Khái niệm đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) còn rất mới lạ đối với người Việt Nam. Vì vậy, để thu hút các nhà đầu tư, Nhà nước cần đi đầu trong đầu tư mạo hiểm để thu hút nguồn lực cho lĩnh vực này.

Bên lề lễ khai trương VSV Corner (Viet Nam Silicon Valley) thuộc đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon” tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã chia sẻ về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng Thứ trưởng Trần Văn Tùng đang lắng nghe bà Thạch Lê Anh giới thiệu mô hinh làm việc của VSV.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng Thứ trưởng Trần Văn Tùng đang lắng nghe bà Thạch Lê Anh giới thiệu mô hinh làm việc của VSV.

Chính sách chưa tạo được đặc thù

Với vai trò là người lãnh đạo Bộ KH&CN - đơn vị chủ trì thực hiện đề án VSV, ông có nhận xét như thế nào về tiềm năng phát triển của các start-up Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc phát triển các start-up, người Việt chúng ta thông minh không thua kém dân tộc nào. Chúng ta có nhiều bạn trẻ đam mê khoa học. Với lực lượng trẻ có trình độ cao, học vấn cao, được đào tạo rất bài bản, thậm chí họ được đào tạo hầu hết ở các nước phát triển, tôi tin họ có thể trở thành những start-up thành công. Đây cũng chính là tiềm năng của chúng ta cần được tận dụng hơn nữa.

Tuy nhiên vấn đề lớn nhất hiện nay đó chính là nhận thức. Gần như những người làm quản lý không hiểu gì về hệ sinh thái khởi nghiệp. Có rất ít người đọc về quốc gia khởi nghiệp của Israel, hiểu thế nào là đầu tư mạo hiểm. Vì thế khi làm cơ chế, chính sách, chúng ta không đáp ứng được đặc thù của ĐTMH, không có động lực để cho những nhóm start-up có thể tiếp cận với các nhà đầu tư. Chúng ta cũng rất thiếu nguồn lực đầu tư.

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ nhìn xem Nhà nước đối xử với một đối tượng nào đó như thế nào thì người ta mới có thể yên tâm đầu tư. Nếu Nhà nước còn không đầu tư mạo hiểm thì làm sao tư nhân dám làm?

Như vậy với Việt Nam thì ĐTMH có thể xem là một khái niệm mới và nhiều người còn cho rằng lĩnh vực đầu tư này gặp nhiều rủi ro. Bộ trưởng có đồng tình với quan điểm này?

Đúng là khái niệm đầu tư mạo hiểm còn rất mới lạ đối với người Việt Nam. Chúng ta chưa quen ĐTMH, thậm chí nhiều người kể cả làm quản lý ở cấp cao nghĩ đã là khoa học thì phải thành công, Nhà nước đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu thì phải thành công. Người ta không chấp nhận làm khoa học thì phải rủi ro.

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu, làm khoa học cũng phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại nhưng làm sao đó để một vài dự án thành công trong số hàng chục dự án đầu tư là có thể đem lại lợi nhuận bù đắp cho tất cả các dự án thất bại. Chúng ta gọi là ĐTMH thành ra nhiều người hiểu sai vấn đề, thực ra đây là một khoản đầu tư mang tính mạo hiểm nhưng hàm chứa trong đó yếu tố sẽ có một phần nào đó hy vọng thành công.
Như vậy, vấn đề quan trọng là nhận thức của xã hội phải làm quen với khái niệm ĐTMH, Nhà nước phải đi trước một bước, làm mẫu trong lĩnh vực ĐTMH để các nhà đầu tư tư nhân nhìn thấy lĩnh vực ĐTMH được Nhà nước bảo vệ, quan tâm và họ sẽ dành nguồn lực đầu tư để ĐTMH cùng Nhà nước.

Chúng ta phải làm sao để ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động ĐTMH mà không tạo ra hệ lụy như nhiều người hiện nay vẫn nhầm lẫn. Nếu ngân sách nhà nước đầu tư thất bại thì họ sẽ cho rằng chúng ta thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc làm lãng phí ngân sách nhà nước, những người làm khoa học sẽ không dám tiếp nhận nguồn vốn mang tính ĐTMH.

