Tình trạng “bình thường mới” gắn với một số thủ tục bắt buộc như đo thân nhiệt hay rửa tay khô trước khi vào lớp có thể khiến các thầy cô và học sinh cảm thấy kém phần thoải mái. Nhưng “bình thường mới” cũng mở ra những cơ hội đổi mới cách thức học tập và thi cử, khi nhiều việc không còn được nhìn theo cách cũ nữa.

Học sinh Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: giaoducthoidai.vn
Học sinh Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Cha mẹ đỡ lo, thầy cô chưa đỡ bận

Ngày 11/5 được gọi vui là “ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” lần thứ hai trong năm học 2019 - 2020, khi hàng triệu học sinh tiểu học, mẫu giáo trở lại trường. Với việc 25 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, các bậc cha mẹ đưa con trở lại trường trong tâm trạng vui mừng, hầu như không còn lo lắng.

Chị Minh Hà, một người mẹ có con học tại trường tiểu học Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết, chị hoàn toàn yên tâm khi cho con đi học. “Chính phủ đã làm rất tốt việc chống dịch, ở trường các thầy cô cũng hết sức tuân thủ những hướng dẫn vệ sinh an toàn mà Bộ Y tế, Bộ Giáo dục [và Đào tạo] khuyến cáo, từ vệ sinh trường lớp đến đo thân nhiệt và nhắc các con xịt rửa tay khô trước khi vào lớp. Dịch đã hạn chế lây lan trong cộng đồng rồi, giờ là lúc chúng ta tập sống chung với nó,” chị nói. Quan trọng hơn, theo chị, còn những dịch bệnh thường niên khác cũng rất nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... “Bởi vậy, nếu các cháu giữ được nề nếp vệ sinh này thì việc đến trường sẽ an toàn về lâu dài, chứ không chỉ khi còn dịch Covid”.

Các biện pháp giãn cách tại trường học mà Bộ GD&ĐT đưa ra lúc đầu cũng đã kịp thời được điều chỉnh cho hợp lý hơn. Mọi việc đều có thể nhanh chóng được điều chỉnh để phù hợp tình hình - đó có lẽ chính là một nét đặc trưng của “bình thường mới”. Tuần trước, khi học sinh THCS và THPT đi học trở lại, thoạt tiên, các trường không được bật điều hòa. Nhưng chỉ 2 ngày sau, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp và thống nhất, với khả năng kiểm soát dịch như hiện nay, điều đó là không cần thiết; và Bộ GD&ĐT đã có văn bản điều chỉnh, hướng dẫn các trường chỉ cần đảm bảo rửa tay, đo nhiệt độ, và không để học sinh tụ tập đông như các buổi mít-tinh, ra chơi dưới sân trường. Ban Chỉ đạo cũng nhắc nhở, một số trường lắp vách ngăn, yêu cầu học sinh đeo mũ chắn giọt bắn trong lớp là quá cứng nhắc, cực đoan.

Trong khi các bậc phụ huynh đã phần nào yên tâm thì các thầy cô chưa hết vất vả và lo lắng để duy trì “bình thường mới”. Cô Phạm Thị Nhung, Khoa Văn hóa phổ thông, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cho biết, trong tuần đầu, khi các lớp 12 đi học và đều chia đôi để bảo đảm giãn cách, cô phải tăng gấp đôi số giờ dạy, đồng thời vẫn tiếp tục dạy online cho các lớp 10 và 11 chưa đến trường. “Các con đi học lại đúng vào lúc trời nóng nực, trường lại không có điều hòa nên nhiều con tâm lý chưa ổn định, nói thích ở nhà để học online. Chúng tôi phải mất ít nhất 1 tuần để ổn định tâm lý cho các con. Bên cạnh đó, nhiều con còn lơ là quy định đeo khẩu trang, rửa tay, khiến chúng tôi phải luôn để ý nhắc nhở. Để kịp đo nhiệt độ cho các con trước khi vào học, chúng tôi phải đến trường sớm ít nhất 30 phút so với trước đây,” cô Nhung chia sẻ.

Tâm lý đối nghịch tây - ta

Có một điều đáng chú ý là ở Việt Nam, việc cho học sinh đi học lại được thực hiện ngược với nhiều nước. Chẳng hạn, ở Nhật, hay một số nước châu Âu, học sinh đi học lại bắt đầu từ lớp nhỏ trước, lớp lớn sau, trong bối cảnh dịch bệnh ở các nước này vẫn rất nghiêm trọng.

