Với khoảng 100m2 diện tích đất vườn, gia đình ông Vy Văn Can (thôn Bó Luông, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) có thể trồng được 1.200 cây gừng núi đá cấy mô. Sau 2 năm, mỗi cây đem lại lợi nhuận hơn 160.000 đồng.

Đây là kết quả của đề tài “Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) nhân giống gừng núi đá (gingiber zerumbet) bằng nuôi cấy mô tế bào” do kỹ sư Lâm Mai Tùng - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN Lạng Sơn - làm chủ nhiệm.

Góp phần bảo tồn gene bản địa

Ông Chu Xuân Tiến - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - cho biết, cây gừng đá thường mọc ở những dãy núi đá của một số huyện như Bắc Sơn, Bình Gia… Cây cao trên 1m, củ bằng đốt ngón tay, mùi thơm đặc trưng, lá có mùi như bọ xít. Củ gừng đá có vị cay, đắng, mùi khó chịu, tính ấm. Ngoài tác dụng làm dược liệu, loài cây này còn được sử dụng làm gia vị.

Theo kỹ sư Lâm Mai Tùng, những cây gừng đá trồng tự nhiên thường ít khi ra hoa, số chồi nằm ở củ không nhiều. Trước đây, đã có một số gia đình đưa cây gừng đá về trồng trong vườn nhà theo kinh nghiệm truyền thống và hiểu biết cá nhân nên năng suất chưa cao. Trong khi đó, cây gừng đá mọc trong tự nhiên đang bị khai thác nhiều nên ngày càng khan hiếm và có nguy cơ biến mất.

Cây gừng cấy mô được giới thiệu tại hội nghị giao ban vùng trung du và miền núi phía bắc 2016. Ảnh: Châu Long

Xuất phát từ nhu cầu tạo ra một lượng lớn cây giống sạch bệnh, cho năng suất cao, kỹ sư Tùng đã trực tiếp trao đổi kinh nghiệm với Sở KH&CN Bắc Kạn, Viện Di truyền, Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm ra giống gừng cấy mô phục vụ sản xuất. Kỹ sư Tùng cho biết, bà và đồng nghiệp đã tốn rất nhiều công sức để có được quy trình nhân giống nuôi cấy mô cho cây gừng núi đá.

Nhóm nghiên cứu đã chọn những củ gừng khỏe, sạch bệnh, mầm phát triển tốt, cân đối và nguyên vẹn để nghiên cứu về khả năng sinh trưởng các chồi gừng và khả năng ra rễ. Từ đó, họ tạo cây hoàn chỉnh có chiều cao 2-3cm và cho trồng thích nghi ngoài vườn ươm. Kết quả trong đợt nghiên cứu đầu tiên, họ thu được 3.200 cây gừng đá đạt tiêu chuẩn giống và đưa vào thực tế sản xuất cho bà con từ năm 2015.

“Việc ứng dụng trồng gừng cấy mô đã giúp thúc đẩy sản xuất và góp phần bảo tồn nguồn gene bản địa của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và bảo tồn nguồn tài nguyên thực vật của quốc gia nói chung, góp phần khai thác các thế mạnh tự nhiên của khu vực, tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa có năng suất cao, giúp nhân dân các dân tộc trong huyện xóa đói, giảm nghèo” - ThS Nguyễn Mạnh Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn - nhận định.

Mỗi gốc gừng cho lợi nhuận 163.000 đồng

Với 2 năm tham gia trồng gừng núi đá nuôi cấy mô, ông Vy Văn Can đã nắm chắc quy trình, cách thức trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho gia đình. Ông cho biết, với 100m2 đất vườn, ông trồng được 1.200 cây gừng núi đá cấy mô. Chi phí mua giống là 7.000 đồng/cây, tổng chi phí chăm sóc trong 2 năm khoảng 30.000 đồng/cây. Sau 2 năm, sản phẩm thu hoạch từ mỗi cây bán được khoảng 200.000 đồng/cây.

Như vậy, với lợi nhuận 163.000 đồng/cây, mảnh vườn rộng 100m2 của ông đem lại hơn 195 triệu đồng trong 2 năm - mức thu nhập đáng kể đối với bà con vùng núi.

“Trước đây, tôi chỉ đem khoảng chục gốc gừng đá trên rừng về trồng tại vườn. Khi mang chúng về, tôi mất nhiều thời gian để tách nhánh ra trồng luống. Sau khi tách, phải rất lâu sau cây mới hồi phục. Hiệu quả nhân giống của gừng núi đá tự nhiên rất thấp, cây rất dễ chết; nhưng khi trồng bằng giống nuôi cấy mô, cây có tỷ lệ sống rất cao. Chỉ cần chăm sóc tốt là sau khoảng 5-7 tháng, khóm một cây bố mẹ ban đầu có thể đẻ thêm 5-7 thân” - ông Can chia sẻ.

Đặc biệt, nếu như cây gừng núi đá trồng tự nhiên có chiều cao 60cm thì gừng cấy mô sau 2 năm chỉ cao khoảng 15cm nên rất tiết kiệm diện tích. “Với diện tích hiện có, trước đây tôi chỉ trồng được số cây rất ít, nhưng từ khi trồng giống gừng nuôi cấy mô tế bào, năng suất và sản lượng đều tăng lên nhiều. So với trồng lúa, hiệu quả kinh tế của trồng gừng cao hơn hẳn. Sang năm 2017, tôi dự kiến sẽ trồng thêm 1.500 gốc” - ông Can nói.

Theo kỹ sư Tùng, năng suất của cây gừng cấy mô có thể đạt 56,15 tạ/ha. Hiện gừng đá được bán trên thị trường với giá khoảng 600.000 đồng/kg. Trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn sẽ mở rộng quy mô trồng gừng đá ra một số địa bàn có thổ nhưỡng phù hợp, giúp bà con có thêm giống cây để lựa chọn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.