Sau thành công của dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, bảo quản và chế biến gừng phục vụ xuất khẩu tại Vĩnh Phúc”, Vĩnh Phúc đã có nhiều doanh nghiệp triển khai trồng và thu mua gừng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau thành công của dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, bảo quản và chế biến gừng phục vụ xuất khẩu tại Vĩnh Phúc” gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp triển khai trồng và thu mua gừng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Vườn trồng gừng ở Vĩnh Phúc.

Là dự án thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi đã được nghiệm thu từ năm 2015, dự án đã xây dựng được 4 mô hình trồng và chế biến gừng, gồm: Mô hình nhân giống gừng trong bao với quy mô 1ha, năng suất đạt 36 tấn/ha đã lựa chọn trong đó 17 tấn gừng để làm giống; mô hình trồng gừng trong bao và trên đồng ruộng, với quy mô 6ha (3ha trồng trên đồng ruộng và 3ha trồng trong bao), với 43 hộ gia đình tham gia; mô hình chế biến gừng tươi, với quy mô nhà sơ chế 200m2, nhà kho lưu trữ 300m2, mô hình bảo đảm tính liên hoàn từ khâu thu hoạch, sơ chế, phân loại bảo quản lạnh và sấy khô hoặc chưng cất tinh dầu. Gừng tươi được bảo quản sau 6 tháng gừng không bị hư hỏng, tổn thất, vẫn bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.


Ông Bùi Đức Thọ - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN Vĩnh Phúc - cho biết, dự án đã góp phần nâng cao thu nhập của 43 hộ dân tham gia mô hình, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp hiện tại (như trồng lúa, ngô, khoai lang, ...).

Cụ thể với sản lượng gừng tươi thu được 195 tấn, tổng doanh thu đạt 1,95 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí mỗi hộ gia đình trồng gừng bình quân thu lãi 20 triệu đồng/năm.

Dự án cũng đã tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho người dân trong vùng thuộc dự án; đồng thời là cơ sở cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng đất trồng gừng cho địa phương, phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Dự án góp phần thúc đẩy phát triên nông nghiệp một cách bền vững.