ĐTMH hiểu đúng nghĩa là, chúng ta chấp nhận thất bại của các dự án để tìm ra được một dự án thành công. Khi dự án thành công đem lại kết quả sẽ bù đắp cho tất cả các thất bại kia. Chúng ta có thể mất dự án này, dự án kia nhưng chúng ta sẽ thu lại từ dự án thành công. Kết quả, Nhà nước vẫn hoàn toàn bảo lưu được nguồn vốn đầu tư của mình và sẽ thấy đầu tư không hề thất bại. Chúng ta phải có một hệ thống để điều chỉnh, khống chế, quản lý để làm sao trong số các dự án đầu tư phải có thành công, đừng để tình trạng đầu tư bao nhiêu nhưng kết quả không đạt được gì thì thật sự lãng phí.

Khái niệm ĐTMH chỉ tồn tại trong lĩnh vực KH&CN, đó là thị trường công nghệ, còn các lĩnh vực khác người ta không chấp nhận ĐTMH.

Như vậy, về phía Nhà nước, chúng tôi sẽ là những người chăm lo cho xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có những hệ thống về ĐTMH. ĐTMH quan trọng nhất là có người tiếp nhận đầu tư - tức là các nhà đầu đầu tư, có thể là Nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp - có thể tìm kiếm trong các dự án và chọn ra những dự án có khả năng thành công. Giả sử không thành công thì họ chia sẻ những rủi ro đó với những người làm doanh nghiệp. Chỉ có như thế thì chúng ta mới có thể hình thành được văn hóa mạo hiểm.

Các lĩnh vực triển vọng

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực nào các start-up Việt Nam đang được khuyến khích và có thế mạnh phát triển?

Hiện nay, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ điện tử là các lĩnh vực mà giới trẻ Việt Nam vừa đam mê, vừa có năng lực rất tốt. Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi hy vọng có nhiều start-up nhất, còn các lĩnh vực khác cũng sẽ có thể phát triển một khi chúng ta đã thành công trong hai lĩnh vực lớn này.
Chúng tôi thí điểm đề án VSV để đi những bước đi đầu tiên trên hệ sinh thái khởi nghiệp. Chúng tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều những kinh nghiệm khởi nghiệp của các nước đi đầu như Israel hoặc Hàn Quốc. Hai năm qua, chúng tôi đã có những bước thành công. Tiêu biểu đó là hai công ty đã nhận được đầu tư của VSV năm 2014, bao gồm Lozi và TechElite. Những sản phẩm của các start-up đầu tiên chỉ là ý tưởng, khi tiếp cận với các nhà đầu tư trở thành những doanh nghiệp không phải là nhỏ. Các doanh nghiệp khi được các nhà đầu tư quan tâm có thể định giá gấp hàng chục lần với giá ban đầu.

Vậy Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách gì đối với đầu tư mạo hiểm, thưa Bộ trưởng?

Hiện chưa có luật nào nói đến điều này ngoại trừ Luật Công nghệ cao (2008). Vì vậy, cần đưa hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐTMH vào trong luật, đồng thời triển khai các văn bản hướng dẫn. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với các bộ, ngành có một chương về ĐTMH trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc Luật Công nghệ cao sửa đổi, bổ sung.
Sau đó cần có các nghị định quy định rất cụ thể, làm thế nào để ĐTMH; ai có điều kiện để ĐTMH; cơ chế hoạt động của nó như thế nào và lợi nhuận của nó ra làm sao. Khi đó mới có một môi trường pháp lý thật sự đầy đủ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley: Việt Nam là điểm đến tập trung cho khởi nghiệp công nghệ
“Việt Nam hoàn toàn có thể có một thị trường ĐTMH, điều quan trọng là đối với nhà đầu tư phải có một thị trường. Việc thành lập VSV Corner chính là một địa điểm cho các nhà đầu tư tìm đến, đầu tiên là nhà đầu tư nước ngoài khi họ nhìn thấy đây có thể trở thành thị trường ĐTMH. VSV Corner ra đời đánh dấu sự tập trung của VSV trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Chúng ta cũng nhìn thấy được rằng, các nước bạn trong khu vực đã bắt đầu công nhận và nhìn nhận thị trường Việt Nam là điểm đến tập trung cho khởi nghiệp công nghệ và là một trong những thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư cũng như cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường”.