Trong giai đoạn 2016 – 2025, Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Chương trình Nông thôn - Miền núi) đặt mục tiêu xây dựng 2.200 mô hình hiệu quả.

Tuy nhiên, để những mô hình này được biết đến và nhân rộng thì rất cần sự tham gia của truyền thông.

Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm “Truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ” diễn ra ở Đà Nẵng hôm 23/11, xuất phát từ thực tế, trong các giai đoạn trước của Chương trình Nông thôn – Miền núi, có rất nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ KH&CN hiệu quả, mang lại nguồn sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số, miền núi, nông thôn nhưng không phải lúc nào những kết quả này cũng được lan tỏa rộng tới cộng đồng.

Ông Nguyễn Thế Ích, Chánh văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi, cũng xác nhận, “Trong các giai đoạn trước, công tác truyền thông về các mô hình ứng dụng chuyển giao KH&CN tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa khuyến khích nhân rộng sau khi dự án kết thúc”.

Nếu truyền thông tích cực tham gia chuyển tải kết quả của những mô hình cụ thể, hiệu quả nhân rộng chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều, ông Chu Thúc Đạt khẳng định.

Mô hình nuôi cá tầm ở Lai Châu. Ảnh: Thu Hương

Làm tốt thì phải để nhiều người biết đến

Khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong việc thúc đẩy đưa kết quả nghiên cứu tới cộng đồng, bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc sở KH&CN Đà Nẵng - cho rằng, nhìn vào quá trình phát triển kinh tế, ở đâu cũng có sự đóng góp của KH&CN nhưng các nhà khoa học gần như không muốn nói về mình. Đây cũng là một bất cập bởi khi đó các cơ quan truyền thông không có đủ thông tin. “Mặt khác, các hoạt động truyền thông về KH&CN còn ít và hạn chế một phần cũng là do kinh phí hạn chế” – bà Hậu thừa nhận.

Cho rằng chính sách hay kết quả nghiên cứu có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông, bà Hậu khẳng định: “Nếu không có các phương tiện thông tin đại chúng, các kết quả nghiên cứu cũng rất ít người biết đến hoặc nếu có cũng chỉ là thông qua nhóm nhỏ quan tâm truyền
miệng nhau”.

Chính vì thế, cần đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông để thúc đẩy việc đưa các kết quả nghiên cứu tới cộng đồng, từ đó những đơn vị có nhu cầu mới biết để ứng dụng cũng là kiến nghị Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng muốn chuyển tới cả cơ quan quản lý và các đơn vị nghiên cứu.

Đồng tình quan điểm này, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN - dẫn thực tế từ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68), công tác truyền thông được Chính phủ chỉ đạo có nội dung rõ và tổ chức thực hiện xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, nhờ đó đến nay đã có thêm nhiều địa phương quan tâm đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... cho các sản phẩm, đặc sản của mình.

Cụ thể, trong Chương trình 68, việc tuyên truyền được quy định như một nhiệm vụ riêng với kinh phí tương xứng, bao gồm việc quảng bá về các hoạt động của Chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các trang thông tin về các bên tham gia.

Song ông Sơn không quên nhấn mạnh, các cơ quan truyền thông phải tìm góc phản ánh thực sự thu hút độc giả mới mong muốn đạt hiệu quả như mong đợi.

Ông Nguyễn Thế Ích cho biết, trong giai đoạn này, Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi xác định chủ động hợp tác với các cơ quan báo chí để bảo đảm thông tin về các mô hình hiệu quả, về cơ chế chính sách được giới thiệu kịp thời, giúp các địa phương nắm bắt và có những điều chỉnh cần thiết trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, đề tài.

Mục tiêu của Chương trình Nông thôn - Miền núi trong giai đoạn 2016 - 2025 là xây dựng được ít nhất 2.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có ít nhất 30% các mô hình thực hiện ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân…

Giai đoạn này cũng phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp KH&CN hoạt động chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được hình thành từ Chương trình.