Chị Phương Thúy, một người mẹ trẻ sống tại Nhật Bản, có con ba tuổi rưỡi, đang học mẫu giáo, kể: Hồi tháng Hai, khi dịch bùng phát mạnh ở Nhật, các lớp lớn nghỉ học trước; riêng cấp mẫu giáo, mầm non vẫn đến trường, do Chính phủ quan niệm rằng các phụ huynh trẻ là lực lượng lao động chính trong xã hội, mà các bé ở tuổi này không thể tự chăm sóc khi ở nhà một mình. Con chị Thúy vẫn đi mẫu giáo cho đến kỳ nghỉ xuân đầu tháng Ba, sau đó thì Nhật thực hiện giãn cách xã hội và đến tháng Sáu mới đi học lại.

Tương tự, ở Áo, anh Hồng Định, có con gái học lớp 6, con trai học lớp 4, cho biết, anh đã nhận được thông báo cho con đi học lại bắt đầu từ ngày 18/5. Ở nước này, học sinh lớp nhỏ cũng đi học trước, cấp 3 đến 3/6 mới đi học. “Họ cũng cho rằng bố mẹ trẻ là lực lượng lao động chính của xã hội, cần phải quay lại đi làm sớm để khôi phục kinh tế” - anh nói. Hai tâm lý hoàn toàn ngược nhau, khi ở Việt Nam, xã hội dường như luôn bao bọc các em nhỏ hơn.

Với các con anh Định, nhà trường thông báo các biện pháp giãn cách rất rõ ràng: Lớp chia làm 2, một nửa học từ thứ Hai đến thứ Tư, một nửa học thứ Năm và thứ Sáu, tuần sau đổi ngược lại. Bàn ghế được kê theo hình chữ V, hoặc kê so le, trong lớp học không cần đeo khẩu trang, nhưng ra khỏi lớp là phải đeo, 1 tiếng rửa tay một lần, mỗi lần 5 phút. Anh Định chia sẻ, do Áo thực hiện các biện pháp giãn cách sớm nên kiểm soát dịch tốt hơn các nước châu Âu khác. Hơn nữa, Áo dân số nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất tốt, lớp ít học sinh và đặc biệt người dân rất tuân thủ kỷ luật nên cho con đi học anh không lo lắng nhiều. Nhưng, theo anh, “dù sao, xét về tình hình dịch thì tại Việt Nam lúc này cho con đi học yên tâm hơn hẳn ở châu Âu”.

Các nước châu Âu khác - trừ Ý và Tây Ban Nha, hai nước ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19, quyết định cho học sinh nghỉ tiếp đến tận tháng Chín - đều đã mở hoặc có kế hoạch mở cửa lại trường học sau hai tháng dịch Covid-19 hoành hành. Hai nước Đan Mạch và Na Uy cho trẻ đi học từ cuối tháng Tư, cũng với những nhóm trẻ mẫu giáo, nhà trẻ và tiểu học trước. Mặc dù lúc đó châu Âu đang giữa tâm bão dịch, nhiều bậc phụ huynh không tin tưởng vào quyết định mở cửa trường, song Chính phủ hai nước Bắc Âu này vẫn cho rằng sống chung với dịch và khôi phục kinh tế là lựa chọn đúng đắn. Ở các nước châu Âu khác, Đức cho học sinh đi học từ 4/5; Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp - từ 11/5; và Anh - 1/6.

Riêng ở Úc, ngay trong thời gian học sinh được khuyến cáo không đến trường ở mức độ cao, các trường học chưa bao giờ đóng cửa hẳn, để những người buộc phải đi làm như bác sĩ, y tá hay những người lao động mà thu nhập của họ là sống còn với gia đình… có chỗ gửi con. Tuy nhiên, ngày 11/5 vừa qua được coi như ngày trường học các cấp ở nước này chính thức mở cửa lại, dù theo một cách hết sức thận trọng. Chị Quỳnh Anh sống ở Úc, có 2 con đang học lớp 11 và lớp 5, cho biết, việc trở lại trường bắt đầu với tần suất 1 buổi/tuần (trừ học sinh năm cuối cấp THPT học 3-4 buổi/tuần) và theo kế hoạch, đến tháng 8, số buổi học mới khôi phục như cũ. Học sinh cũng chưa bắt buộc phải đến trường mà có thể chọn tiếp tục học online tại nhà. Việc giãn cách được thực hiện nghiêm ngặt, mỗi lớp chỉ duy trì 10 em để đảm bảo cách nhau 1,5m (hay tương đương 4m2/em), nhưng không phải đeo khẩu trang. Và mặc dù đến lớp, các em vẫn học online và hoàn toàn không có giờ ra chơi.

