghiệp nào có thị trường thì doanh nghiệp đó sẽ thành công”.

Các nhân viên làm việc tại Viện NCPT Viettel.

Nói startup là nói tính mới trong ý tưởng, trong mô hình kinh doanh nhưng ông Hùng lại đánh giá cao khát vọng của người làm startup, coi đó là điều kiện quyết định cho thành công: “Điều kiện quan trọng nhất của startup là trong tay chẳng có gì cả. Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là startup. Vì chỉ khi ấy mình mới xả thân. Bill Gates, Steve Jobs thành công đều xuất phát từ gara của nhà mình. Sau một năm, khi mà mình đã hình thành ý tưởng, lộ ra khả năng rồi thì mình có thể tìm kiếm nguồn vốn”.

Theo logic ấy, ông Hùng thẳng thắn về quan điểm chọn startup để đầu tư: “Tôi vẫn nghĩ nhiều về chuyện mọi người hay vận động cho các quỹ khởi nghiệp. Tôi nghĩ quỹ này chỉ nên dành cho người chiến thắng. Tức là ý tưởng đã lộ ra sản phẩm, dịch vụ có khả năng vào thị trường. Khởi nghiệp mà dùng tiền của người khác rất khó có thể thành công được”.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel. Ảnh: Trần Thọ

Theo ông Hùng, các bạn trẻ đang đứng trước cơ hội lớn trăm năm có một để khởi nghiệp. “Thế kỷ 21 với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề sáng tạo công nghệ không còn là quan trọng nhất mà điều quan trọng là giải câu chuyện cuộc sống cần gì. Công nghệ là thứ khó nhất, giờ đã có sẵn. Điều quan trọng là nhìn thấy và giải quyết những nhu cầu của cuộc sống, nhìn thấy nỗi đau và giải quyết nỗi đau” - ông Hùng phân tích.

“Số đông nên chọn việc dễ nhất, đó là tìm ra nhu cầu thị trường” - ông Hùng gợi ý. Chiến lược, cách làm của Viettel là tự làm, tự trải nghiệm, dùng nỗi đau và trải nghiệm của mình: “Những cái khởi nghiệp làm cho mình hoặc làm cho người thân của mình là tốt nhất. Hiện nay Viettel làm gì cũng đề nghị “người nhà” dùng trước, áp dụng trước tiên cho nhóm nhỏ, sau đó mở rộng dần. Ví dụ như hệ thống VOffice - được xây dựng từ chính bài toán quản lý của Viettel, đã trải qua rất nhiều quá trình thử nghiệm, trước khi trở thành kênh trình ký, lưu hành văn bản chính của tập đoàn. Hiện nay 98% số văn bản trình ký của Viettel đã được xử lý qua kênh này, một số doanh nghiệp bên ngoài Viettel đã bắt đầu áp dụng vào công tác quản lý”.

“Thay vì một triệu người mới có một Nguyễn Hà Đông - ví dụ làm ra 100 triệu USD - thì nên làm sao để hơn 90 triệu dân khởi nghiệp sáng tạo, mỗi người kiếm 1.000USD. Nhìn vậy thì 90 triệu người Việt Nam là 90 triệu người sáng tạo. Như vậy, nó không làm nản lòng người khởi nghiệp” - ông Hùng bày tỏ góc nhìn của mình về phương cách khuyến khích khởi nghiệp ở Việt Nam.

Viettel: Lúc nào cũng là số 0 (*)

Nhà Phật có lý thuyết về xả bỏ, tri thức mà chúng ta đã dùng đến một lúc nào đó cũng sẽ trở thành chướng ngại để chúng ta đi tiếp. Điều này được giải thích qua hình ảnh một người đọc sách. Chúng ta đọc 10 cuốn sách thấy hay quá, liền cầm đem theo, khi gặp 10 cuốn sách hay nữa cũng lại mang theo. Nếu có 100 cuốn sách thì chúng ta không đi được nữa. Cách tốt nhất là hãy bỏ những cuốn sách đó đi, chỉ giữ lại tinh thần của nó và tìm những cuốn sách mới để nạp thêm những tri thức mới.

Ở Viettel, chúng tôi cũng luôn tìm cách để xả bỏ, để mình luôn luôn là số 0, từ đó làm mới mình và khởi tạo những việc mới. Năm 2006, khi Viettel đang bắt đầu thành công ở thị trường trong nước thì chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài. Thị trường đầu tiên là Campuchia. Lúc đó, chúng tôi cũng gần như bắt đầu từ số 0 vì tiếng không biết, văn hoá của họ mình cũng chưa biết, quy trình, quy định của đất nước Campuchia cũng phải tìm hiểu từ đầu.

Năm 2013, khi chúng tôi đã bắt đầu khẳng định được chiến lược và con đường đi của mình ở thị trường nước ngoài thì Viettel lại khởi tạo một cuộc chơi mới là CNTT. Giờ nguồn lực CNTT của Viettel chắc chỉ sau FPT. Bây giờ, Viettel đang thực hiện ước mơ của chú Trực là sản xuất thiết bị viễn thông. Năm 2016, Viettel cho ra trạm BTS 4G do chính kỹ sư của chúng tôi sản xuất.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một thiết bị hạ tầng viễn thông của người Việt Nam, nghiên cứu và sản xuất chế tạo ở Việt Nam. Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, chúng tôi cũng tham gia vào công nghiệp quốc phòng.

Hiện nay, Viettel đã sản xuất và cung cấp toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cho lục quân và sắp tới sẽ làm chủ và sản xuất toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cho hải quân và không quân. Viettel cũng có một ước mơ để không ai có thể gây chiến tranh với mình, vì thế chúng tôi nghiên cứu vũ khí công nghệ cao; vì thật ra, chẳng ai bán vũ khí công nghệ cao nhất cho mình.

Như vậy là, với việc khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới, Viettel lúc nào cũng là số 0; nhưng mỗi khi bắt đầu từ số 0 thì chúng tôi luôn nghĩ tới tinh thần khởi nghiệp của mình ngay từ những ngày đầu, đó là lăn xả, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm làm đến cùng.

Hiện nay, chúng tôi đang phải đối mặt với một thay đổi mang tính lịch sử của ngành viễn thông. Đó là thời đại của alô (tức là chỉ có thoại và tin nhắn) đã hết rồi bởi vì những dịch vụ này đang bị các OTT chia sẻ.

Ví dụ: Facebook đã cho phép người ta nhắn tin, gọi điện thoại cho nhau miễn phí. Những doanh nghiệp viễn thông như Viettel muốn tăng trưởng thì cần phải tìm ra những việc mới, tạo ra những giá trị mới cho khách hàng, phải nghĩ khác về viễn thông, nghĩ khác so với những gì mình đã từng nghĩ khi viễn thông ở thời alo.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng

(*) Chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng tại Tọa đàm phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2016, tiêu đề do tòa soạn đặt.