Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, nếu không chuẩn bị, sẵn sàng đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là điều chắc chắn xảy ra. Chính vì vậy, nhu cầu đổi mới công nghệ cần được xem là điều kiện tiên quyết đối với mỗi doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết, hiện có nhiều chương trình quốc gia mà bộ đang triển khai và chắc chắn doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với công nghệ mới; tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để có thể triển khai các dự án sản xuất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Cơ hội để doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Mới đây, theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015 - do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) - vừa công bố, đã ghi nhận Việt Nam tăng ngoạn mục tới 19 bậc trên bảng xếp hạng GII. Như vậy có nghĩa Việt Nam đứng thứ 52 (so với vị trí 71 năm 2014 và 76 năm 2013) trên tổng số 141 nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả đổi mới sáng tạo thì Việt Nam lại giảm 4 bậc. Điều này cho thấy các yếu tố đầu ra - tức là việc đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp - vẫn chưa được như mong muốn.
Một gian hàng tại Techmart2015. Ảnh Lê Loan
Một gian hàng tại Techmart2015. Ảnh Lê Loan

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, chủ trương đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì thế thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN xây dựng chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, cùng với đó là thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỉ đồng.
Mục tiêu thành lập quỹ là để hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới, trước mắt là tập trung cho các doanh nghiệp KH&CN. Hiện hệ thống văn bản quy định về cơ chế hoạt động cũng như chi tiêu tài chính đã được hoàn thiện và quỹ chính thức hoạt động từ năm 2015.
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chuyển giao nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Đồng thời, chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 - mới ban hành năm 2014 - còn hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp một phần chi phí xây dựng thuyết minh dự án và một phần kinh phí thực hiện đối với dự án chuyển giao công nghệ có tính khả thi.
Ngoài chương trình Đổi mới KH&CN quốc gia và thành lập quỹ thì việc hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân - đặc biệt là doanh nghiệp - còn thông qua nhiều chương trình khác mà Bộ KH&CN đang triển khai cũng khá đầy đủ. Ví dụ như chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia; chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao; chương trình Nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; chương trình Hỗ trợ cho DN KH&CN; chương trình Nông thôn - miền núi…
Nhìn chung, việc tăng thêm các chính sách mới hỗ trợ DN đã cho thấy sự thúc bách của việc đẩy nhanh chuyển giao và ứng dụng công nghệ ở Việt Nam.
Phụ thuộc nhiều vào ý chí và sức khỏecủa doanh nghiệp
Ông Phan Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia - cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến việc tiếp cận quỹ để đổi mới công nghệ, tuy nhiên việc thực hiện đổi mới công nghệ thì cũng chỉ ở mức độ vừa phải.
Lý giải về việc doanh nghiệp chưa đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, ông Sơn cho biết, qua thực tế phản ánh thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó nhất vẫn là vấn đề vốn. Tức là họ cần số vốn đủ lớn để đổi mới công nghệ.
“Thêm nữa, tình hình sản xuất kinh doanh cũng khó khăn nên nhiều đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn” - ông Sơn nói.
Mặc dù cho rằng trước nhu cầu thực tế, doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, nhưng cũng theo ông Sơn, điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào “sức khỏe” của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp mạnh thì họ mới sẵn sàng đổi mới công nghệ. Bây giờ quỹ cũng chỉ hỗ trợ được một phần (hỗ trợ 30%, doanh nghiệp phải tự lo 70%), do vậy doanh nghiệp muốn làm dự án nào đó thì cũng phải chủ động đầu tư vốn là chính. Vì vậy nếu “sức khỏe” của doanh nghiệp không ổn thì không thể có hỗ trợ nào xuể. Trong khi đó, vay ngân hàng cũng không phải dễ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, ít rủi ro thì họ mới cho vay. Vì vậy nếu doanh nghiệp không có thực lực mà chỉ đi vay hoặc dựa vào quỹ thì không dễ để có thể đổi mới công nghệ” - ông Sơn khẳng định.
Báo cáo điều tra Năng lực cạnh tranh và công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam - do Viện Quản lý kinh tế Trung ương vừa thực hiện - cho thấy, các trở ngại của doanh nghiệp phải đối mặt trải dài từ vấn đề về tài chính, nguồn nhân lực cho đến các vấn đề mang tính chất vĩ mô như sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, trong đó vấn đề tài chính được nhấn mạnh như là trở ngại chính mà doanh nghiệp gặp phải. Doanh nghiệp không có khả năng đầu tư cho cải tiến công nghệ bởi những hạn chế về tín dụng hoặc không đủ vốn tự có.
Theo đó, có tới 90% trong tổng số 8.000 DN được điều tra (trong thời gian 4 năm) cho biết, hiện họ chưa có chiến lược cải tiến công nghệ do gặp khó khăn về tài chính. Báo cáo điều tra cũng cho biết, một trong những lý do gây cản trở doanh nghiệp đầu tư công nghệ là do môi trường kinh doanh và điều kiện sản xuất kinh doanh của DN vẫn ở trong tình trạng khó khăn.
“Phần lớn các DN Việt Nam dựa vào vốn chủ sở hữu để cải tiến công nghệ, điều đó cho thấy khả năng đầu tư của doanh nghiệp bị hạn chế nguồn vốn có sẵn, ví dụ như lợi nhuận giữ lại” - báo cáo nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để các doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, cần quan tâm tới các giải pháp cụ thể. Theo đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhất là những nội dung của các hiệp định thương mại tự do. Cũng cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KH&CN của chính doanh nghiệp mình thông qua việc thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và dành một phần lợi nhuận trước thuế đầu tư cho quỹ.
“Doanh nghiệp cần nhanh chóng tiếp cận với các quỹ của Nhà nước và xây dựng các dự án đổi mới công nghệ mang tính khả thi để tận dụng được sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn đối ứng cần thiết cho dự án. Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ mới và quy trình quản lý mới” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.