Với quan điểm của cơ quan chuyển giao công nghệ, chúng tôi thấy Chương trình Nông thôn miền núi rất hiệu quả và thực sự cần thiết. Để phát huy được hơn nữa hiệu quả của Chương trình thì việc lựa chọn công nghệ và cơ quan chuyển giao công nghệ là việc cực kỳ quan trọng.

Tiến sĩ Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đã chia sẻ góc nhìn của cơ quan chuyển giao công nghệ để chương trình có thể đạt hiệu quả hơn nữa.

Nhìn từ thực tế thời gian qua, TS Đặng Văn Đông khẳng định, nhờ có Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Chương trình Nông thôn - Miền núi) mà các cơ quan khoa học (đặc biệt là các cơ quan nghiên cứu ứng dụng về các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông thôn miền núi) có điều kiện chuyển giao nhanh nhất những kết quả khoa học của mình bao gồm: giống cây (con), quy trình công nghệ ra thực tiễn sản xuất vừa để giúp người dân vừa để kiểm chứng hoàn thiện thêm quy trình mà mình tạo ra, đồng thời đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học tiếp xúc, cọ sát với thực tiễn, cống hiến thêm công sức.

quy trình công nghệ ra thực tiễn sản xuất vừa để giúp người dân
Nhiều quy trình công nghệ ra thực tiễn đã được áp dụng vào sản xuất giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Thực tế đã có nhiều dự án đạt được sự thành công, song tiến sĩ Đông nêu kinh nghiệm đối với cơ quan chuyển giao công nghệ cần phải có các yêu cầu sau:

1. Phải có công nghệ do chính mình nghiên cứu tạo ra (chỉ có tác giả hoặc nhóm tác giả tạo ra mới hiều sâu về công nghệ, nhất là những công nghệ khó hoặc đòi hỏi tính chuyên môn sâu chuyên nghiệp), những công nghệ này cần phải được thẩm định hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công nhận.

2. Công nghệ chuyển giao phải phù hợp (hoặc điều chỉnh cho phù hợp) với địa phương, vùng miền và đối tượng tiếp nhận dự án: có thể cơ quan khoa học nghiên cứu được rất nhiều bộ giống, quy trình công nghệ, nhưng không phải tất cả các sản phẩm đó đều có thể được chuyển giao mà phải tùy địa phương với các điều kiện sinh thái, tập quán canh tác, khả năng kinh tế, thị trường để lựa chọn chuyển giao, có như vậy hiệu quả mới cao và mới bền vững.

3. Phải có kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ: thực ra các dự án chuyển giao công nghệ không đơn giản là việc bán công nghệ thông thường mà còn liên quan rất nhiều đến các việc xây dựng thuyết minh, giải trình kinh phí, lập hồ sơ theo báo cáo sơ kết, tổng kết,… Thông thường, nhiều chủ trì dự án không có kinh nghiệm làm việc đó (vì họ chỉ được tiếp nhận 1 đến 2 dự án), vì vậy phải dựa vào các cơ quan chuyển giao công nghệ; nếu cơ quan chuyển giao công nghệ cũng lúng túng không có kinh nghiệm thì dự án triển khai rất khó khăn.

4. Phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, sẵn sàng đi công tác xa, ăn ở tại địa bàn triển khai dự án, (đặc biệt là các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số), bắt tay chỉ việc cho những người được nhận công nghệ chuyển giao một cách nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ.

5. Cơ quan chuyển giao phải có sự liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của dự án: thông thường các sản phẩm do dự án NTMN làm ra là các sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng cao, tuy nhiên không phải cứ sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng cao là có thể tiêu thụ dễ dàng; điều này các chủ dự án hoặc những người tiếp nhận dự án rất cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan chuyển giao công nghệ vì chính cơ quan chuyển giao công nghệ mới là người hiểu rõ sản phẩm của dự án cần cho ai, đối tượng nào, bán ở đâu… Từ đó, sẽ tư vấn hoặc là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.


Bên cạnh những thành công và kinh nghiệm trong việc lựa chọn công nghệ và cơ quan chủ trì công nghệ Tiến sĩ Đông cũng đề xuất nâng mức kinh phí hỗ trợ cho một quy trình công nghệ ở mức tối đa: từ 30 triệu/quy trình lên mức 50 triệu/công nghệ; và nên quy định tỷ lệ kinh phí chuyển giao/tổng kinh phí do Trung ương hỗ trợ đối với từng loại dự án, từng loại vùng miền, làm cơ sở cho các đơn vị khi xây dựng dự toán một cách hợp lý.

Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ trách nhiệm của chủ trì dự án và cơ quan chuyển giao công nghệ dự án. Ở đây, kinh phí toàn bộ dự án đều chuyển cho cơ quan chủ trì dự án, trong trường hợp nếu cơ quan chủ trì dự án không tích cực thực hiện hoặc cơ quan chủ trì dự án chậm trả kinh phí cho cơ quan chuyển giao thì vấn đề này sẽ giải quyết thế nào? Do vậy, trong giai đoạn tới cần có quy định cụ thể rõ ràng hơn.

Có thể nói Chương trình Nông thôn miền núi thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt và có nhiều đổi mới trong cách thức triển khai giúp cho các cơ quan khoa học tiếp cận, chuyển giao nhanh nhất những sản phẩm khoa học của mình phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho vùng nông thôn miền núi. Tuy nhiên Chương trình cần tiếp tục cải tiến, đổi mới hơn nữa để các cơ quan, nhà khoa học có điều kiện phát huy khả năng của mình, đảm bảo đúng mục tiêu mà Chương trình đã nêu ra.