Cải cách việc học sau dịch Covid-19 và xa hơn nữa

Tại Việt Nam, dịch bệnh không còn khiến các phụ huynh quá sợ hãi, nhưng một mối lo khác là việc học hành sẽ trở lại như thế nào để hiệu quả mà các em không bị quá tải, sau mấy tháng chỉ học online. Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh nhằm giảm tải chương trình, được thực hiện ngay khi học sinh đi học trở lại vào 4/5. Cô Nhung cho biết, như môn Toán của cô được giảm 10 tiết, số đầu điểm của học sinh cũng được giảm. “Nhưng nếu còn thời gian, chúng tôi sẽ vẫn ôn tập cho các con,” cô nói.

Từ trước đó, trong thời gian học online tại nhà, học sinh các lớp cuối cấp THCS, THPT đã được hướng dẫn học và ôn thi theo chương trình giảm tải. Việc thi tốt nghiệp lớp 12 năm nay đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh: đề thi theo chương trình giảm tải; học sinh không muốn thi tốt nghiệp, không học lên cao có thể được cấp chứng chỉ tốt nghiệp; các trường đại học có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển tùy theo yêu cầu. Đó là những điều chỉnh được cho là phù hợp với tình hình sau dịch.

Sau một thời gian học tập trong điều kiện dịch bệnh bất thường, quay về nhịp độ cũ đã có thể coi là thành công. Nhưng cũng có nhiều giáo viên và giảng viên không còn hài lòng với “bình thường cũ” nữa, bởi giai đoạn hoàn toàn chuyển sang dạy trực tuyến đã gợi ý cho họ những cách làm tốt hơn. “Có thể thiết kế lại bài giảng theo hướng đa phương tiện. Và cần đa dạng hóa các đầu điểm. Thông thường, học trên lớp chỉ có điểm chuyên cần, điểm bài tập, điểm bài điều kiện nhưng giờ đây chúng ta có thể nghĩ đến điểm thưởng cho những sinh viên đặt câu hỏi hay, tích cực thảo luận về bài giảng, hoặc có nỗ lực tìm tòi những tài liệu học tập tốt. Cũng cần tăng cường bài tập cá nhân và bài tập nhóm theo các hình thức khác nhau,” TS Mai Anh Tuấn, giảng viên ĐH Văn hóa, Hà Nội, nói.

Đặc biệt, các thảo luận về kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục sôi nổi, dù kế hoạch đã được chốt cho năm nay. Một số ý kiến cho rằng, nên chấm dứt kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn tốn nhiều công sức và tiền của mà hiệu quả không rõ ràng; và có thể tính đến các phương pháp đánh giá khác nhằm công nhận tốt nghiệp, chủ yếu dựa trên điểm số học tập qua nhiều năm của học sinh và đánh giá của giáo viên, như các nước Mỹ, Anh, Pháp, Indonesia… đã làm; còn các trường ĐH-CĐ, theo hướng lâu dài, sẽ tổ chức xét tuyển riêng theo chuẩn đầu vào mà họ xây dựng.

“Vấn đề tốt nghiệp THPT, theo tôi, đã đến lúc giảm bớt mức độ trầm trọng hóa thi cử nhưng cần chú trọng vào định hướng, giáo dục nghề nghiệp sớm. Còn tuyển sinh ĐH-CĐ, xét trong bối cảnh hiện tại, lại cần được khuyến khích theo hướng tinh lọc, chất lượng và được giám sát chặt chẽ, minh bạch. Chỉ như thế thì giá trị ĐH-CĐ với tư cách đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao mới từng bước khả thi,” TS Mai Anh Tuấn bày tỏ.