Từ những người dân miền núi nghèo, không quan tâm đến tiến bộ kỹ thuật nhưng nay không ít người đã nắm vững quy trình sản xuất để có thể trồng cây rừng cho năng suất cao, chăn nuôi gia súc lớn nhanh để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo ông Vũ Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Giang, mặc dù trong quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn gặp một số khó khăn do trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế song các dự án thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Chương trình Nông thôn - Miền núi) đã thực sự góp phần rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang bởi đã đưa được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật đặc biệt là các quy trình kỹ thuật từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến với người dân một cách nhanh nhất và tốt nhất.

Thảo quả được coi là cây thoát nghèo cho bà con ở Hà Giang. Ảnh: Đức Long
Thảo quả được coi là cây thoát nghèo cho bà con ở Hà Giang. Ảnh: Đức Long

Phát triển thế mạnh của rừng, du lịch, thủy sản

Ông Vương cho biết, Chương trình Nông thôn - Miền núi giai đoạn 2016-2020, Hà Giang triển khai các dự án tập trung vào phát triển một số lĩnh vực kinh tế được coi là thế mạnh của tỉnh như kinh tế rừng, du lịch và phát triển chăn nuôi, thủy sản. Đối với kinh tế rừng, các dự án tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến gỗ và trồng dược liệu dưới tán rừng, trong đó có phát triển thảo quả và cây lan kim tuyến.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Hà Giang có khoảng 30.000ha thảo quả với khoảng 50% số hộ trồng thảo quả có thu nhập từ 25-30 triệu đồng/năm, 10% số hộ trồng có thu nhập trên 60 triệu đồng/năm, đặc biệt có những hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ thảo quả, “góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh” - ông Vương nói.

Bên cạnh đó, Hà Giang đang phê duyệt dự án phát triển nửa triệu con giá súc, trong đó tập trung chủ yếu vào phát triển giống bò vàng của người Mông. Hiện nay giống bò vàng có giá trị kinh tế cao, nhưng do tập quán chăn thả tự nhiên nên giống có nguy cơ bị suy thoái do lai tạo cận huyết. Do đó, các đề tài tập trung nghiên cứu để tuyển chọn những con bò đực và bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại 4 huyện vùng cao nguyên đá (Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ), khai thác sản xuất tinh đông lạnh phục vụ cho công tác bảo tồn và phối giống.

Kết quả bước đầu cho thấy, tính đến thời điểm tháng 6/2017, đã có gần 2.000 bê con ra đời từ thụ tinh nhân tạo có trọng lượng mới sinh đạt từ 23-26kg - cao hơn bê con sinh ra do phối giống tự nhiên từ 4-5kg; tỷ lệ thành công từ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò đạt trên 68%. Đồng thời phương pháp thụ tinh nhân tạo cũng đã góp phần khắc phục hiện tượng gia súc giao phối đồng huyết và cận huyết dẫn đến suy thoái chất lượng đàn bò; phát huy được những ưu điểm vượt trội như thể trạng bò lớn hơn, khả năng chống chịu với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cao hơn so với gia súc sinh ra từ giao phối tự nhiên…


Lặp lại để dân nắm vững kỹ thuật

Ông Vũ Văn Vương cho biết, từ các dự án đã triển khai trong giai đoạn trước cho thấy một thực tế, trong quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gặp nhiều khó khăn do trình độ nhận thức của người dân vẫn hạn chế nên “khi có chuyên gia hướng dẫn, bà con làm tốt nhưng khi họ rút đi thì lại lúng túng. Do đó với bà con, làm một lần chưa được chúng tôi phải hướng dẫn nhắc lại để họ làm thuần thục hơn” - ông Vương cho biết. Vì vậy, hiện nay các dự án tập trung chủ yếu cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh và hướng tới người dân trực tiếp tham gia được hưởng lợi. Khi dự án hoàn thành, quy trình kỹ thuật sẽ được chuyển giao cho tỉnh để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, địa phương.

Hà Giang được xếp thuộc diện tỉnh còn nghèo, đầu tư cho KH&CN còn thấp (0,1-0,2% trên tổng chi ngân sách toàn tỉnh), chính vì thế người đứng đầu Sở KH&CN Hà Giang bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm, trang trại về KH&CN của tỉnh để Hà Giang có thể tiếp tục xây dựng và phát triển các quy trình kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn địa phương.