Thổ nhưỡng Lạng Sơn xưa nay vẫn được coi là không phù hợp để trồng nho. Vậy mà những vườn nho giống cự phong và tảo hồng có giá bán ngay tại vườn là 110.000 đồng/kg đã được trồng thành công ở xứ Lạng, hứa hẹn đem lại tiền tỷ mỗi năm cho các hộ gia đình.

Thu nhập gấp 3-4 lần trồng lúa

Ông Hoàng Văn Ba - ở thôn Nà Chuông I, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn - là một trong những hộ nông dân đầu tiên trong tỉnh tham gia dự án mở rộng mô hình trồng khảo nghiệm giống nho cự phong và tảo hồng (Trung Quốc) cách đây 3 năm. Được chuyển giao toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc nho, hỗ trợ giống và một phần vật tư, ông đầu tư kinh phí mua cột bêtông, dây thép, cây que làm giàn và thuê nhân công chăm sóc vườn nho.

Ông Ba chia sẻ: “Khi tôi quyết định đầu tư vào nho, nhiều người bảo đất Lạng Sơn xưa nay khó trồng loại cây này nên rủi ro rất cao; nhưng tôi tin rằng với phương thức canh tác mới và sự can thiệp của khoa học kỹ thuật, tôi có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương nên đã dành trọn công sức và tiền bạc cho cây nho, chủ yếu là nho cự phong”.

Năm 2015, vườn nho của ông Ba đạt năng suất bình quân 700kg/sào, tổng sản lượng 1,5 tấn. Năm 2016, với diện tích được mở rộng lên 11 sào, giá bán nho tại vườn là 110.000 đồng/kg, ông đạt doanh thu khoảng 800 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Nhìn thấy vườn nho đang ngày một mang lại nguồn kinh tế lớn cho gia đình, năm nay, tôi mở rộng diện tích trồng là 20 sào”. Với diện tích đó, gia đình ông có thể thu tiền tỷ mỗi năm.

Nho Cự Phong vào mùa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Đức

Kỹ sư Lý Đức Khiêm - Phó Trưởng phòng Triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn - cho biết, nếu như mỗi sào ngô hoặc lúa đem lại 5 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm thì với nho cự phong và tảo hồng, con số này là 15-20 triệu đồng. Thành phẩm được bán với giá cao nhờ chùm quả to, ngọt, màu sắc đẹp... vượt trội so với nho thường. Nho cự phong khi chín có vỏ dày, chỉ cần bóp nhẹ là phần cùi sẽ bong ra, không mất công bóc vỏ.

Nhân rộng mô hình

Thạc sỹ Nguyễn Duy Đông - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn, chủ nhiệm dự án - cho biết, hiện bà con Lạng Sơn chưa quen trồng các giống nho này do kỹ thuật chăm sóc rất khắt khe - từ việc phun thuốc kích thích ra hoa đậu quả đến tỉa chùm hoa, chùm quả. Quy cách hố trồng 40x40cm, phải bổ sung phân lân và phân chuồng hoai mục; khi cây cao 70-80cm, phải ngắt ngọn để phân nhánh.

“Ngoài ra, bà con cần dùng túi bao quả chuyên dụng để chống côn trùng, giúp chùm quả chín đều và tích đường. Điều kiện tốt nhất để hai giống nho này phát triển là khí hậu và thổ nhưỡng. Nếu mưa nhiều trong quá trình ra hoa thì tỷ lệ đậu quả không cao, còn độ ẩm cao sẽ dễ gây bệnh - nhất là bệnh sương mai. Thực tế cho thấy hai giống nho này phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Lạng Sơn” - thạc sỹ Đông nói và cho biết, trong thời gian tới dự án sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trên địa bàn Lạng Sơn và các tỉnh lân cận.

“Trong năm nay, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ trồng nho cự phong và tảo hồng cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt, chúng tôi rất muốn xây dựng vùng chuyên sản xuất nho tại Lạng Sơn nhằm phục vụ nhu cầu trong tỉnh và một số tỉnh vùng núi phía bắc” - thạc sỹ Đông nói.

Còn kỹ sư Lý Đức Khiêm cho biết, một mô hình tiếp nhận công nghệ xử lý nho trái vụ đang được xây dựng tại vườn nho của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh với diện tích 1.000m2,, áp dụng kỹ thuật xử lý cho ra quả vụ thứ nhất vào Tết Trung thu và vụ thứ hai vào Tết Nguyên đán. Theo ông Khiêm, nếu thành công đây sẽ là một bước tiến mới để hoàn thiện quy trình trồng nho, nâng cao được sản lượng và giá trị kinh tế, đào tạo được đội ngũ cán bộ nắm vững kỹ thuật để chuyển giao đến người dân trên địa bàn tỉnh.